NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT VUI MỪNG, THOÁT KHỎI CÁI CHẾT, HỌ ĐƯỢC PHỤC SINH

Bạn có bao giờ tự hỏi: Niềm vui tột cùng của một người có thể là gì? Giây phút vui mừng nhất trong đời bạn là lúc nào?

Nguồn: vnexpress.net

Họ reo hò “Vui quá, vui quá… âm tính rồi…!”
Họ vui mừng vì họ không mang trong người con vi-rút kinh khủng ấy nữa.

Trong cơn lốc của đại dịch COVID-19, chúng ta bị bủa vây bởi những lo lắng, hoảng sợ, và bất an. Nhưng giữa cơn lốc đó, tia sáng hy vọng đã đến: Tin về những người bệnh nhân được bình phục và xuất viện khỏe mạnh.

Bạn có thấy niềm vui đó thật đặc biệt không?

Rất nhiều bệnh nhân khi bước ra khỏi khu cách ly điều trị bệnh đã vô cùng xúc động và cảm ơn những y bác sĩ đã cứu họ từ cõi chết trở về, cho họ một sự sống thứ hai. Niềm vui khi được chữa khỏi bệnh tật, được thoát khỏi sự chết rình rập thật đặc biệt.

Có rất nhiều khoảng khắc chúng ta trải nghiệm sự vui mừng bước đi trong đời. Khoảnh khắc vui mừng đơn sơ của con trẻ khi được ăn những viên kẹo yêu thích. Vui mừng khi thi đậu vào ngôi trường mơ ước. Vui mừng khi được lên lương. Vui mừng được kết hôn với người mình yêu thương. Vui mừng bên mâm cơm cùng gia đình sau ngày làm việc vất vả…

Nguoi mac Covid-19 om nhau khi duoc cong bo khoi benh hinh anh 7 7_27_benh_nhan_ra_vien_zing7.jpg
Nguồn: Zingnews

Bạn nghĩ sao nếu trải nghiệm khoảnh khắc của niềm vui lớn nhất?

Nếu chúng ta nói niềm vui khi được khỏi bệnh là niềm vui lớn nhất thì đồng nghĩa với việc bệnh tật là thứ đáng sợ với chúng ta phải không? Rõ ràng vậy, vì bệnh tật dẫn đến sự chết. Cái chết làm chúng ta tê liệt trong sợ hãi.

Có một thứ vi-rút khác còn đáng sợ hơn cả SARS-CoV-2. Vi-rút này đáng sợ bởi lẽ nó tồn tại ở bên trong mỗi người chúng ta, nhưng đa số chúng ta không nhận biết nó, hoặc phớt lờ nó, hoặc chấp nhận nó. Nó có sức mạnh hủy hoại và khiến con người đến sự chết vĩnh viễn, còn kinh khủng hơn cả con COVID-19…

Tên vi-rút là “TỘI LỖI”.

Nghe đến “TỘI” thường chúng ta sẽ nghĩ đến những hành vi phạm tội gây nguy hiểm đến xã hội như giết người, cướp của, hãm hiếp, bắt cóc, tống tiền v..v… Tuy nhiên, có những thứ tội thoáng nhìn qua chúng ta tưởng chừng như chúng không gây hại, không sao đâu, nhưng cuối cùng nó dẫn đến kết cục của sự chết.

“Sự chết” ở đây không phải chỉ là cái chết về thể chất, nó là sự chết trong tình cảm, trong hôn nhân gia đình, trong mối quan hệ với cha mẹ, bạn bè hoặc sự chết trong sự nghiệp, tài chính… Nó là một sợi dây trói vô hình khiến cuộc đời của chúng ta phải đắm chìm trong đau khổ, trong tuyệt vọng, bất an, thà chết đi còn hơn sống.

Bạn hãy thử suy ngẫm nhé:
Lừa dối, ngoại tình sẽ đem đến sự chết trong cuộc hôn nhân.
Hỗn xược không vâng lời làm chết đi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Lời nói xấu, đoán xét người khác làm chết đi mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp…

Vi-rút tội lỗi thực sự đem đến kết quả sự chết như vậy thì chẳng phải sẽ có một niềm vui mừng rất lớn khi được chữa khỏi con vi-rút này?

Sự vui mừng đó là niềm vui của một người được tha thứ và thoát khỏi mọi tội lỗi, của một người đã bị lãnh án tử hình mà được ân xá, của một người tưởng như đã chết mà nay lại được sống! Đây chính niềm vui đặc biệt của một người khi hiểu và nhận biết về ý nghĩa của sự Phục Sinh.

Nguồn: cruxnow.com

Lễ Phục Sinh là ngày mà những Cơ Đốc nhân trên toàn thế giới vui mừng kỉ niệm vì đó là ngày mà Chúa Giê-xu đã từ kẻ chết sống lại. Chúng ta hẳn đều biết rằng Chúa Giê-xu đã Giáng sinh để cứu nhân loại. Ngài đã sống trong thế gian này 33 năm nhưng sau đó Chúa đã phải chịu đóng đinh trên thập tự giá. Khi Chúa bị treo trên thập tự giá, những người theo Ngài đều vô cùng ngạc nhiên và đau buồn. Họ không thể hiểu được vì sao Chúa lại chết? Chúa đã chết rồi thì làm sao có thể cứu rỗi nhân loại được nữa đây?

Đúng là Chúa đã phải chịu chết một cách đau đớn trên thập tự giá để trả cái giá của tội lỗi cho nhân loại. Thế nhưng Ngài không chết mãi! Ba ngày sau khi Chúa Giê-xu chết, người ta đã vô cùng bàng hoàng và ngạc nhiên khi nghe tin Chúa Giê-xu đã sống lại (đã phục sinh) từ kẻ chết. Đây là điều vô cùng kinh ngạc với toàn bộ loài người vì từ trước đến nay chưa từng có một ai sống lại từ kẻ chết. Sự sống lại (phục sinh) của Chúa Giê-xu đồng nghĩa với việc Chúa Giê-xu đã vượt qua sự chết và Ngài có thể làm cho những điều đã chết được sống lại. Điều này cũng có nghĩa là Chúa Giê-xu có thể khiến cho những điều đã “chết” trong cuộc đời của chúng ta được sống lại. Những mối quan hệ đã chết, những lãnh vực đã hoàn toàn mất hy vọng thì Chúa đều có thể khiến cho nó được sống lại một lần nữa!

Nguồn: Unsplash

Nhưng có một điều kiện để chúng ta được kinh nghiệm sự phục sinh của Chúa Giê-xu trên cuộc đời của chúng ta đó là chúng ta cần ăn năn những tội lỗi, những sai lầm mà chúng ta đã gây ra trong quá khứ.

Bạn ơi, hãy ăn năn những lỗi lầm của mình, hãy đến với Chúa Giê-xu để Ngài giúp bạn được phục hồi lại trong các mối quan hệ, trong bất cứ lãnh vực nào đang gặp khó khăn trong cuộc đời của bạn! Bạn sẽ trải nghiệm niềm vui lớn nhất, thoát khỏi sự chết, từ ngày hôm nay cho đến đời đời!


bởi Quỳnh Mai

Suy ngẫm năm mới: văn hóa cầu xin của người Việt

người Việt, chúng ta khá quen thuộc với các truyền thống, cách thức mà mỗi người mỗi nhà cầu xin cho năm mới. Tuy vậy, hãy dành ít phút suy ngẫm đến việc cầu xin này có thực sự quan trọng hay không?

Nguồn: Báo Sống Mới

Tết đến, Xuân về, ngay trong khí trời cũng chứa đựng những nôn nao của thời điểm giao mùa, là thời điểm khởi đầu cho một năm mới. Lòng chúng ta háo hức cho những thời khắc của năm mới cùng với những hy vọng cho một năm tốt đẹp cho cá nhân và người thân.

Ký ức của tôi về những ngày Tết là những công việc tất bật chuẩn bị, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, và mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên rất to để chuẩn bị cho giờ khắc giao thừa. Theo như lời giải thích của mẹ thì đây là việc mà dịp Tết hàng năm mỗi gia đình cũng cần phải làm để cầu xin Trời, Phật, tổ tiên phù hộ cho một năm mới có sức khỏe, ăn nên làm ra, công thành danh toại… Qua đêm giao thừa, việc đi lễ chùa vào những ngày đầu năm cũng là một truyền thống lâu đời của người Việt.

Người Việt đến chùa không đơn giản chỉ là để dâng các ước nguyện, mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ đi những lo toan vất vả của cuộc sống. Người người cầu mong cho sức khỏe, bình an, mong cầu Thần Phật phù hộ cho con cái, cho công việc làm ăn, mua may bán đắt, thăng quan tiến chức… Nhiều người than thở rằng, nền văn minh vật chất phát triển quá nhanh trong khi nền văn minh tinh thần lại không thể theo kịp. Có người đến chùa là để tìm lối thoát cho những khúc mắc trong cuộc sống của bản thân trong hôn nhân, tình trạng sức khỏe, khủng hoảng tài chính, bế tắc trong các mối quan hệ…

Thế nhưng, việc đi lễ chùa xin lộc đầu năm đã có nhiều biến tướng, đến mức độ phản văn hóa. Người ta quan niệm rằng: phải đến những ngôi chùa nổi tiếng mới có thể “giải bày lòng mình” với thần thánh. Chính vì vậy, chẳng mấy ai cảm thấy “yên tâm” dù đã ghé qua ngôi chùa cổ kính tĩnh lặng của làng bản mình sinh sống. Họ phải đi bằng được đến một danh thắng nào đó mới thỏa lòng… thành kính Thánh, Phật. Họ “hối lộ” các vị thần bằng tiền giấy giả, bằng mâm cao cỗ đầy và mong thần phù hộ họ trong mọi việc. Một số khác thì tới chùa cầu xin mà không biết là mình đang cầu xin ai. Họ cũng không biết vị thần mà họ đang cầu xin có thể ban cho họ một điều gì đó hay không.

Nguồn: Tinhhoa

Vậy những câu hỏi ở đây là:
– Việc cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới có thực sự quan trọng hay không?
– Với nhiều “vị thần” như vậy theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì vị thần nào mới thực sự là vị thần có thể ban cho chúng ta những điều mà chúng ta cầu xin?

Năm mới đến, chúng ta thường ngồi xuống, tổng kết lại một năm cũ và lên kế hoạch cho một năm mới. Và khi lập kế hoạch, ắt hẳn ai cũng sẽ mong muốn những kế hoạch mà bản thân đề ra sẽ được thực hiện một cách suôn sẻ. Đứng trước thềm năm mới, ai ai cũng hy vọng rằng những điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến với mình. Vì vậy, ai cũng đem những mong ước của mình đến với một vị thần để cầu xin vị thần đó giúp đỡ cho kế hoạch của mình.

Mối quan hệ giữa con người và thần thánh ngày nay đã bị “biến tấu” thành mối quan hệ có điều kiện. Khái niệm cầu xin và ban cho có vẻ không còn tồn tại mà thay vào đó là sự “mua bán phước hạnh. Rất nhiều người cho rằng dâng cho thần của càng nhiều thì thần sẽ phù hộ. Lối quan niệm này đã trở nên hành vi vô thức, đến nỗi người Việt không còn cảm thấy sự vô lý trong những việc mà bản thân đang thực hiện.

Hãy ngẫm nghĩ một chút: Nếu một vị thần với lòng thương xót, từ bi, sẵn sàng ban cho, thì “vị” đó có cần đến con người “hối lộ” một cái gì đó hay không? Nếu muốn ban cho, “vị” ấy phải CÓ để ban, vị ấy phải là nguồn cung ứng thì mới có thể ban cho con người.

Lời Kinh Thánh cho ghi rằng:

Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con-cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao? (sách Ma-thi-ơ chương 7 câu 7 đến 11)

Nguồn: Techmakroti

Đối với những người đã làm cha, làm mẹ thì đều hiểu rất rõ rằng nếu con cái của mình mong muốn và xin một điều gì đó thì cha mẹ sẽ luôn cố gắng đáp ứng những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Thế nhưng mỗi chúng ta đều có những giới hạn của bản thân mình, không thể đáp ứng được mọi nhu cầu của con cái. Rất nhiều ước mơ và mong muốn của con cái nằm ngoài tầm kiểm soát của những người làm cha, làm mẹ như chúng ta. Có lẽ vì vậy mà con người ta thường đem những điều mà mình không thể tự thực hiện được để đến xin các “vị thần” có thể ban cho.

Đến đây, tôi muốn nói với bạn về một mối quan hệ thiêng liêng, sâu sắc hơn. Đó là mối quan hệ giữa chúng ta – là con, với Cha trên trời. Cha trên trời của chúng ta biết rõ mỗi nhu cầu của chúng ta, Ngài ban cho chúng ta những điều còn vượt quá cả sự cầu xin và suy nghĩ của chúng ta nữa. Ngài là Chúa Trời, là Đấng Cung ứng. Ngài là nguồn của mọi phước hạnh, nguồn của tình yêu thương, nguồn của sự thịnh vượng, nguồn bình an. Bởi Ngài mà mọi vật hiện hữu và trong Ngài chúng ta sẽ có mọi sự.

Kinh Thánh ghi rằng: Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời Ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. (sách Giăng chương 15 câu 7).

Kết lại, chúng ta đã có câu trả lời cho mình. Một năm mới sắp tới, chúng ta cần tìm đến ai để cầu xin cho những nhu cầu của chúng ta? Hãy luôn nhớ rằng Cha của chúng ta ở trên trời biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta và Ngài sẽ ban cho chúng ta vượt trội hơn cả điều chúng ta cầu xin và nghĩ đến.

Hãy tin cậy Cha!


bởi Quỳnh Mai

Lễ tạ ơn là gì?

Có lẽ từ trước đến nay, trong chúng ta đã không ít lần được nghe về ngày lễ này. Chúng ta có lẽ có nhiều khái niệm khác nhau về ý nghĩa của ngày lễ này. Để hiểu rõ ý nghĩa của ngày lễ, chúng ta cần bắt đầu với nguồn gốc hình thành của nó.
Ảnh bởi Alison Marras trên Unsplash

Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) là một ngày lễ tổ chức tại khu vực Bắc Mỹ, thường được coi là dịp để bày tỏ lòng biết ơn. Lễ Tạ Ơn được tổ chức hàng năm chủ yếu tại Hoa Kỳ, Canada một số đảo ở Caribe và Liberia. Ngày lễ này có ý nghĩa lúc đầu là mừng việc thu hoạch được mùa và tạ ơn Chúa Trời đã cho con người được sống no đủ và an lành. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức, cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ khi George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Mỹ đã tuyên bố ngày Lễ Tạ Ơn trở thành một ngày lễ chính thức của Mỹ vào năm 1789.

Lễ Tạ Ơn thường được tổ chức với gia đình và bạn bè gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui, và nhất là một bữa tiệc buổi tối, gia đình sum họp ăn uống vui vẻ. Đây là một ngày quan trọng cho đời sống gia đình, nên dù ở xa, con cháu thường về với gia đình. Lễ Tạ Ơn là một ngày truyền thống dành cho gia đình bạn bè sum họp bên nhau cho một bữa ăn đặc biệt. Bữa ăn đặc biệt này thường bao gồm gà tây, khoai tây, nước sốt việt quất, bánh bí ngô, rau xanh…

Có lẽ từ trước đến nay, trong chúng ta đã có không ít lần được nghe về ngày lễ này. Nếu chúng ta không hiểu về nguồn gốc xuất hiện của Lễ Tạ Ơn thì chắc rằng trong số chúng ta sẽ có khái niệm khác nhau về ý nghĩa của ngày lễ này. Nhưng để hiểu rõ ý nghĩa của ngày lễ, chúng ta cần bắt đầu với nguồn gốc hình thành của nó.

Nguồn gốc: Lễ Tạ Ơn bắt đầu như thế nào?

Vào khoảng năm 1621, sau phong trào cải cách giáo hội của Martin Luther tại Châu Âu, một số Cơ đốc nhân (những người tin vào Chúa Giê-xu) đã bị Vua của nước Anh buộc phải cải đạo theo Tôn giáo của Vua. Nhưng những người này đã quyết tâm giữ vững niềm tin, sau một thời gian bị bỏ tù thì cuối cùng họ bị buộc phải rời khỏi đất nước Anh. Vì vậy, họ đành phải lìa bỏ quê hương mình, cùng với gia đình đi tìm nơi sinh sống. Họ đã phải mạo hiểm đi bằng thuyền từ Châu Âu đến Hoa Kỳ. Cuối cùng thì họ tới được Plymouth vào một mùa đông rất khắc nghiệt. Một nửa số người trong số họ đã không qua nổi mùa đông khắc nghiệt này.

Khi đó, vì là Cơ Đốc nhân nên những người này đã kêu cầu với Đức Chúa Trời và Ngài đã dạy họ hãy kết bạn với người dân địa phương. Họ đã vâng lời Chúa dạy và đã được người dân da đỏ giúp đỡ. Những người dân da đỏ đã dạy họ cách sinh tồn tại vùng đất này bằng việc trồng trọt, săn bắt…. Năm đó họ trúng mùa, thêm vào đó có sự xuất hiện của những chú gà tây rừng giúp cho họ được đầy đủ thức ăn.

Và với sự cảm động sâu xa về sự ban cho của Đức Chúa Trời, họ đã cùng nhau họp lại để cảm tạ Ngài và từ đó Lễ Tạ Ơn được hình thành.

Nguồn: tuoitre.vn

Ý nghĩa thực sự của ngày Lễ Tạ Ơn là gì?

Bắt nguồn từ sự hình thành của Lễ Tạ Ơn, ngày này được những người Anh Quốc di cư sang Hoa Kỳ tổ chức để cảm tạ Đức Chúa Trời vì những điều Ngài đã ban cho họ. Lễ Tạ Ơn được coi là dịp để bày tỏ lòng biết ơn nhau và nhất là tạ ơn Chúa đã ban cho vụ mùa màng được sinh hoa kết trái, lương thực dồi dào và dùng đủ, và tất cả các ơn lành khác ta nhận được trong cuộc sống. Như vậy, cho đến ngày nay việc tổ chức Lễ Tạ Ơn với sự cảm tạ về phước hạnh từ Chúa ban đã được lan truyền ra khắp nơi trên thế giới. Người Việt chúng ta tới ngày này, cũng hãy biết ơn “Ông Trời”, Đấng đáp ứng những nhu cầu chúng ta, như trong câu ca dao từ xưa “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Tỏ lòng biết ơn là một hành vi đạo đức cao quý. Tâm tình tạ ơn không chỉ có trong những lúc chúng ta nhận được các điều tốt lành, những phước hạnh, nhưng cả trong những khi gặp khó khăn thử thách. Trong Lễ Tạ Ơn năm nay, dù cho chúng ta đang sống trong hoàn cảnh nào, hãy tạ ơn tình yêu, sự tốt lành mà Ông Trời đã dành cho chúng ta.


bởi Quỳnh Mai

Chúng ta có phải là người phối ngẫu lý tưởng như chúng ta nghĩ?

Hầu như mỗi chúng ta, trước khi bước vào hôn nhân, đều nghĩ rằng bản thân sẽ cố gắng để giữ cuộc sống hạnh phúc và chắc chắn chúng ta sẽ làm được. Nhưng rồi, đôi khi chính chúng ta lại không phải là người vợ/người chồng như chúng ta đã nghĩ tới …..

Nguồn: Tuarts

Thời gian chuẩn bị bước vào hôn nhân

Trước khi bước vào hôn nhân, có lẽ ai trong chúng ta cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cuộc hôn nhân của mình. Tất nhiên rồi! Bạn và người phối ngẫu đang yêu nhau đến thế cơ mà! Mọi chuyện trong mối tình của các bạn, vui có, buồn có nhưng đều đã cùng nhau vượt qua để cùng nhau bước tới hôn nhân. Có lẽ lúc này, trong suy nghĩ, bạn chỉ nghĩ đến những ngày tháng sắp tới mà hai vợ chồng sẽ trải nghiệm cùng với nhau, những nơi cả hai sẽ cùng đi, những món sẽ cùng ăn, những việc sẽ cùng làm… woah, đó là cả một chuỗi những trải nghiệm thú vị!

Khoan hãy nói về điều mà bạn mong đợi ở người phối ngẫu của mình, trước khi bước vào hôn nhân, bạn đã nghĩ mình sẽ là người vợ/người chồng như thế nào?

Nếu bạn là người nam, chắc hẳn bạn sẽ suy nghĩ tới việc sống thật trách nhiệm, là người trụ cột trong gia đình, là người sẽ hướng dẫn gia đình đi trong con đường đúng đắn, là người bảo vệ vợ con, chu toàn trong công việc…

Nếu bạn là người nữ thì có lẽ rằng bạn sẽ có những suy nghĩ ‘mình sẽ là một người vợ đảm đang‘, ‘một người con dâu hiếu thảo‘, ‘một người mẹ biết hy sinh’

Mọi thứ thật đẹp phải không?…

Khi bạn thực sự được trải nghiệm trong hôn nhân của mình….

Nguồn: Mothegioi

Tôi cũng đã từng vẽ nên một hình ảnh người vợ ưu tú trong mình, và tôi cũng đã sống với suy nghĩ là ‘mình đã là một người vợ ưu tú nhất với chồng mình rồi, mình không cần phải cố gắng thêm gì nhiều nữa‘. Tôi đã vẽ ra rất nhiều điều tuyệt vời mà tôi nghĩ mình có thể làm được. Khi chưa bước vào hôn nhân, nhìn thấy những gia đình khác xung đột tôi thường nghĩ ‘Tại sao họ lại như vậy nhỉ? Vợ chồng mình sẽ không bao giờ như vậy đâu! Vì tôi và chồng tôi đều là những người khá ổn mà! Chúng tôi sẽ giải quyết hết được!’

Nhưng tôi đã sai!

Tới khi, cuộc sống hôn nhân giữa tôi và chồng không còn là ‘cơm lành canh ngọt’ nữa. Giữa hai người là những chuỗi ngày dài của mệt mỏiáp lực. Chúng tôi không thể nói chuyện với nhau, ngồi cùng bàn ăn mà cả hai đều nín thinh, chúng tôi gây gổ từ những chuyện rất nhỏ nhặt. Chúng tôi kêu than về mọi thứ liên quan tới người phối ngẫu của mình. Chúng tôi thường cảm thấy thất vọng về người phối ngẫu không được như mình nghĩ. Lúc này tôi mới thấy rằng những ‘lý tưởng’ cao đẹp về hôn nhân trước đây của mình là không thực tế.

Có lẽ trong những năm đầu của cuộc hôn nhân, hầu như gia đình nào cũng gặp phải vấn đề tương tự như vậy. Đó cũng là lý do vì sao mà phần lớn những cuộc ly hôn thường xảy ra trong 5 năm đầu tiên chung sống của hai vợ chồng.

Vấn đề đặt ra ở đây: khi cuộc sống hôn nhân đã lộ rõ những tính cách, bản chất của từng con người trong cuộc hôn nhân đó, khi mà những sự thật đó khiến mâu thuẫn xảy ra thì người trong cuộc sẽ xử lý như thế nào?

Thông thường, người ta chỉ nhìn thấy rõ lỗi lầm của người khác và cứ tiếp tục chỉ trích lẫn nhau cho tới khi không thể chịu đựng được nữa và hôn nhân chấm dứt. Chúng ta luôn cảm thấy rằng mình là người bị tổn thương, bản thân là đúng còn đối phương là sai hoàn toàn.

Thế nhưng, bạn của tôi ơi! Đôi khi lỗi lầm của người khác chỉ là một “cái dằm” nhỏ còn vấn đề của riêng chúng ta lại là một “khúc gỗ” lớn! Tại sao chúng ta lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào việc muốn lấy “cái dằm” trong mắt người khác mà không chịu nhìn thấy “khúc gỗ” trong mắt chúng ta? Chúng ta luôn luôn chỉ muốn chỉnh sửa người phối ngẫu của mình theo ý muốn cá nhân. Việc này là sẽ chỉ đem đến cho bạn sự mệt mỏi mà thôi. Sự thật là, chúng ta nên lấy “khúc gỗ” ra khỏi mắt mình trước sau đó mới thấy rõ mà lấy “cái dằm” ra khỏi mắt người khác được. Chúng ta cần suy xét mình chính mình để rồi sau đó mới có thể giúp người khác thay đổi được.

Nguồn: Unsplash

Chúng ta nên làm điều gì để có ích cho hôn nhân của mình?

Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta không một ai là hoàn hảo, kể cả chính bản thân. Vì vậy, trong mối quan hệ hôn nhân, bạn đừng kì vọng quá cao vào chính bản thân mình hay người phối ngẫu của mình để rồi dẫn đến thất vọng. Đôi khi sự kỳ vọng quá cao vào bản thân sẽ khiến bạn bị áp lực nữa, bạn phải cố gắng gồng mình để vẽ nên hình ảnh của bản thân mà bạn mong muốn. Khi đó cuộc sống sẽ rất nặng nề.

Bạn muốn cứu vãn hôn nhân của mình? Hãy đặt cho mình câu hỏi: “Vì sao chuyện này xảy đến? TÔI có sai lầm gì trong chỗ này không? Hãy chân thật và nhìn thẳng vào vấn đề. Đôi khi lỗi lầm khiến chúng ta xấu hổ và không dám thừa nhận mình sai. Để rồi chúng ta lại “xù lông” lên để bảo vệ chính cái sai của mình. Nhưng khi bạn dám nhìn thẳng vào bản thân mình, thừa nhận lỗi lầm, rũ bỏ cái tôi tự ái-tự yêu thì bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Khi bạn thay đổi, người phối ngẫu của bạn sẽ nhìn thấy và hôn nhân của bạn sẽ đi theo chiều hướng tốt hơn.

Dù đã bước vào hôn nhân, nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục đào sâu và tìm hiểu nhiều hơn, khám phá nhiều hơn về chính bản thân và người phối ngẫu của mình.

Hãy khám phá xem chính mình là ai? Người phối ngẫu của mình là ai? Điều gì đã tạo nên tính cách của bạn và người phối ngẫu? Quê hương, môi trường, văn hóa đã ảnh hưởng tới bạn và người phối ngẫu như thế nào? Gia đình, bạn bè của họ là những người ra sao? Nếu bạn hiểu rõ những điều này, bạn sẽ dễ dàng cảm thông cho người phối ngẫu của mình hơn nhiều.

Cuối cùng, hãy loại bỏ những “hình ảnh lý tưởng” về hôn nhân, về chính bản thân mình và về người phối ngẫu. Hãy biết chấp nhận, tha thứ và cùng thay đổi để cuộc hôn nhân của bạn sẽ có những ngày hạnh phúc và tốt đẹp!


bởi Quỳnh Mai

“Con xin lỗi bố mẹ nhiều!” – Tâm thư của cô gái ước vọng đổi đời

Những ngày vừa qua, ai ai cũng vô cùng bàng hoàng khi nghe tin về 39 người đã thiệt hại trên một container tại Anh. Họ là những người đang trên đường vượt biên từ Pháp sang Anh. Một tiếng gọi từ ‘miền đất hứa hay lời kêu cứu từ những nô lệ thời hiện đại?

Nguồn: news.zing.vn

Khi sự việc xảy ra, cả xã hội như được “mở mắt” trước thực trạng vượt biên trái phép với ước vọng đổi đời. Nhưng cùng lúc này, sự thật khốc liệt về những cuộc vượt biên trái phép được viết lại và chia sẻ trên mạng xã hội.

Cho đến nay đã xác minh được tới 14 nạn nhân trong số 39 người là người Việt Nam. Ngay sau khi sự việc xảy ra, một đoạn tin nhắn cuối cùng của cô gái tên Phan Thị Trà My đã được đăng tải lên mạng xã hội.

Theo bố của Trà My, lần đi này nếu trót lọt thì gia đình sẽ phải trả số tiền hơn 950 triệu đồng. Trước khi đi, gia đình My đã phải nộp 22 nghìn USD để người đưa đi lo thủ tục. Sau khi sang được thành công thì gia đình phải nộp tiếp hơn 400 triệu đồng.

Ngày 3/10, My xuất phát từ Việt Nam rồi qua Trung Quốc. Trên đường đi, My có liên lạc về nhà và cho biết sẽ đi sang Pháp rồi mới sang Anh. Rạng sáng 23/10, My nhắn tin vào mạng zalo cho mẹ. Tuy nhiên, người mẹ không biết nên không mở xem. Đến ngày hôm sau, người em trai mở điện thoại mẹ ra xem thấy tin nhắn của chị nên liền gọi lại nhưng không còn ai nhấc máy.

Nguồn: CafeBiz

Đọc những dòng tin nhắn này, lòng chúng ra không khỏi quặn thắt!

Tại sao trong đoạn tin nhắn này, điều duy nhất cô gái trẻ nói tới là lời xin lỗi bố mẹ? Phải chăng là vì khi ra đi em gánh trên vai mình một kỳ vọng lớn lao của cả gia đình về một chân trời mới, nơi sẽ giúp cả em và gia đình em được đổi đời và tới khi hấp hối em biết rằng em đã thất bại, đã không thể thực hiện được ước mơ và kỳ vọng mà cả gia đình đã trao cho em?

Em chọn con đường vượt biên tới một “miền đất hứa”, bỏ lại sau lưng em những điều em cho là không hạnh phúc, không có ý nghĩa, không bình yên… Có lẽ, khi bước đi em đã không tính được đến cái giá phải trả. Cái giá là quá đắt! Em đã mất mạng nơi đất khách, gia đình em mất đi một người con, những gia đình khác mất đi người chồng, người vợ, những đứa trẻ mất cha, mẹ… và số nợ để lại là con số hàng tỷ.

Câu chuyện này là một hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta về thực trạng của dòng người di cư bất hợp pháp với mong ước một cuộc sống hạnh phúc hơn nơi xứ người. Nhưng trên một khía cạnh khác, họ cũng như những người “nô lệ thời hiện đại” – là những nô lệ của sự giàu sang, phú quí, mong đợi một cơ hội để đổi đời nơi miền đất hứa.

Nguồn: Cafebiz

Những cuộc vượt biên đều là những tháng ngày khó khăn và đau đớn vô cùng. Họ phải di chuyển trong đêm tối dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, đồ ăn thức uống đều không có, ngôn ngữ thì khác biệt, họ phải sống trong những lán trại lạnh lẽo…Người Việt di cư trái phép thường phải sống chui lủi, lén lút và làm những việc trái phép. Họ bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục và có thể bị thủ tiêu. Nhiều người bị truy quét, bị bắt, bị trả về Việt Nam, gánh thêm đống nợ từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Trong những người lên đường vượt biên, người may mắn thì sống sót và ở lại, kẻ kém may mắn hơn thì bỏ mạng, bị trục xuất… Có những người được ở lại thì cuộc sống lao động vô cùng gánh nặng, với mức lương bóc lột. Họ thậm chí không dám trở về vì món nợ lên đến tiền tỷ đang gánh trên vai.

Sau cùng, một trong những cái chết đau đớn nhất là chết đông lạnh từ từ, cảm giác như hàng ngàn mũi kim đâm thấu vào da, vào xương, lan đến nội tạng… Thường từ hấp hối đến chết kéo dài 3-5 tiếng – những giây phút kinh hoàng. Có người hỏi tại sao xe container có chở người mà đặt nhiệt độ tại âm 25 độ? Vì các máy soi hồng ngoại theo dõi bằng cảm biến thân nhiệt, nên những kẻ đưa người nhập cư trái phép phải để xe nhiệt độ như thế để tránh bị phát hiện.

Cái kết là họ đều đã bỏ dở ước mơ của mình. Không một người nào còn sống sót để viết nốt phần còn lại của một ước mơ giàu sang. Tất cả đều đã thiệt mạng khi đang trên đường vượt biên, để lại những người thân ở nhà với nỗi day dứt và khổ đau.

Thế nhưng, liệu những con người đã và đang có ước mơ vượt biên trái phép để có một cuộc sống đổi đời, họ có biết rằng …

Có một miền đất hứa tốt đẹp hơn tất dành sẵn cho những ai đang khao khát!
Có một đất nước sẵn sàng đón nhận những người đói nghèo, đau khổ và lạc lối!
Có một ngôi nhà đã chuẩn bị sẵn cho những con người đang tha hương cầu thực!
Còn một vòng tay luôn rộng mở cho những ai đang mệt mỏi!

Miền đất đó, đất nước đó, vòng tay đó vẫn luôn sẵn sàng chờ đón những người thực khao khát và muốn tìm đến…

Nguồn: Pixabay

Hỡi những ai khao khát, hãy đến và nhận lấy!


bởi Quỳnh Mai

Hình tượng chúng ta sùng bái sẽ biến chúng ta thành cái gì?

Chúng ta đã và đang sống với sự sùng bái hình tượng gì? Một ca sĩ, diễn viên hay một doanh nhân? Và điều chúng ta đang sùng bái đó nó đã ảnh hưởng lên chúng ta như thế nào?

Ngày nay, câu chuyện về một người hâm mộ hay thần tượng một ai đó hay một điều gì đó không còn là chuyện quá xa lạ. Hầu hết mỗi một người đều có riêng cho mình một hình tượng nào đó để yêu mến, sùng bái, tôn thờ. Trong mỗi lĩnh vực từ âm nhạc, phim ảnh, kinh doanh, đầu tư đều có những con người khiến chúng ta phải ngưỡng mộ. Các bạn trẻ thì thần tượng những ca sĩ Hàn Quốc với vẻ ngoài long lanh, những bộ outfit đẹp mắt, những bài hát với ca từ gây nghiện. Giới làm kinh doanh thì ngưỡng mộ những nhà đầu tư đại tài. Những con mọt phim thì lại hâm mộ những hình tượng được lí tưởng hóa….

Sùng bái một điều gì đó khiến bạn ngày đêm nghĩ về nó, đôi khi là phát cuồng lên vì điều đó. Mặt tích cực là chúng ta sẽ cố gắng để trở nên tốt hơn giống như hình mẫu mà chúng ta ngưỡng mộ. Nhưng giống ở khía cạnh nào mới là tích cực?

Nguồn: Supernewsworld

Trên đây là hình ảnh một chàng trai tên Henry Rodriguez đã tiêu tốn tới 380.000USD để phẫu thuật khuôn mặt của mình trở nên giống với nhân vật “Sọ đỏ” trong phim ảnh.

Nguồn: Báo 24h

Chàng trai trong bức ảnh trên là Oli London (đến từ Anh) sau nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ với chi phí hơn 2 tỷ đồng để trở nên giống thần tượng của mình là Jimin (thành viên nhóm nhạc BTS). Anh chia sẻ: “Tôi muốn phong cách của mình phải xoay quanh K-pop và muốn diện mạo của mình giống với Jimin – thành viên của BTS, bởi đối với tôi, anh ấy rất hoàn hảo về mọi phương diện”. Tuy nhiên, sau khi bỏ số tiền khổng lồ và chịu đau đớn để trở thành phiên bản hoàn hảo của thành viên BTS nhưng anh lại được nhận xét là không hề giống. Thậm chí, anh còn bị chê là già đi rất nhiều và có hơi hướng giống vẻ ngoài của một phụ nữ. Chưa kể, Oli còn phải chịu những biến chứng do dư âm của phẫu thuật thẩm mỹ để lại.

Nguồn: Bestie

Còn đây là một cô gái đã chịu đau đớn với 50 lần phẫu thuật trong vài tháng để có được vẻ ngoài giống Angelina Joile – thần tượng của mình nhưng kết cục lại là một vẻ ngoài vô cùng kỳ quặc!?

Khi nhìn vào hai bức ảnh trên bạn có suy nghĩ gì? Điều mà những con người này đang sùng bái đã khiến họ trở nên tốt hơn hay là biến họ trở thành một thứ quái đản? Việc phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi vẻ bề ngoài của mình giống thần tượng sẽ đem đến cho họ được điều gì? Họ có thể trở nên thực sự là con người đó hay không? Phẫu thuật xong rồi họ có trở thành Angelina Jolie, Jimin hay Sọ đỏ không? Hay chỉ nổi lên tạm thời trên mạng xã hội với những tin tức giật gân và chịu nhiều lời phán xét, chịu những đau đớn về thể xác sau đó?

Vẻ bề ngoài chỉ là cái phần vỏ của một con người mà thôi. Để thực sự đánh giá một con người, cần nhìn vào bên trong con người đó. Ngôi sao Angelina Jolie có nổi tiếng chỉ vì vẻ đẹp của cô ấy không? Không! Nếu không có tài năng và bản lĩnh thì cô đã không có thành công như hôm nay. Bạn có thành công được như Jack Ma nếu như bạn phẫu thuật vẻ bề ngoài giống ông ấy, bắt chước nơi học của ông ấy hay không? Hoàn toàn không! Trừ khi bạn có một bộ óc linh hoạt và nhạy bén được như ông ấy!

Sự thật là vè ngoài không khiến bạn trở nên thần tượng mà bạn sùng bái. Vậy tại sao vẫn có nhiều con người lao đầu vào những việc vô ích, tiêu tốn nhiều tài sản, chịu nhiều đau đớn đến như vậy? Tôi nghĩ câu trả lời phù hợp nhất cho trường hợp này đó là khi người ta say đắm, nhìn ngắm cái gì mãi trong cuộc sống, người ta sẽ biến mình thành vật đó. Tại sao không dám sống là chính mình mà lại cố gắng biến mình thành bản sao của một người khác? Có lẽ bản thân họ không thực sự biết về giá trị của chính mình. Họ không biết chính bản thân họ là điều vô cùng có giá trị, họ đã được tạo nên là duy nhất, là toàn hảo, không ai giống như họ. Nhưng họ lại đổi lấy giá trị duy nhất của mình để trở thành một người khác. Có lẽ vì suy nghĩ sai lệch của họ cho rằng phải giống người nổi tiếng thì họ mới trở nên có giá trị. Tôi nghĩ rằng, sau đó họ có trở nên có giá trị hay không thì chính họ nhận thức được rất rõ.

Gần đây, trong cuộc thi thiết kế trang phục cho Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam đi dự thi tại đấu trường quốc tế, đã có một thiết kế của thí sinh lấy ý tưởng từ chiếc bàn thờ.

Nguồn: Facebook Miss Universe Vietnam

Thiết kế với hình thức người mặc trang phục cũng chính là người có mặt trong chiếc ảnh thờ trong khi họ còn chưa qua đời!? Kèm theo đó là hình ảnh bát hương và chiếc bàn thờ ở tà váy. Người thiết kế cho rằng đây là văn hóa tờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Tuy nhiên, khi đưa lên thành một thiết kế dự thi, nó mang hình thức quá kì quái và thiếu thẩm mỹ. Các cư dân mạng đều có ý kiến trái chiều về thiết kế này. Chính Á hậu Hoàng Thùy cũng có bình luận với thiết kế này rằng “Cho mình lên Hương sớm thế bạn gì ơi?”. Có lẽ không ai muốn ngồi lên bàn thờ khi còn đang sống như vậy. Cũng chẳng ai muốn khoác lên mình một bộ trang phục có phần kỳ quái như thế. Bởi lẽ, chúng ta mặc lên người trang phục gì, nó sẽ phản ánh điều mà chúng ta muốn bày huống chi là đại diện cho cả một quốc gia đi thi sắc đẹp quốc tế thì bộ trang phục này có tôn lên vẻ đẹp của người con gái Việt hay không?

Suy cho cùng, khi bị cuốn hút bởi hình/thần tượng thì con người ta dám làm những điều điên cuồng và mù quáng. Những nhân vật trên đây đã tự hủy hoại đi chính hình ảnh tốt đẹp ban đầu của mình mà Thượng đế đã tạo dựng để nhận lấy một kết quả là hình hài gớm ghiếc, xấu xí.


bởi Quỳnh Mai

“Mất thể diện”, chúng ta mất gì?

“Mất thể diện” có thể khiến bạn mất đi hình tượng ảo mà bạn đã dày công xây dựng trong nhiều năm tháng. Nhưng “mất thể diện” thật có ích vì nó giúp bạn loại bỏ đi những thứ hình thức bề ngoài, những chiếc mặt nạ nặng nề. Bạn sẽ được tự do sống chân thật với chính mình.

Ảnh bởi Chris Barbalis trên Unsplash

Hai chữ “thể diện” được giải thích trong từ điển Tiếng Việt là “những điều làm cho người khác coi trọng mình khi tiếp xúc”. Nói nôm na một cách khác thì “thể diện” là những thứ hữu hình mà người ta thường nhìn vào để đánh giá về một con người nào đó. Vì áp lực “người khác đánh giá” nên ai ai cũng gắng sức để “giữ” nó cho bằng được. Mặt tích cực của thể diện là khi nó thể hiện ra một sự tương đồng với lòng tự trọng, giá trị thật con người chúng ta. Mặt tiêu cực của thể diện là khi nó trở thành sĩ diện, hình tượng ảo, thì khiến cho cả chủ thể lẫn các đối tượng liên quan cảm thấy rất mệt mỏi và vô nghĩa để duy trì.

Hình ảnh tôi bề ngoài
Xu hướng chung, con người ta thường nhìn vào những thứ bên ngoài như ngoại hình, cách hành xử, lời nói, hành động để “đánh giá thể diện” của một con người, và cũng chú trọng nhiều đến vẻ bề ngoài để cố “giữ thể diện” cho chính mình.

Với một số người, vẻ bề ngoài là điều thực sự quan trọng. Đặc biệt là với những người của công chúng hay những người có địa vị trong xã hội. Họ thể hiện sự tôn trọng với những người tiếp xúc với họ bằng vẻ ngoài chỉn chu và gọn gàng. Tuy nhiên, với một số người thì bề ngoài lại bị họ sử dụng như một phương tiện để thể hiện đẳng cấp giàu sang của mình. Khuôn mặt trước khi ra ngoài phải được trang điểm thật cầu kỳ. Một số người thì cố gắng biến mình thành một bản sao của hình mẫu nào đó. Họ không tự tin về vẻ đẹp tự nhiên của họ đến mức phải sửa mũi, cắt mí mắt, bơm môi,… Hệ quả của việc làm đẹp này là đôi khi chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt na ná nhau, cùng bắt chước theo một khuôn mẫu nào đó. Chúng ta có thể dễ dàng kể tên những ngôi sao có vẻ đẹp khá giống nhau với đôi mắt to, môi dày, cằm nhọn v-line như Kỳ Duyên, Bảo Thy, Angela Phương Trinh, Hồ Quỳnh Hương, Minh Hằng…

Rất nhiều người giữ “thể diện” vì liên quan đến hư vinh. Nhiều người quá coi trọng thể diện, cảm thấy lái xe hạng sang, dùng điện thoại đắt tiền, mặc quần áo hàng hiệu, thậm chí quen người phụ nữ đẹp, thì cho là rất có thể diện. Các bạn trẻ ngày nay đôi khi lại giữ thể diện cho mình bằng những hình ảnh sống ảo. Họ giữ mình trong mắt người khác là những khuôn mặt xinh đẹp “đã qua bộ lọc”. Họ cho người khác nhìn thấy, đọc được, nghe được những tin tức không thực về cuộc sống của họ. Tôi nhớ là bản thân đã từng xem một bức tranh biếm họa về một cô gái đến đêm rồi vẫn phải ngồi lọ mọ make-up vì chiếc điện thoại thông minh không thể nhận diện được khuôn mặt không trang điểm của cô ấy. Chúng ta đang cố gắng xây dựng hình tượng về bản thân mình qua những hình thức quan hệ, những kênh tầng, mạng xã hội ảo đó? Rằng tôi xinh đẹp? Rằng tôi giàu có? Rằng tôi sang chảnh? Rằng tôi cũng đã tới những nơi “hot hòn họt” trong mắt giới trẻ? Rằng tôi là người sành điệu? Tôi thành công?

Ảnh bởi Nijwam Swargiary trên Unsplash

Hình ảnh tôi bề trong
Nhưng đã bao giờ bạn từng đứng trước gương, nhìn ngắm chính mình một cách đơn sơ nhất, không bới tóc cầu kỳ, không trang điểm (make-up) hay chưa? Trước khuôn mặt chân thật nhất của mình trong gương, bạn cảm thấy như thế nào? Bạn thấy mình giản dị, mỗi một đường nét trên khuôn mặt là một sự kết hợp hài hòa và xinh đẹp của Đấng Tạo Hóa. Hay bạn thấy rằng mình xấu xí và khó nhìn? Cái mũi này cần phải cao lên, đôi mắt tại sao không to hơn? Đôi môi sao chẳng căng mọng? Cái cằm sao lại thô kệch đến như vậy? Bạn có ưa thích khuôn mặt mộc của chính mình không? Vậy “thể diện” của bạn có phải chỉ nằm ở một khuôn mặt chăm chỉ make-up cách chỉn chu không?

Câu trả lời của bạn là gì?

Vậy thì, e rằng những cái “thể diện”, những thứ chúng ta tỏ ra bề ngoài đó chẳng phải là sự phản ánh bản chất thật bên trong của chúng ta! Những điều chúng ta thể hiện ra cho cả thế giới ngoài kia nhìn thấy, e rằng nó cũng chỉ là một hình tượng không thực, nó không phải là con người bề trong của chúng ta. Chúng ta muốn người khác nhìn vào mình với một hình ảnh đẹp đẽ, toàn hảo. Nhưng thực chất? Con người chúng ta có ai là toàn hảo? Chẳng một ai! Ai ai ở trong mình cũng có những góc khuất, những gãy đổ, những mảnh vỡ không hoàn hảo.

Xây dựng và giữ gìn thể diện là tốt, điều đó chẳng có gì là sai. Nhưng khi bạn xây dựng hoặc theo đuổi để gìn giữ một “thể diện” không đúng với con người thật bên trong, thì nó chỉ khiến bạn thêm mệt mỏi kiểu “đuổi hình bắt bóng”. Bạn ra sức duy trì, ra sức gìn giữ một hình tượng ảo. Áp lực chồng áp lực. Bất an chồng bất an. Bạn muốn làm một điều gì đó để đưa mình thoát ra sức nặng đó, bất an đó, nhưng vì cái “thể diện” quá lớn kia mà bạn chấp nhận ở sâu trong bóng tối ấy. Ngoan cố “giữ thể diện” một cách vô ích không phải là điều mang lại bình an thật.

“Mất thể diện” có thể khiến bạn mất đi hình tượng ảo mà bạn đã dày công xây dựng trong nhiều năm tháng. Nhưng “mất thể diện” nó thật có ích vì nó giúp bạn loại bỏ đi những thứ hình thức bề ngoài, những chiếc mặt nạ nặng nề. Bạn sẽ được tự do sống chân thật với chính mình.

Như những hạt giống khi gieo xuống đất, nếu lớp bề ngoài không tiêu mất đi thì hạt sẽ cứ nằm đó, mầm không nẩy ra được. Nhưng nếu nó chết đi lớp vỏ bề ngoài thì mầm được vươn ra, phát triển thành cây, ra hoa đơm trái. Có những kiểu giữ thể diện, phải chăng nên để cho nó mất đi để cuộc sống bạn được tự do và không còn áp lực?


bởi Quỳnh Mai

“Cha nào con nấy”, bạn có muốn giống cha mình?

Một người khi sinh ra, đã có một người cha là bóng dáng đầu tiên, bên cạnh người mẹ, yêu thương, gần gũi, nuôi dưỡng, dạy dỗ và định hình. Dù chúng ta có nhận biết nó hay không thì người cha vẫn là một gương mẫu có ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc đời chúng ta, từ thể chất đến tâm hồn…

Ảnh bởi Sasin Tipchai  trên Pixabay

Chúng ta ai cũng đều có những đối tượng mà mình ngưỡng mộ và bắt chước. Với một số người có thể đó là những ca sĩ, diễn viên, cầu thủ, những doanh nhân thành đạt mà họ có cơ hội được nghe đến hoặc được tiếp xúc. Nhưng với một số người khác thì người cha lại chính là người để họ nhìn vào và noi gương bắt chước theo. Vì khi một người sinh ra, thì đã có người cha là bóng dáng đầu tiên, bên cạnh người mẹ, yêu thương, gần gũi, nuôi dưỡng, dạy dỗ và định hình. Dù chúng ta có nhận biết nó hay không thì người cha vẫn là một tấm gương có ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc đời chúng ta, từ thể chất đến tâm hồn, từ phong cách sống đến đạo đức, từ sở thích đến con đường sự nghiệp.

Đã có khi nào bạn xử sự theo một cách hay thói quen nào đó rồi giật mình nhận ra cách xử sự của mình giống y hệt người cha của mình hay chưa? Tôi tin là nếu bạn chú ý một chút, bạn sẽ thấy rất nhiều hành vi, lối ứng xử của bạn giống với người cha của mình rất nhiều.

PGS.TS Đỗ Xuân Thảo giảng viên tại trường Đại học sư phạm Hà Nội, là bố của dịch giả nhí đang sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam Đỗ Nhật Nam, là dịch giả nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản, được đánh giá là một thần đồng Việt Nam. Nhiều người nói Đỗ Nhật Nam là con nhà nòi, được thừa hưởng tố chất của bố và mẹ đều là giảng viên trường Đại học Sư phạm. Chắc chắn rằng Nam đã học được rất nhiều từ người cha của mình.

Ảnh từ Báo Mới

Bạn thì sao? Bạn có muốn trở nên một người giống như cha của mình trên một phương diện nào đó hay không?

Có nhiều điều để tạo nên cái tôi của một con người: nguồn gốc, quê hương, văn hóa, giáo dục, những trải nghiệm, niềm tin, lý tưởng… Người cha của bạn cũng đã ảnh hưởng từ những điều đó để tạo nên con người như cha của bạn hiện tại. Bạn có biết về những điều đã tạo nên con người của cha bạn hiện nay hay không? Cá nhân bạn có yêu mến, ngưỡng mộ và muốn có những tính cách giống như cha của mình không?

Cá nhân tôi trước đây đã từng rất ngưỡng mộ cha mình trong công việc của ông. Từ nhỏ tôi được thấy ông là một người vô cùng tài giỏi trong công việc, ông liêm chính, không tham tiền bạc và có những mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Từ nhỏ cha tôi đã đặt vào lòng tôi mong muốn của cha rằng sẽ có người con theo nghề của cha mình. Và cũng vì như vậy mà tôi đã quyết định lựa chọn một nghề khá tương đồng với nghề của cha mình.

Tuy nhiên, cũng có những điểm ở cha tôi mà tôi không muốn trở giống như ông, như tính cách gia trưởng, sự bảo thủ, và thái độ thiếu quan tâm tới gia đình của cha. Cha tôi đã gây tổn thương cho mẹ tôi trong nhiều chuyện khiến tôi cảm thấy buồn và thương cho mẹ. Tôi rất không thích và không đồng ý với cách cư xử của cha tôi. Thế nhưng, tôi nhận thấy le lói trong tôi vẫn có những cách cư xử tương tự như vậy dù tôi không cố ý. Tôi nhận biết đó là vì tôi là một bản sao của cha, tôi có những điều kế thừa từ ông trong máu huyết của mình, dù tôi muốn hay không muốn. Vì cha nào con nấy.

Tôi có người bạn sống trong một gia đình không hạnh phúc. Nó không yêu mến người cha thiếu quan tâm con cái của mình. Nó luôn nói với tôi rằng sẽ không bao giờ trở nên giống như cha mình. Thế nhưng, nó nhận thấy nó rất giống cha nó ở nhiều điểm, điều đó làm nó cảm thấy chán nản với bản thân mình. Dù không muốn, nhưng những điều mà đứa bạn tôi đã chứng kiến nơi người cha cũng đã ảnh hưởng vào trong tiềm thức của nó, nó không thể chối bỏ được.

Điều này là thực tế. Có những người rất ghét cha mình vì đã bỏ mẹ con để đi ngoại tình với người khác nhưng cuối cùng chính họ sau này cũng đi vào vết xe đổ đó. Có những người ghét sự hung bạo do thường bị cha đánh nhưng sau này chính họ lại đi vào lối mòn đánh đập con cái khi cáu giận. Cha nào con nấy – quả không sai chút nào. Việc chúng ta chối bỏ rằng mình có những điểm xấu giống cha mình chỉ làm chúng ta lún sâu hơn vào trong vấn đề đó. Nhưng nếu chúng ta dám dũng cảm đối diện với nó và tìm giải pháp để thay đổi chúng ta và chính con cái chúng ta sẽ có thể thoát ra khỏi nỗi dằn vặt truyền kiếp.

Suy cho cùng, người cha có rất nhiều ảnh hưởng trên cuộc đời của con cái họ. Người cha là gương mẫu đầu tiên trong cuộc đời chúng ta. Cá nhân bạn, nếu là con của một người cha mang trong mình cả những điểm tích cực và tiêu cực như vậy. Là con, bạn sẽ bắt chước hay làm những điều đối nghịch lại với cha mình?


bởi Quỳnh Mai

Phá thai, những hậu quả trên thể chất & tâm hồn

Phá thai là một can thiệp y khoa nghiêm trọng, nó kết thúc một cuộc đời và có thể gây tổn hại về thể chất, tinh thần và tinh thần cho mẹ của đứa trẻ bị phá thai và gia đình, bạn bè và nhân viên phòng khám có liên quan.

Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế khoa học, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo trong giới trẻ chưa lập gia đình, chiếm gần 30% tổng số ca phá thai. Đặc biệt trong số đó, có tới 53% phá thai muộn, không an toàn và phá thai trên 1 lần, cũng không thiếu những bạn nữ là học sinh, sinh viên đã hai lần chối bỏ đứa con của mình.

Quả thật, con số nạo phá thai của nước ta thật kinh khủng. Vấn đề này không chỉ nhức nhối thực trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên mà tình trạng phá thai chung ở nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo PGS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân.

Việc nạo phá thai để lại hậu quả không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về lương tâm… Mặc dù phụ nữ cho rằng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm ngay sau khi phá thai, nhưng thực tế là nhiều phụ nữ bị trầm cảm, lo lắng và mặc cảm, có ý định tự tử, gia tăng việc sử dụng ma túy, rượu trong những tháng và nhiều năm sau khi phá thai.

1. Hậu quả về sức khỏe

Theo bác sĩ Mai Lan bệnh viện Phụ sản TW cho biết, nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ. Chẳng hạn như: vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng, biến chứng sau một thời gian. Đây là hậu quả nặng nề nhất mà bạn gái trẻ phải gánh chịu vì sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản. Một bạn gái 18 tuổi đi phá thai, sau hơn một tuần bị nhiễm trùng, khi đưa vào BV Từ Dũ cấp cứu thì mủ đã đầy bụng, phải cắt bỏ tử cung. Có trường hợp tử vong vì nhiễm trùng vì đến cấp cứu quá trễ. Và rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ nữa. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mỗi năm trên thế giới có đến 70.000 người chết vì phá thai!

Phá thai cũng có thể gây vô sinh, một biến chứng lâu dài thường không bị phát hiện trong nhiều năm. Ngoài ra, những phụ nữ đã phá thai có nguy cơ mắc ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng và trực tràng cao hơn.

2. Hậu quả về tâm lý

Việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm. Theo Tiến sĩ Tâm lý Vũ Gia Hiền, trưởng khoa xã hội học Đại học Bình Dương, cho biết: Sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, ám ảnh của thai nhi, nhất là mỗi khi nhìn thấy các chị em mang bầu là họ nhớ đến việc bỏ đi giọt máu của mình. Còn theo bà Lý Thị Mai – Chuyên viên Tư vấn, trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình TPHCM – cho biết: sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, lo lắng, có trường hợp còn mất ăn mất ngủ một thời gian rất lâu, dẫn đến tâm lý không được ổn định. Bên cạnh đó, nạo phá thai không những làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình mà còn làm cho họ rất mặc cảm đến những vết thương mà mình đã gây ra.

Một phụ nữ đã trải qua việc phá thai có nguy cơ tự tử cao gấp sáu lần so với những phụ nữ đã sinh con. Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2011 từ Đại học Tâm thần học Hoàng gia Anh, những phụ nữ phá thai có khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần tiếp theo cao hơn 81% so với người khác.

3. Hậu quả về lương tâm, luân lý

Người ta nói ngày nay dường như lương tâm con người không có “răng”, họ không còn sợ một điều gì, ngay cả bỏ đi giọt máu của mình! Nhưng không đơn giản như thế, rất nhiều người đã đau đớn, hối hận sau khi nạo phá thai và mặc cảm tội lỗi đeo đuổi các bạn suốt quãng đời còn lại. Một chị em chia sẻ: “Em đã phá thai được hơn sáu năm, nhưng em không thể nào quên được, nó cứ ám ảnh làm em rất sợ, có hôm em còn mơ thấy em bé khóc gọi mẹ”. Chị ấy nói “Bây giờ thì em không bao giờ phá nữa dù em có chết!”

Báo tuổi trẻ số ra ngày 11 tháng 10 năm 2009 tác giả Phương Lan có bài “Đi cầu siêu cho thai nhi”. Bài báo viết: ngay từ sáng có hàng ngàn phụ nữ đến Chùa Từ Quang, Củ Chi TPHCM để cầu siêu. Hầu hết, họ là các phụ nữ trẻ đã nạo phá thai từ một đến hai ba lần, mong cho con mình ở dưới suối vàng tha thứ cho cha mẹ”.

Một sự sống đã được hình thành từ khi trứng thụ tinh, không phải chỉ của cha, không phải chỉ của mẹ. Sự sống ấy sẽ không bao giờ trở thành người được nếu đã không là người ngay từ khi bắt đầu. Do đó, việc bỏ đi một bào thai cũng là bỏ đi một mạng người! Nhiều phụ nữ đã phá thai phải chịu đựng về mặt tinh thần, sợ cả sự phán xét của bạn bè, gia đình, và sợ Trời phạt. Đôi khi họ cho rằng việc họ làm là không thể được tha thứ và thường đau khổ trong im lặng.

Hậu quả của việc phá thai để lại cho một con người là vô cùng nặng nề và đau đớn. Hãy nghiêm túc suy nghĩ và lựa chọn đúng đắn khi đối diện với vấn đề này!


bởi Quỳnh Mai