Là người Việt, chúng ta khá quen thuộc với các truyền thống, cách thức mà mỗi người mỗi nhà cầu xin cho năm mới. Tuy vậy, hãy dành ít phút suy ngẫm đến việc cầu xin này có thực sự quan trọng hay không?
- Mục đích cuộc sống (Phần 1)
- Người Việt Nam có ý niệm về Ông Trời? (P.2)
- Người Việt có ý niệm về Ông Trời ? (P.1)
Tết đến, Xuân về, ngay trong khí trời cũng chứa đựng những nôn nao của thời điểm giao mùa, là thời điểm khởi đầu cho một năm mới. Lòng chúng ta háo hức cho những thời khắc của năm mới cùng với những hy vọng cho một năm tốt đẹp cho cá nhân và người thân.
Ký ức của tôi về những ngày Tết là những công việc tất bật chuẩn bị, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, và mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên rất to để chuẩn bị cho giờ khắc giao thừa. Theo như lời giải thích của mẹ thì đây là việc mà dịp Tết hàng năm mỗi gia đình cũng cần phải làm để cầu xin Trời, Phật, tổ tiên phù hộ cho một năm mới có sức khỏe, ăn nên làm ra, công thành danh toại… Qua đêm giao thừa, việc đi lễ chùa vào những ngày đầu năm cũng là một truyền thống lâu đời của người Việt.
Người Việt đến chùa không đơn giản chỉ là để dâng các ước nguyện, mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ đi những lo toan vất vả của cuộc sống. Người người cầu mong cho sức khỏe, bình an, mong cầu Thần Phật phù hộ cho con cái, cho công việc làm ăn, mua may bán đắt, thăng quan tiến chức… Nhiều người than thở rằng, nền văn minh vật chất phát triển quá nhanh trong khi nền văn minh tinh thần lại không thể theo kịp. Có người đến chùa là để tìm lối thoát cho những khúc mắc trong cuộc sống của bản thân trong hôn nhân, tình trạng sức khỏe, khủng hoảng tài chính, bế tắc trong các mối quan hệ…
Thế nhưng, việc đi lễ chùa xin lộc đầu năm đã có nhiều biến tướng, đến mức độ phản văn hóa. Người ta quan niệm rằng: phải đến những ngôi chùa nổi tiếng mới có thể “giải bày lòng mình” với thần thánh. Chính vì vậy, chẳng mấy ai cảm thấy “yên tâm” dù đã ghé qua ngôi chùa cổ kính tĩnh lặng của làng bản mình sinh sống. Họ phải đi bằng được đến một danh thắng nào đó mới thỏa lòng… thành kính Thánh, Phật. Họ “hối lộ” các vị thần bằng tiền giấy giả, bằng mâm cao cỗ đầy và mong thần phù hộ họ trong mọi việc. Một số khác thì tới chùa cầu xin mà không biết là mình đang cầu xin ai. Họ cũng không biết vị thần mà họ đang cầu xin có thể ban cho họ một điều gì đó hay không.
Vậy những câu hỏi ở đây là:
– Việc cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới có thực sự quan trọng hay không?
– Với nhiều “vị thần” như vậy theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì vị thần nào mới thực sự là vị thần có thể ban cho chúng ta những điều mà chúng ta cầu xin?
Năm mới đến, chúng ta thường ngồi xuống, tổng kết lại một năm cũ và lên kế hoạch cho một năm mới. Và khi lập kế hoạch, ắt hẳn ai cũng sẽ mong muốn những kế hoạch mà bản thân đề ra sẽ được thực hiện một cách suôn sẻ. Đứng trước thềm năm mới, ai ai cũng hy vọng rằng những điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến với mình. Vì vậy, ai cũng đem những mong ước của mình đến với một vị thần để cầu xin vị thần đó giúp đỡ cho kế hoạch của mình.
Mối quan hệ giữa con người và thần thánh ngày nay đã bị “biến tấu” thành mối quan hệ có điều kiện. Khái niệm cầu xin và ban cho có vẻ không còn tồn tại mà thay vào đó là sự “mua bán phước hạnh“. Rất nhiều người cho rằng dâng cho thần của càng nhiều thì thần sẽ phù hộ. Lối quan niệm này đã trở nên hành vi vô thức, đến nỗi người Việt không còn cảm thấy sự vô lý trong những việc mà bản thân đang thực hiện.
Hãy ngẫm nghĩ một chút: Nếu một vị thần với lòng thương xót, từ bi, sẵn sàng ban cho, thì “vị” đó có cần đến con người “hối lộ” một cái gì đó hay không? Nếu muốn ban cho, “vị” ấy phải CÓ để ban, vị ấy phải là nguồn cung ứng thì mới có thể ban cho con người.
Lời Kinh Thánh cho ghi rằng:
Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con-cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao? (sách Ma-thi-ơ chương 7 câu 7 đến 11)
Đối với những người đã làm cha, làm mẹ thì đều hiểu rất rõ rằng nếu con cái của mình mong muốn và xin một điều gì đó thì cha mẹ sẽ luôn cố gắng đáp ứng những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Thế nhưng mỗi chúng ta đều có những giới hạn của bản thân mình, không thể đáp ứng được mọi nhu cầu của con cái. Rất nhiều ước mơ và mong muốn của con cái nằm ngoài tầm kiểm soát của những người làm cha, làm mẹ như chúng ta. Có lẽ vì vậy mà con người ta thường đem những điều mà mình không thể tự thực hiện được để đến xin các “vị thần” có thể ban cho.
Đến đây, tôi muốn nói với bạn về một mối quan hệ thiêng liêng, sâu sắc hơn. Đó là mối quan hệ giữa chúng ta – là con, với Cha trên trời. Cha trên trời của chúng ta biết rõ mỗi nhu cầu của chúng ta, Ngài ban cho chúng ta những điều còn vượt quá cả sự cầu xin và suy nghĩ của chúng ta nữa. Ngài là Chúa Trời, là Đấng Cung ứng. Ngài là nguồn của mọi phước hạnh, nguồn của tình yêu thương, nguồn của sự thịnh vượng, nguồn bình an. Bởi Ngài mà mọi vật hiện hữu và trong Ngài chúng ta sẽ có mọi sự.
Kinh Thánh ghi rằng: Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời Ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. (sách Giăng chương 15 câu 7).
Kết lại, chúng ta đã có câu trả lời cho mình. Một năm mới sắp tới, chúng ta cần tìm đến ai để cầu xin cho những nhu cầu của chúng ta? Hãy luôn nhớ rằng Cha của chúng ta ở trên trời biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta và Ngài sẽ ban cho chúng ta vượt trội hơn cả điều chúng ta cầu xin và nghĩ đến.
Hãy tin cậy Cha!
bởi Quỳnh Mai
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?