Bạn đang sống hay chỉ đang tồn tại?

Sự tồn tại cần phải có sự sống bên trong để điều khiển cái lớp vỏ được tồn tại bên ngoài. Cái sống động bên trong mới thật sự là cái tinh tuý, cái chất liệu của sự sống. 

Hamlet là nhân vật nổi tiếng của đại văn hào William Shakespeare. Không phải người ta đánh giá qua sự nổi tiếng của tác giả, mà họ nhận được cảm xúc từ câu chuyện xung quanh chàng hoàng tử Hamlet cùng với bối cảnh hoàng tộc, nơi chàng được sinh ra và cũng chính nơi đó đã làm cho anh có một mối thù gia tộc. Kẻ thù không ai khác chính là chú ruột của anh, Vua Claudius, người đã mưu phản, giết chết nhà vua, đoạt ngai vàng và người mẹ yêu dấu của anh.

Trải suốt nhiều đêm trăn trở với ý muốn trả thù và có lần anh đã tìm được cơ hội tiếp cận kẻ đoạt ngai vàng, nhưng anh đã không muốn ra tay, chỉ vì tên vua độc ác đang cầu nguyện và anh sợ rằng trả thù trong khi kẻ thù cầu nguyện thì linh hồn sẽ được lên thiên đàng, như vậy sẽ không xứng đáng với tội mưu sát cha mình. Ngược lại, vua Claudius nỗ lực tìm cách giết chàng để trừ hậu hoạ. Cuối cùng, ông ta đã thắng, khi tổ chức cuộc đấu kiếm giữa anh và Laertes. Nhà vua cho người tẩm thuốc độc vào lưỡi gươm và anh đã bị mũi kiếm tai hại đó kết liễu đời mình.

Trong bối cảnh xã hội luôn thay đổi, cái thiện và cái ác pha trộn vào nhau khiến chúng ta khó lòng phân biệt thật, giả. Chính vì vậy mà việc quyết định chọn cho mình lối sống thật sự là sống không đơn giản chút nào. Chúng ta đang tồn tại hay đang thật sự sống? Sự tồn tại hay là sự hiện hữu chỉ chứng minh một điều rằng tôi ở đây cùng với mọi người, chẳng khác nào sự tồn tại của một vật thể trống rỗng bên trong, và hoàn toàn vô dụng.

Sự tồn tại cần phải có sự sống bên trong để điều khiển cái lớp vỏ bên ngoài, và cái sống động bên trong mới thật sự là cái tinh tuý của sự sống. Hamlet đã từng sống hay chỉ tồn tại? Khi anh ta đã để vuột mất cơ hội hành động để dành lấy sự sống an toàn. Sự an toàn đó đã không đến với anh vì anh đã không nhìn thấy cơ hội lớn đó. Từ đó, cuộc đời Hamlet đã lâm vào hoàn cảnh tồn tại, và thân xác anh trở thành lớp vỏ bọc của sự hiện hữu, còn tâm trí anh đã mất đi sự tinh tế của một Hoàng Tử, vốn có thể trở thành vị vua cai trị đất nước mình.

Một câu chuyện kể rằng, có một người lính La mã cảm thấy cuộc sống quá khốn khổ, anh ta mất hết tinh thần, nhuệ khí, những ngày tháng trôi qua đối với anh chỉ là chuỗi ngày đau khổ. Anh lính đến xin phép vua cho anh được tự sát để kết liễu đời mình. Nhà vua nhìn anh và hỏi: Này, đã có lúc nào nhà ngươi thực sự sống chưa mà xin chết?” Có người đã định nghĩa: “Chết là không còn sống, không còn tồn tại trên đời”.

Nhưng sống không có nghĩa là chưa chết. Nó đòi hỏi một tiêu chuẩn cao hơn. Sống cần phải làm điều gì có ý nghĩa thật sự.

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát ba thành phần: các vận động viên, những người trong nhà dưỡng lão, và các bệnh nhân trong cơn hấp hối. Thành phần thứ nhất thật sự sống trong thân thể khoẻ mạnh, thành phần thứ hai là sống đủ để sống và cuối cùng là những người chỉ “sống thoi thóp” chờ đợi giây phút qua đời. Có những người đang thực sự sống trong lý tưởng vững vàng, biết cống hiến khả năng của mình cho người, cho đời, những người khác thì ráng sống cho qua ngày và chỉ sống với chính mình, không quan tâm đến người khác. Cũng có những người chưa thật sự sống, những ngày tháng trôi qua trên mặt đất này cũng chỉ là những chuỗi ngày buồn nản và chán chường, như câu hỏi của vị vua trong câu chuyện: “Đã có lúc nào nhà ngươi thực sự sống chưa?”

Có thể chúng ta đã chịu đựng quá nhiều sự nghiệt ngã của một xã hội lừa dối, nhân phẩm con người bị coi khinh, xem mạng người rẻ hơn thau cám lợn và cuộc sống đó trở nên quen thuộc. Khi không còn ý chí đấu tranh cho sự sinh tồn, thì con người trong xã hội nghiệt ngã đó cũng chỉ là sự tồn tại, tồn tại trong sự thoi thóp của một đời người, trong im lặng và tiếp nhận những gì trước đây mình không chấp nhận.

Năng lực của sự sống không chỉ dựa vào cái thân xác hiện hữu, nhưng còn từ chất liệu đem lại sự sống. Sự sống đó tiềm ẩn bên trong, là động lực của sự sống. Cho dù phải đối diện với hoàn cảnh nào, dù nghèo, giàu, hay đối diện với nghịch cảnh khủng khiếp hơn, so với hoàn cảnh của chàng Hamlet, thì năng lực đó vẫn tồn tại trong một thân xác hay chết để tạo nên một thân xác có sự thay đổi, sống động, tinh tế và hướng thượng.

Câu hỏi Sống hay tồn tại? giúp cho chúng ta phải suy nghĩ, rồi quyết định hành động một cách khôn ngoan cho một cuộc đời có ý nghĩa. Chúng ta tồn tại, vì chúng ta sống. Không phải chúng ta sống vì chúng ta tồn tại.

Bạn thực sự nhận thấy mình đang sống hay đang tồn tại?

Trích từ Nguồn Tình Yêu

Phá thai, những hậu quả trên thể chất & tâm hồn

Phá thai là một can thiệp y khoa nghiêm trọng, nó kết thúc một cuộc đời và có thể gây tổn hại về thể chất, tinh thần và tinh thần cho mẹ của đứa trẻ bị phá thai và gia đình, bạn bè và nhân viên phòng khám có liên quan.

Ngày nay, cùng với sự phát triển về kinh tế khoa học, tình trạng nạo phá thai cũng đang tăng theo trong giới trẻ chưa lập gia đình, chiếm gần 30% tổng số ca phá thai. Đặc biệt trong số đó, có tới 53% phá thai muộn, không an toàn và phá thai trên 1 lần, cũng không thiếu những bạn nữ là học sinh, sinh viên đã hai lần chối bỏ đứa con của mình.

Quả thật, con số nạo phá thai của nước ta thật kinh khủng. Vấn đề này không chỉ nhức nhối thực trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên mà tình trạng phá thai chung ở nữ giới nước ta cũng rất cao. Theo PGS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi ngày có 20 ca nạo phá thai, trong đó 30-40% người phá thai là các bạn học sinh, sinh viên và công nhân.

Việc nạo phá thai để lại hậu quả không những cho sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả về lương tâm… Mặc dù phụ nữ cho rằng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm ngay sau khi phá thai, nhưng thực tế là nhiều phụ nữ bị trầm cảm, lo lắng và mặc cảm, có ý định tự tử, gia tăng việc sử dụng ma túy, rượu trong những tháng và nhiều năm sau khi phá thai.

1. Hậu quả về sức khỏe

Theo bác sĩ Mai Lan bệnh viện Phụ sản TW cho biết, nạo phá thai rất dễ dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm cho các chị em phụ nữ, nhất là giới trẻ. Chẳng hạn như: vô sinh do tắc dính vòi tử cung, tắc vòi trứng, biến chứng sau một thời gian. Đây là hậu quả nặng nề nhất mà bạn gái trẻ phải gánh chịu vì sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản. Một bạn gái 18 tuổi đi phá thai, sau hơn một tuần bị nhiễm trùng, khi đưa vào BV Từ Dũ cấp cứu thì mủ đã đầy bụng, phải cắt bỏ tử cung. Có trường hợp tử vong vì nhiễm trùng vì đến cấp cứu quá trễ. Và rất nhiều bạn trẻ, sau khi nạo phá thai đã vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ nữa. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mỗi năm trên thế giới có đến 70.000 người chết vì phá thai!

Phá thai cũng có thể gây vô sinh, một biến chứng lâu dài thường không bị phát hiện trong nhiều năm. Ngoài ra, những phụ nữ đã phá thai có nguy cơ mắc ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng và trực tràng cao hơn.

2. Hậu quả về tâm lý

Việc nạo phá thai làm cho tâm trí của người mẹ không những bị bị ám ảnh mà còn sợ hãi, trầm cảm. Theo Tiến sĩ Tâm lý Vũ Gia Hiền, trưởng khoa xã hội học Đại học Bình Dương, cho biết: Sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, ám ảnh của thai nhi, nhất là mỗi khi nhìn thấy các chị em mang bầu là họ nhớ đến việc bỏ đi giọt máu của mình. Còn theo bà Lý Thị Mai – Chuyên viên Tư vấn, trung tâm tư vấn hôn nhân và gia đình TPHCM – cho biết: sau khi nạo phá thai, các bạn trẻ thường rất hoang mang, lo lắng, có trường hợp còn mất ăn mất ngủ một thời gian rất lâu, dẫn đến tâm lý không được ổn định. Bên cạnh đó, nạo phá thai không những làm tổn thương rất lớn cho người phụ nữ sau khi lập gia đình mà còn làm cho họ rất mặc cảm đến những vết thương mà mình đã gây ra.

Một phụ nữ đã trải qua việc phá thai có nguy cơ tự tử cao gấp sáu lần so với những phụ nữ đã sinh con. Ngoài ra, theo một nghiên cứu năm 2011 từ Đại học Tâm thần học Hoàng gia Anh, những phụ nữ phá thai có khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần tiếp theo cao hơn 81% so với người khác.

3. Hậu quả về lương tâm, luân lý

Người ta nói ngày nay dường như lương tâm con người không có “răng”, họ không còn sợ một điều gì, ngay cả bỏ đi giọt máu của mình! Nhưng không đơn giản như thế, rất nhiều người đã đau đớn, hối hận sau khi nạo phá thai và mặc cảm tội lỗi đeo đuổi các bạn suốt quãng đời còn lại. Một chị em chia sẻ: “Em đã phá thai được hơn sáu năm, nhưng em không thể nào quên được, nó cứ ám ảnh làm em rất sợ, có hôm em còn mơ thấy em bé khóc gọi mẹ”. Chị ấy nói “Bây giờ thì em không bao giờ phá nữa dù em có chết!”

Báo tuổi trẻ số ra ngày 11 tháng 10 năm 2009 tác giả Phương Lan có bài “Đi cầu siêu cho thai nhi”. Bài báo viết: ngay từ sáng có hàng ngàn phụ nữ đến Chùa Từ Quang, Củ Chi TPHCM để cầu siêu. Hầu hết, họ là các phụ nữ trẻ đã nạo phá thai từ một đến hai ba lần, mong cho con mình ở dưới suối vàng tha thứ cho cha mẹ”.

Một sự sống đã được hình thành từ khi trứng thụ tinh, không phải chỉ của cha, không phải chỉ của mẹ. Sự sống ấy sẽ không bao giờ trở thành người được nếu đã không là người ngay từ khi bắt đầu. Do đó, việc bỏ đi một bào thai cũng là bỏ đi một mạng người! Nhiều phụ nữ đã phá thai phải chịu đựng về mặt tinh thần, sợ cả sự phán xét của bạn bè, gia đình, và sợ Trời phạt. Đôi khi họ cho rằng việc họ làm là không thể được tha thứ và thường đau khổ trong im lặng.

Hậu quả của việc phá thai để lại cho một con người là vô cùng nặng nề và đau đớn. Hãy nghiêm túc suy nghĩ và lựa chọn đúng đắn khi đối diện với vấn đề này!


bởi Quỳnh Mai

Cô bé bị cưỡng hiếp từ chối phá thai

Sau khi bị tấn công và cưỡng hiếp dã man, cô gái trẻ phát hiện mình có thai. Khi các bác sĩ đề nghị cô phá thai, người mẹ trẻ dũng cảm này đã từ chối, và sự lựa chọn đó chính là một lời chứng tuyệt vời!
Ảnh bởi Life Action News

Lianna – một bé gái 12 tuổi nằm bên vệ đường – yếu ớt bám víu sự sống. Hai tên đàn ông đã cưỡng hiếp cô bé đáng thương và bỏ mặc cô cho đến chết. Khuôn mặt và cổ cô bị cắt sâu trong vụ hãm hiếp, những vết sẹo ấy sẽ tồn tại suốt đời. Cô nghĩ chắc chắn cuộc đời mình đã kết thúc – rằng mình sẽ không bao giờ được cảm nhận hạnh phúc, bình yên hay bất kỳ mối quan hệ bình thường nào nữa.

Sau đó, Lianna biết mình đã mang thai do bị cưỡng hiếp. Bác sĩ thấy rằng đây chỉ là một vết sẹo từ vụ việc. Ông đề nghị cô biện pháp dễ dàng khắc phục vết thương này – một thủ tục đơn giản – phá thai.

Người mẹ dũng cảm từ chối phá thai

Bác sĩ khuyến khích Lianna phá thai, rằng đó là điều đúng đắn vì nó sẽ giúp cô không bị ám ảnh liên tục về vụ cưỡng hiếp.

Là một đứa trẻ 12 tuổi bị tổn thương, đã trải qua điều tồi tệ nhất cuộc đời, Lianna hiểu cuộc sống này quý giá như thế nào. Cô biết rằng kết thúc cuộc đời của đứa bé trong bụng sẽ không giúp chữa lành vết sẹo hoặc xóa đi những chuyện kinh hoàng mà cô từng chịu đựng.

Vì vậy, cô bé đã hỏi bác sĩ một câu quan trọng: Phá thai có làm dịu cơn đau và giúp cô quên đi chuyện mình bị hãm hiếp không?

Bác sĩ trả lời, “không.”

Lianna quyết định giữ đứa bé. Cô chân thành từ chối phá thai bất chấp lời đề nghị của bác sĩ.

“Nếu phá thai không giúp chữa lành bất cứ điều gì, thì tôi không hiểu tại sao phải làm vậy”, cô nói. “Tôi chỉ biết rằng tôi có một mạng sống đang tồn tại trong tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ về cha ruột của đứa bé. Nó là con tôi. Nó đang nằm trong bụng tôi. Chỉ cần biết rằng đứa bé cần tôi, và tôi cần đứa bé… điều này khiến tôi muốn lao động, muốn có một công việc [để nuôi nấng đứa bé].”

Quyết định cứu sống cả hai

Sau vụ hãm hiếp dữ dội khiến Lianna hấp hối, cô đã chiến đấu với chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Ký ức ngày ấy tồi tệ đến nỗi tâm trí cô không thể không nghĩ đến tự tử hết lần này đến lần khác. Nhưng cô không thể làm thế vì biết rằng cô không chỉ tự giết bản thân mình mà đồng thời còn lấy đi mạng sống của bé gái đang lớn lên trong bụng mình. Chúa biết cô gái trẻ này cần gì để được cứu.

“Trong trường hợp của tôi, hai mạng sống đã được cứu. Tôi cứu mạng con gái mình, và con bé cũng đã cứu mạng tôi.”

Việc muốn giữ thai nhi giống như Lianna không phải là hiếm trong vòng những nạn nhân bị hãm hiếp.

Kết quả nghiên cứu 

Trong nghiên cứu về các nạn nhân mang thai do bị cưỡng hiếp, Tiến sĩ Sandra Mahkorn phát hiện ra rằng 75-85% trong số họ quyết định không phá thai, vì tin rằng phá thai chỉ là hành động bạo lực đối với cơ thể chính họ và con cái họ, rằng cuộc đời đứa bé có ý nghĩa và mục đích riêng mà hiện tại chúng ta chưa hiểu được.

Nghiên cứu cho thấy những cô gái quyết định phá thai sau khi bị hãm hiếp có xu hướng cảm thấy tội lỗi, trầm cảm, tự ti và oán giận đàn ông. Phá thai không những không giúp giảm bớt mà còn làm tăng thêm gánh nặng tâm lý của họ.

94% phụ nữ quyết định giữ đứa bé nói rằng phá thai không phải là giải pháp hay cho vấn đề mang thai do bị hiếp dâm, trong khi 93% phụ nữ chọn phá thai nói rằng phá thai “không phải là giải pháp tốt cho vấn đề của họ” – và họ sẽ không khuyến khích những người gặp tình huống giống họ làm điều tương tự. Thực tế, nhiều phụ nữ quyết định giữ thai nhi sau khi bị hãm hiếp nói rằng đứa bé là điều tốt đẹp duy nhất giúp họ thoát khỏi trải nghiệm kinh hoàng ấy.

Phước hạnh đặc biệt

Lianna đồng ý với điều này. Con gái cô đã mang đến ý nghĩa mới cho cuộc đời cô. Cô sớm nhận ra: từng nụ cười quý giá từ cô con gái bé bỏng đã thay thế nỗi đau trong cô bằng một điều mạnh mẽ hơn nhiều – tình yêu thương. Và con gái cô dường như cũng nhận ra điều đó.

Ảnh từ  Live Action News

Khi con gái Lianna mới chỉ 4 tuổi, cô bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, cảm ơn mẹ vì đã cho con cuộc sống.” Món quà bé bỏng từ Chúa đã mang đến cho Lianna mọi sự chữa lành cô cần.

“Khi con bé nói điều đó… Tôi nhận ra rằng chính con bé đã cho tôi cuộc sống của tôi.”

Con gái Lianna hiện đã 23 tuổi, và tình mẹ con giữa hai người thật tuyệt vời. Một tình yêu thương hoàn toàn đáng giá cho tất cả những nỗi đau và chịu đựng của Lianna.

“Mặc dù [bị hãm hiếp] là chuyện rất khó khăn, nhưng nếu tôi phải trải qua chuyện đó [một lần nữa] để được gặp và yêu thương con gái mình, tôi sẵn sàng trải qua một lần nữa.”

Con gái cô không phải là hệ quả tích cực duy nhất đến từ thử thách này. Hiện nay Lianna đang đi khắp thế giới trong vai trò diễn giả bảo vệ sự sống. Cô cũng sáng lập tổ chức của mình – Loving Life – với nhiệm vụ phát huy giá trị cuộc sống, cũng như giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực và lạm dụng.

Nguồn: godupdates.com

Hồng Nhạn dịch


Trong đen tối bi kịch 11/9, lòng tốt đã mang đến hy vọng

Khi bi kịch ập đến, mọi người và mọi thứ xung quanh dường như đều trở nên tồi tệ. Nhất là khi bi kịch ấy do chính con người gây ra, như sự kiện kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhưng điều đặc biệt là: khi mọi thứ đều tối tăm thì ánh sáng càng được thấy rõ và càng chiếu soi rực rỡ. Với nhiều chuyến bay buộc phải chuyển hướng giữa chừng do sự kiện kinh hoàng đó, người dân Gander – New Foundland chính là ánh sáng rực rỡ cho mọi người.

Sau đây là lời tường thuật của một tiếp viên trên chuyến bay Delta 15, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Vào sáng thứ ba, ngày 11 tháng 9, chúng tôi cách Frankfurt khoảng 5 giờ đồng hồ, đang bay qua Bắc Đại Tây Dương.

Đột nhiên, tôi được yêu cầu đến buồng lái ngay lập tức để gặp cơ trưởng. Ngay khi tới đó, tôi nhận thấy cả phi hành đoàn đều căng thẳng. Cơ trưởng đưa cho tôi một tin nhắn từ trụ sở chính Delta ở Atlanta: tất cả các đường bay đi qua lục địa Hoa Kỳ đều đóng cửa. Hạ cánh càng sớm càng tốt tại sân bay gần nhất. 

Không ai nói một lời về ý nghĩa của chuyện này. Chúng tôi biết đây là tình huống nghiêm trọng và cần nhanh chóng tìm ra nơi hạ cánh. Cơ trưởng xác định sân bay gần nhất nằm ở 400 dặm đằng sau chúng tôi, ở Gander, New Foundland.

Ông yêu cầu bộ điều khiển giao thông Canada phê duyệt thay đổi tuyến đường và đã được phê duyệt ngay lập tức mà không có bất kỳ câu hỏi nào. Sau đó, chúng tôi phát hiện lý do họ không hề do dự phê duyệt yêu cầu này.

Trong khi phi hành đoàn chuẩn bị hạ cánh, một tin nhắn khác đến từ Atlanta cho biết về những hoạt động khủng bố ở khu vực New York. Vài phút sau, chúng tôi có tin về vụ không tặc.

Chúng tôi quyết định NÓI DỐI hành khách khi vẫn còn ở trên không. Chúng tôi nói rằng máy bay có vấn đề phụ tùng đơn giản nên cần hạ cánh tại sân bay gần nhất ở Gander, New Foundland để kiểm tra.

Chúng tôi hứa sẽ cung cấp thêm thông tin sau khi hạ cánh ở Gander. Có rất nhiều hành khách cằn nhằn, nhưng chẳng có gì mới lạ! Bốn mươi phút sau, chúng tôi đáp xuống Gander. Giờ địa phương tại Gander là 12:30 PM, 11:00 AM ở Hoa Kỳ.

Đã có khoảng 20 máy bay khác từ ​​khắp nơi trên thế giới đã phải vòng lại với cùng một hành trình giống chúng tôi.

Sau khi chúng tôi hạ cánh, cơ trưởng thông báo: “Thưa quý bà và quý ông, chắc các bạn đang tự hỏi liệu tất cả những chiếc máy bay xung quanh chúng ta đều có vấn đề về phụ tùng như chúng ta. Sự thật là chúng ta ở đây vì một lý do khác.”

Sau đó, ông tiếp tục giải thích một chút về tình hình ở Hoa Kỳ. Có những tiếng thở hổn hển và ánh mắt hoài nghi. Cơ trưởng thông báo cho hành khách rằng Trạm kiểm soát mặt đất ở Gander khuyên chúng tôi ở lại.

Chính phủ Canada chịu trách nhiệm về tình hình của chúng tôi và không ai được phép xuống máy bay. Không ai trên mặt đất được phép đến gần bất kỳ máy bay nào. Chỉ có cảnh sát sân bay sẽ tuần tra định kỳ xung quanh, quan sát máy bay của chúng tôi và đi đến chiếc kế tiếp.

Trong một giờ sau, thêm nhiều máy bay đã hạ cánh và Gander cuối cùng có 53 máy bay từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 27 máy bay thương mại của Mỹ.

Trong khi đó, những mẩu tin bắt đầu xuất hiện trên đài phát thanh: máy bay đã đâm thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và vào Lầu Năm Góc ở DC.

Mọi người cố gắng sử dụng điện thoại di động, nhưng không thể kết nối vì hệ thống di động ở Canada khác Mỹ. Một số người gọi được, nhưng máy chỉ chuyển đến tổng đài viên ở Canada, họ nói rằng các đường dây đến Hoa Kỳ đều đã bị chặn hoặc bị kẹt.

Vào buổi tối, tin tức cho biết rằng tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới đã sụp đổ và vụ không tặc thứ tư đã diễn ra. Đến giờ, cả tinh thần và thể chất của hành khách đã hoàn toàn kiệt quệ, chưa kể nỗi sợ hãi bao trùm, mọi người đều bình tĩnh đến kinh ngạc.

Chỉ cần nhìn ra cửa sổ để thấy 52 chiếc máy bay khác bị mắc kẹt, chúng tôi biết rằng mình không phải là người duy nhất lâm vào tình trạng khó khăn này.

Trước đó chúng tôi đã được thông báo rằng mọi người sẽ được phép rời khỏi máy bay cùng một lúc. Lúc 6 giờ tối, sân bay Gander cho biết lượt xuống máy bay của chúng tôi là 11 giờ sáng hôm sau.

Hành khách không hài lòng, nhưng họ chỉ cam chịu tin tức này mà không càm ràm và bắt đầu chuẩn bị qua đêm trên máy bay.

Gander hứa với chúng tôi sẽ chăm sóc y tế (nếu cần), cung cấp nước và dịch vụ vệ sinh.

Và họ đã làm trọn lời hứa.

May mắn thay, chúng tôi không có tình huống y tế nào đáng lo ngại. Có một phụ nữ trẻ mang thai 33 tuần. Họ chăm sóc cô ấy thật sự rất tốt. Đêm trôi qua không có sự cố nào, mặc dù đương nhiên giấc ngủ của hành khách không hề thoải mái.

Khoảng 10:30 sáng ngày 12, một đoàn xe buýt trường học xuất hiện. Chúng tôi xuống máy bay và được đưa đến nhà ga, tại đó chúng tôi đi qua trạm kiểm soát Nhập cảnh và Hải quan, sau đó phải đăng ký với Hội Chữ thập đỏ.

Sau đó, phi hành đoàn tách khỏi hành khách và được đưa lên xe đi đến một khách sạn nhỏ. Chúng tôi không biết hành khách sẽ đi đâu. Thị trấn Gander có dân số 10,400 người, và họ có đến khoảng 10,500 hành khách phải chăm sóc từ tất cả máy bay đáp xuống Gander!

Họ yêu cầu chúng tôi yên tâm thư giãn tại khách sạn và sẽ liên lạc khi các sân bay Mỹ mở cửa trở lại, nhưng sẽ không nhanh chóng.

Khi đến khách sạn và bật TV, chúng tôi biết rằng bọn khủng bố đã dừng lại, 24 giờ sau khi mọi thứ bắt đầu.

Chúng tôi có nhiều thời gian để phát hiện rằng người dân Gander cực kỳ thân thiện. Họ gọi chúng tôi là “người máy bay”. Chúng tôi tận hưởng lòng hiếu khách của họ, khám phá thị trấn Gander và đã có khoảng thời gian khá vui vẻ.

Hai ngày sau, chúng tôi nhận được cuộc gọi và được đưa trở lại sân bay Gander. Chúng tôi được đoàn tụ với hành khách và tìm hiểu những gì họ đã làm trong hai ngày qua.

Điều đó thật không thể tin được.

Gander và tất cả những nơi lân cận (trong bán kính khoảng 75km) đã đóng cửa mọi trường trung học, phòng họp, nhà nghỉ và mọi địa điểm hội tụ văn hoá lớn. Họ chuyển đổi tất cả các cơ sở này thành khu vực lưu trú cho tất cả những du khách đang bị mắc kẹt.

Một số nơi được chuẩn bị giường, nơi khác có chiếu, túi ngủ và gối.

Họ yêu cầu TẤT CẢ các học sinh trung học tình nguyện dành thời gian chăm sóc các vị khách.

218 hành khách của chúng tôi đã dừng chân tại thị trấn Lewisporte, cách Gander khoảng 45km, tại đó họ được đưa vào một trường trung học. Nếu có phụ nữ nào muốn ở trong cơ sở dành riêng cho phụ nữ, họ cũng được sắp xếp như ý muốn.

Gia đình được ở cùng nhau. Tất cả hành khách cao tuổi được đưa đến nhà dân.

Còn bà bầu trẻ? Cô được đưa vào một nhà dân ngay bên kia đường sau khi được kiểm tra tại cơ sở Chăm sóc khẩn cấp 24 giờ. Có một nha sĩ và cả y tá nam nữ vẫn túc trục cùng mọi người trong suốt thời gian đó.

Mỗi người được gọi điện thoại và email đến Hoa Kỳ cũng như toàn thế giới mỗi ngày một lần. Vào ban ngày, hành khách được đi “thăm quan”.

Một số người đã đi du thuyền trên hồ và bến cảng. Một số khác thì lang thang trong các khu rừng.

Các tiệm bánh địa phương vẫn luôn mở để làm bánh mì tươi cho khách.

Thức ăn được mọi cư dân chuẩn bị và mang đến các trường học. Mọi người được đưa đến nhà hàng tùy chọn và thưởng thức những bữa ăn tuyệt vời. Mọi người còn được hỗ trợ giặt quần áo, vì hành lý vẫn còn trên máy bay.

Nói cách khác, mọi nhu cầu của hành khách bị mắc kẹt đều được đáp ứng.

Hành khách đã khóc khi kể cho chúng tôi những chuyện này. Cuối cùng, khi có thông báo rằng các sân bay Hoa Kỳ đã mở cửa trở lại, họ đã được đưa đến sân bay đúng giờ và không một hành khách nào mất tích hoặc trễ giờ. Hội Chữ thập đỏ địa phương nắm tất cả các thông tin về nơi ở của mỗi hành khách, biết họ phải đi máy bay nào và vào lúc mấy giờ. Mọi thứ phối hợp thật nhịp nhàng.

Thật không thể tin được, thật tuyệt vời.

Khi lên máy bay, mọi người đều biết tên nhau. Họ nói chuyện về thời gian ở lại thị trấn này, rằng họ đã được đối xử tử tế như thế nào. Chuyến bay trở về Atlanta của chúng tôi trông giống như một bữa tiệc bay. Cả phi hành đoàn đều ngạc nhiên về hành khách của mình. Điều đó thật lạ thường.

Hành khách vô cùng thân thiết, họ gọi nhau bằng tên, trao đổi số điện thoại, địa chỉ và email với nhau.

Và rồi một điều rất bất thường đã xảy ra.

Một hành khách đã hỏi tôi liệu anh ấy có thể thông báo qua hệ thống PA không. Chúng tôi chưa bao giờ cho phép điều đó. Nhưng lần này thì khác. Tôi nói “tất nhiên” và đưa mic cho anh ta. Anh nhắc nhở mọi người về những gì họ vừa trải qua trong những ngày qua.

Anh nhắc nhở về lòng hiếu khách của những người hoàn toàn xa lạ dành cho họ.

Anh muốn làm gì đó để đáp lại những người dân tốt bụng tại Lewisporte.

Anh cho biết anh sẽ thành lập Quỹ Ủy Thác DELTA 15 (số hiệu chuyến bay của chúng tôi). Mục đích của quỹ này là trao học bổng đại học cho các học sinh trung học của Lewisporte.

Anh kêu gọi mọi người cùng quyên góp. Khi tờ giấy hứa quyên góp đầy kín với số tiền, tên, số điện thoại và địa chỉ, tổng số tiền lên đến hơn 14.000 đô-la!

“Một quý ông – MD từ Virginia – hứa sẽ thu thập các khoản quyên góp và thực hiện công việc hành chính với học bổng. Ông cũng sẽ chuyển tiếp đề xuất này đến Delta Corporate và kêu gọi họ quyên góp”.

Khi tôi viết bài viết này, quỹ tín thác đã lên đến hơn 1,5 triệu đô-la, đã hỗ trợ 134 sinh viên học đại học.

“Tôi chia sẻ câu chuyện này vì chúng ta cần những câu chuyện tuyệt vời ngay bây giờ. Tôi được tiếp thêm một chút hy vọng vì biết rằng đâu đó vẫn tồn tại những con người vô cùng tử tế với những khách lạ vô tình “rơi” vào vùng đất của họ.

Câu chuyện nhắc nhở tôi rằng trên thế giới này còn biết bao điều tốt đẹp.

Mặc cho mọi điều mục nát đang diễn ra trong thế giới ngày nay, câu chuyện này khẳng định rằng thế giới vẫn còn rất nhiều người tốt, và khi mọi thứ trở nên tồi tệ, lòng tốt sẽ vượt lên và mang đến hy vọng.

Nguồn: www.luminstory.org

Hồng Nhạn dịch

Bạn không thể đánh giá trầm cảm qua vẻ ngoài

“Họ có vẻ như rất hạnh phúc. Họ có tất cả mọi thứ”.
“Họ chẳng có gì để phàn nàn cả.”
Có lẽ bạn đã nói về ai đó như vậy, hoặc cũng có thể là về chính bạn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra chứng “trầm cảm cười” – thuật ngữ chuyên ngành hơn là “trầm cảm không điển hình” – mô tả một người dường như “có tất cả”, họ trông hạnh phúc, nhưng ẩn sau vẻ ngoài vui vẻ, họ đang phải vật lộn với trầm cảm.

Một bài báo mô tả: “Rất khó để phát hiện người mắc chứng “trầm cảm cười”. Có vẻ như họ không có lý do để buồn – họ có công việc, nhà cửa, con cái và bạn đời. Họ mỉm cười khi bạn chào họ, trò chuyện rôm rả với bạn. Tóm lại, họ đeo mặt nạ ra thế giới bên ngoài, giả vờ sống cuộc sống bình thường và năng động.”

Loại trầm cảm này rất khó xác định, đặc biệt là với ảnh hưởng của mạng xã hội – chỉ chia sẻ những thứ nổi bật trong cuộc sống hoặc chỉ đăng những gì chúng ta muốn mọi người nghĩ về mình. Hơn nữa, thật khó để tìm kiếm sự giúp đỡ khi chúng ta mắc phải chứng “trầm cảm không điển hình” này, bởi vì có lẽ “những người khác sẽ không hiểu”, hoặc “tôi không thể cho người ta biết mình đang phải đấu tranh, vì mọi người đều biết tôi là người hạnh phúc và hoà đồng”.

Vậy chúng ta phải làm gì để vượt qua cuộc chiến bên trong chính mình và hỗ trợ những người đang phải đối phó với chứng “trầm cảm cười”?

Xây dựng mối tương giao hai chiều. Để làm điều này, chúng ta phải cố gắng dành thời gian đầu tư chất lượng cho những mối quan hệ tin cậy, đồng cảm, trong sáng, không phán xét và minh bạch. Đủ tin cậy và đồng cảm cho bạn nói ra những cảm xúc rối rắm chính bạn cũng không có ngôn ngữ để thể hiện. Những mối tương giao như vậy cảm thấy bớt cô đơn, và thêm sức cho chúng ta vượt qua cuộc sự trầm cảm mà người khác không nhìn thấy trong chúng ta. Chúng ta cần những người cùng đồng hành, nắm tay chúng ta, giữ cho chúng ta không ngã khụy.

Trung thực là tốt nhất. Tôi thường nghe rằng “Bạn bè tôi có thể tin rằng tôi sẽ có mặt vì họ, nhưng tôi không thể trông mong họ sẽ ở đó vì tôi”. Một mối quan hệ phải tương tác hai chiều. Hãy cho phép bản thân mong đợi từ người khác những điều họ có thể mong đợi từ bạn. Với suy nghĩ này, hãy thành thật với những người bạn có thể kết nối với họ. Có thể là thành viên gia đình, một người bạn thân, đồng nghiệp hoặc một người bạn thích nói chuyện nhưng lại không quá thân thân thiết. Chia sẻ cảm xúc của bạn với họ sẽ giúp tình bạn mới mẻ, đẹp đẽ nảy nở. Bất kể bạn chia sẻ cảm xúc với ai, hãy trung thực. Hãy đặt xuống chiếc mặt nạ mà bạn thường đeo, và hãy là chính mình – với mọi điều tốt lành, mọi cuộc đấu tranh.

Tương tự như vậy, hãy là người sẵn sàng giúp đỡ người khác. Hãy là người mà bạn bè có thể trung thực tâm tình. Hãy hỏi thăm họ. Xóa bỏ mọi rào cản tạo nên bởi vẻ bề ngoài. Tất cả chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi có thể là chính mình với người khác.

Hành động tử tế, làm việc lành – Sự tử tế và hạnh phúc sẽ mang đến “hiệu ứng lan tỏa”. Ví dụ, giữ cửa cho ai đó bước vào, mỉm cười với người lạ, nói lời cảm ơn, trả tiền cà phê cho người đứng chờ sau bạn. Những hành động dường như nhỏ bé này sẽ tạo ra tác động lớn vô cùng. Chúng không chỉ động chạm cuộc sống của người khác theo cách tốt đẹp, mà còn khiến bản thân chúng ta cảm thấy tuyệt vời, tích cực, hy vọng. Những hành động nhỏ này sẽ mang lại ánh sáng cho thế giới. Chúng khiến người khác cảm thấy được quan tâm, khiến chúng ta vượt lên chính mình, ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống người khác và làm những điều tốt đẹp. Lần sau, hãy chú ý khi bạn làm điều này cho ai đó. Họ phản ứng thế nào? Họ có ngạc nhiên không? Họ có cười nhiều hơn một chút không? Mắt họ có sáng lên không? Bạn phản ứng ra sao khi bạn làm một điều tốt đẹp, hoặc khi ai đó làm điều này cho bạn? Khoảnh khắc vui vẻ, hy vọng, tích cực ấy có thể ảnh hưởng đến chúng ta và người khác theo những cách vĩ đại hơn mà chúng ta đã không chú ý trước đó.

Nguồn: patheos.com

Hồng Nhạn dịch

Phía sau sự chết là gì?

Chắc hẳn rằng ai cũng đã từng ít nhất một lần nghĩ về sự chết. Không những thế, có rất nhiều người luôn mang trong mình một cảm giác chông chênh, lo sợ về cái chết. Vậy sự chết có đáng sợ không? Chết có phải là hết?
Ảnh từ wallpapersexpert.com

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta chứng kiến rất nhiều người lặng lẽ rời xa cuộc đời. Có người chết vì tai nạn, vì thiên tai, vì chiến tranh, vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì thù oán, vì tình yêu, vì áp lực, vì quyền, vì tiền… Không ai có thể từ chối cái chết, và cái chết cũng không khước từ một ai, giới tính nào, lứa tuổi nào, màu da nào. Sự chết có thể xảy ra và hiện diện bất kì nơi đâu, bất kì thời gian nào. Chúng ta đều chắc chắn rằng bản thân rồi cũng phải trải qua sự chết tuy không biết chính xác ngày giờ. Sự chết là kết thúc cuộc đời của con người ở thế gian, là đưa mọi người về cùng một mẫu số không.

Ðiều gì xảy ra sau khi tôi chết?

Khi đối mặt với cái chết, hay khi nói về cái chết, trong tâm trí chúng ta sẽ có rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ và đặt ra nhiều câu hỏi. Đó sẽ là cảm giác sợ hãi, sự luyến tiếc và cả đau buồn. Cũng dễ hiểu thôi vì mấy ai mà không sợ chết, bởi chết là đau đớn, chết là chúng ta lìa xa cuộc sống, xa cách những người thân yêu, bỏ lại một sự nghiệp dang dở với biết bao ước mơ, hoài bão. Chúng ta sợ chết vì sợ bị mọi người lãng quên. Chết là không còn được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người, vắng đi sự hiện diện của ta liệu còn ai nhớ đến ta không? Con người là một sinh thể sống có thể xác và linh hồn. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi khi chết đi thì thể xác sẽ trở về cát bụi, còn linh hồn sẽ đi về đâu? Có còn điều gì phía sau sự chết? Chết có thật sự là hết? Câu trả lời chắc chắn là chết chưa phải là hết, chết là mở ra một sự sống mới. Chúng ta đều được nghe nói đến thiên đàng và địa ngục là hai nơi con người sẽ đến sau rời trần thế. Thiên đàng có thật và địa ngục cũng có thật. Thiên đàng là tốt lành, địa ngục là đau đớn. Ai cũng mong được ở thiên đàng, sợ hãi địa ngục. Nhưng chúng ta có thật sự chắc chắn nơi mình sẽ đến là đâu không?

Ý nghĩa của đời sống này là gì?

Trong cuộc sống này, ai cũng mải mê chạy theo nhiều ham muốn, tham vọng để thỏa mãn bản thân, mà quên đi quan tâm mọi người xung quanh. Và chỉ đến khi không còn sự hiện hữu của một ai đó trên cuộc đời này, trong cuộc sống của ta, hoặc chính ta phải ra đi, cận kề cái chết, ta mới nhận ra giá trị của ai đó, giá trị của tình cảm là gì. Có những điều chỉ khi sắp chết, con người ta mới biết mình nên sống như thế nào. Cả cuộc đời ta mỏi mệt chạy theo tiền tài, danh vọng thế nhưng khi ta đứng trước cái chết chúng cũng chẳng mang cho ta niềm vui hay sự giải cứu nào. Hóa ra hạnh phúc không nằm ở vật chất, địa vị. Hạnh phúc thực sự nằm ở trái tim của tình yêu thương, sự quan tâm, sự tử tế giữa người với người. Với những ai đã từng đứng giữa ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, hay trải qua sự mất mát một người thân yêu thì chắc hẳn sẽ hiểu rõ cuộc đời này là vô thường, cái chết có thể đến với ta bất cứ khi nào, hoàn cảnh nào. Chúng ta luôn chắc chắn một điều rằng ai rồi cũng sẽ chết. Vậy tại sao chúng ta phải lo sợ về cái chết mà không nghĩ đến việc phải sống như thế nào cho ý nghĩa, sống như thế nào để khi chết đi chúng ta không có gì luyến tiếc, sống như thế nào để cái chết không còn là điều đáng sợ. Và điều quan trọng hơn là cho mình câu trả lời chắc chắn nơi sẽ ta đến sau khi rời thế gian này. Hãy nhớ rằng những gì chúng ta làm, lựa chọn khi còn sống sẽ quyết định đến tương lai chúng ta sau cái chết.

Cái chết được định cho mọi người và việc nó xảy ra khi nào chỉ là vấn đề thời gian. Đối với tất cả những cái hẹn khác trong cuộc đời ta có thể từ chối, nhưng đối với cái chết, không ai có thể tránh né hay lỗi hẹn! Con người ta cần phải biết học cách đối mặt với cái chết, và sống có ý nghĩa hơn. Nếu như còn một ngày để sống – bạn sẽ làm gì?

bởi Phan Uyên

Bản chất thật của nạn phá thai

Anthony Esolen, một nhà bình luận xã hội, đã viết một bài báo táo bạo về bản chất thật sự của nạn phá thai: sự tự trị. Nghĩa là không thể chịu nổi việc bản thân bị ràng buộc bởi một điều gì đó. Có một đứa con khép chúng ta vào “nghĩa vụ” làm cha mẹ – điều này bó buộc chúng ta khỏi tự do tình dục, tự do kinh tế và tự do cá nhân.
Ảnh bởi Aborsi

Bài báo bắt đầu bằng những logic, khoa học, bằng chứng, kinh nghiệm – tất cả đều hỗ trợ cho việc phản đối phá thai. Thực tế, tất cả những lý lẽ bênh vực việc phá thai đều bị bác bỏ. Nhưng đối với những người đã muốn phá thai thì lẽ thật không là vấn đề. Ngày nay, những người ủng hộ phá thai cho rằng “quyền” phá thai của người mẹ và bác sĩ là không giới hạn, ngay cả khi thai nhi có thể sống bên ngoài tử cung, chỉ đơn giản là một phần được tách ra từ cơ thể người mẹ. Các chính trị gia ủng hộ phá thai thậm chí không thể bỏ phiếu cho một dự luật phản đối phá thai thậm chí khi có những em bé “bị” sinh ra vì việc phá thai thực hiện quá cẩu thả.

Tại sao?… Lời giải thích là…

Hãy nghĩ về đứa bé đáng thương đang chảy máu, nửa chết nửa sống sau khi bị người ta cố tình tước đi mạng sống. Đứa bé đang thở khó nhọc trên chiếc bàn gần đó. Nó không phải là mối đe dọa lớn nhất cho cuộc sống hay sức khỏe của mẹ nó. Nhưng bản thân sự tồn tại của nó chính là mối đe dọa. Việc nó có mặt trên đời này là mối đe dọa cho mẹ nó và tất cả những ai xem trọng quyền tự trị của bản thân trên hết mọi thứ.

Chừng nào đứa trẻ đó còn tồn tại hay từng tồn tại, thì dù người mẹ có tự mình nuôi con, hoặc cho người khác làm con nuôi, hay thậm chí đứa bé được chăm sóc y tế và sống được vài tuần trước khi chết, nó vẫn là một minh chứng cho việc chúng ta tồn tại như thế nào, hoàn toàn phụ thuộc vào Đấng Tạo Hóa. Và theo nghĩa con người, nó là ví dụ về lý do tại sao chúng ta tồn tại: vì lợi ích của người khác, vì tình yêu và bởi tình yêu – với bản chất không toan tính. Nó không phải kiểu tình yêu không cân nhắc hậu quả. Nhưng là tình yêu chân thành chúng ta dành trao cho người mình yêu vì lợi ích thực sự của họ, chứ không phải vì ham muốn?…

Mỗi khi người nam người nữ đến với nhau để thực hiện hành động tạo giống nòi (giao hợp), thì vấn đề đã rõ ràng rành rành là họ có thể tạo ra một đứa bé”. Nói rằng “bạn không thể giết đứa trẻ do chính bạn tạo ra” chính là để ám chỉ “bạn không được gieo giống, nếu bạn không hề có ý định nuôi nấng một đứa trẻ”. Qua đó để nhấn mạnh rằng chúng ta không phải là chủ của cơ thể mình.

Vì thế, toàn bộ “nền văn hóa” tự do tình dục sẽ bị loại bỏ. Chủ nghĩa nữ quyền sẽ bị loại bỏ. Việc đàn ông dùng phụ nữ để giải tỏa nhu cầu tình dục mà không phải trong gia đình sẽ bị loại bỏ. Cái thế giới đầy ác mộng của việc cắt xén dược phẩm và phẫu thuật, cố gắng ép cơ thể biến dạng theo những ảo tưởng sẽ bị loại bỏ. Những nền văn hóa, quốc gia, những khu vực cho phép luông tuồng tình dục, đồng tính luyến ái dưới mọi hình thức, như Tây Âu, làng Hollywood, đều sẽ bị loại bỏ. Đàn ông vì phụ nữ, phụ nữ vì đàn ông, và cả hai cùng vì đứa bé.

Tiếp đến, bài báo đề nghị hành động bảo vệ cuộc sống (phản đối phá thai). Chúng ta thực sự cần một cuộc cách mạng đạo đức. Nếu đứa trẻ được sống, cuộc sống của người mẹ sẽ thay đổi, vì nếu đã chấp nhận để cho đứa trẻ sống, cuộc sống của tất cả chúng ta đều sẽ khác đi. Không cách nào để đảm bảo một thế giới an toàn cho đứa trẻ chưa sinh ra cũng đồng thời là một thế giới hoàn toàn tự do về tình dục và tự do kinh tế. Trong bất kỳ thế giới nào mà sự tự trị là lý tưởng cao nhất, nơi mà đứa trẻ – bị hóa thân thành dấu hiệu của sự phụ thuộc và đói khổ – sẽ bị buộc phải ra đi.

Tôi ngờ rằng những người ủng hộ việc phá thai sẽ đồng ý rằng: tự do cá nhân; tự do không giới hạn; phá thai là chuyện thiết yếu của cuộc cách mạng tình dục, để quan hệ tình dục mà không sinh sản, từ đó mọi thứ tồi tệ xuất phát, từ nữ quyền cho đến đồng tính luyến ái.

Esolen cho thấy phá thai chỉ là một khía cạnh của cả một mạng lưới những vấn nạn đạo đức, tinh thần và thế giới quan. Làm sao để đưa những yếu tố này vào các chiến lược “bảo vệ cuộc sống”?

Những người đồng ý cho phá thai, bạn có thấy vì sao phá thai có vấn đề?

Bạn có chối bỏ những lập luận trên, cũng như mọi lập luận khác, mà thậm chí không cần xem xét?

Nguồn: patheos.com

Hồng Nhạn dịch

Muốn được sống trong yêu thương hãy học cách yêu thương

Từ khi cất tiếng khóc chào đời, trong tim ta đã được gieo những hạt mầm của tình yêu thương, được dạy bài học yêu người lân cận. Thế nhưng làm sao để “cho” và “nhận” những yêu thương một cách trọn vẹn lại là bài học lớn mà con người ta phải ôn lại mỗi ngày.

Hơn 11 năm nay có một người đàn ông đã cho đi yêu thương mỗi ngày bằng cách cưu mang gần trăm đứa trẻ cơ nhỡ về nuôi dưỡng. Người đàn ông ấy là Nguyễn Văn Lâm (47 tuổi), tuy độc thân nhưng ông lại là “cha” của gần một trăm đứa trẻ ông “nhặt” gần từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường, bất kỳ lúc nào, bất kể ở đâu chỉ cần có trẻ bị bỏ rơi thì ông chạy đến cưu mang. Đồng hành cùng anh Lâm từ đứa con đầu tiên là Nguyễn Văn Phúc, em trai anh. Hai người đàn ông độc thân đi chăm trẻ mới lọt lòng, chẳng phải điều dễ dàng gì. Những đêm khuya, anh vẫn dò trên mạng cách bế bồng, đút trẻ ăn, đọc sách kỹ năng nuôi dạy trẻ. Người thường làm việc 8 tiếng mỗi ngày, riêng anh làm 20 tiếng mỗi ngày để có tiền cho các con. Một ngày của ông Lâm bắt đầu từ 2 giờ rưỡi sáng, tất bật chuẩn bị cơm cháo cho các con, rồi đưa đón chúng đi học sau đó anh mới yên tâm đi làm. Đêm về anh còn đi làm thêm đến 10 giờ mới về. Bận bịu, vất vả là thế nhưng anh Lâm đã quên đi bản thân mình mà cố gắng vì hạnh phúc của các con. Khi nhìn các con yên vui, khỏe mạnh là lòng anh đủ hạnh phúc. Nhờ có anh Lâm mà những đứa trẻ kém may mắn được có một mái nhà, được viết lại cuộc đời tươi sáng. Anh Lâm cho đi yêu thương và điều anh nhận lại là tình yêu thương gấp trăm ngàn lần từ những đứa con.

Qua câu chuyện cổ tích giữa đời thường của anh Lâm chúng ta nhận ra yêu thương là điều rất dễ nói ra nhưng để làm được thì không phải dễ dàng. Vì vậy hãy học cách để yêu thương.

Quên đi chính mình
Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Không phải ai cũng có thể quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của bản thân. “Cho” là không mong được “nhận” lại, không mong người khác sẽ trả ơn thì lòng sẽ thanh thản hơn. Hãy sống hết mình với người khác, hãy cho đi yêu thương. Vì gieo ra một hạt yêu thương thì sẽ nhận lại được một vườn hoa hạnh phúc trong tâm hồn.

Yêu thương là hành động
Yêu thương là cảm xúc của trái tim, nhưng yêu thương mang lại kết quả là khi yêu thương có hành động. Nếu anh Lâm yêu những đứa trẻ nhưng không hành động thì những đứa trẻ ấy cũng không thể có được một mái ấm. Hãy tập cho bản thân cách quan tâm người khác bằng những lời hỏi thăm, bằng những việc làm thiết thực. Thấy một người khát hãy cho họ uống, thấy một người đói hãy cho họ ăn, thấy một ai đó đang gục ngã thì hãy cho họ mượn bờ vai.

Sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn
Cuộc sống bây giờ quá vội vã vì thế con người dường như đã bỏ quên rất nhiều điều ý nghĩa giản đơn trong cuộc sống. Hãy đi chậm lại để cảm nhận được vẻ đẹp của giọt sương mai buổi sớm, của mây trời. Hãy ngừng bước để lắng nghe tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Yêu cuộc sống, yêu những sự vật xung quanh, yêu người thân bè bạn cũng chính là yêu thương bản thân mình, cũng chính là cho mình một cơ hội để khám phá nét đẹp của cuộc sống, cho mình một cơ hội để biết thế nào là hạnh phúc. Có yêu cuộc đời thì ta mới có thể yêu người.

Đừng theo đuổi vật chất
Ngày nay, cuộc sống của nhiều người chỉ nghĩ tiền bạc, quyền lực, danh vọng mới có thể đem lại hạnh phúc cho mình và người xung quanh. Như vậy quả thực là sai lầm. Bởi những thứ đó chỉ có thể đem lại hạnh phúc về vật chất, chứ không giúp gì cho tinh thần. Tiền tài, vật chất rồi cũng sẽ hóa hư vô nhưng chỉ có lòng người là còn lại mãi. Tiền có thể đổi lấy tiền nhưng tiền không thể đổi lấy yêu thương.

Học cách tha thứ
Tha thứ, bỏ qua lỗi lầm của người khác không có nghĩa là cho phép người khác quyền làm tổn thương bạn, mà có nghĩa là chọn cách phản ứng lại tốt bụng hơn, nhẹ nhàng hơn. Nếu ai đó làm tổn thương bạn hay làm bạn thất vọng, hãy chọn tha thứ bằng cách bỏ qua giận dữ và oán hận. Mọi việc sẽ tồi tệ hơn nếu như những oán giận còn tồn tại. Chọn cách cư xử yêu thương sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Một phút sống yêu thương nghĩa là bạn đã có sáu mươi giây hạnh phúc. Vậy tại sao không yêu thương nhiều hơn mỗi ngày? Chẳng cần tới những điều lớn lao, hãy tự tặng cho mình một trái tim nhân ái bằng cách cho đi nhiều hơn nhận lại. Cứ thế, những ngọt ngào sẽ luôn còn mãi.

“Hoa trái của tĩnh lặng là cầu nguyện
Hoa trái của nguyện cầu là niềm tin
Hoa trái của niềm tin là hạnh phúc
Hoa trái của hạnh phúc là yêu thương.”

bởi Phan Uyên

Hy vọng cho những tâm hồn cô đơn

Sự cô đơn – tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm nó. Và trớ trêu thay, chúng ta cảm thấy không một ai có thể hiểu và cảm thông cho mình khi nỗi cô đơn dày đặc bao trùm.

Tôi cược rằng chỉ cần đọc từ “cô đơn” thôi cũng có thể khiến những ký ức khi bạn cảm thấy cô đơn ùa về. Có lẽ bạn đang cô đơn ngay lúc này. Dù sao đi nữa, cô đơn là vấn đề mà nhiều người phải đối mặt và ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội của chúng ta.

Cô đơn, hay cô độc, là cảm giác hoặc trạng thái của tâm trí, không chỉ đơn thuần là “một mình” theo nghĩa đen.

Cô đơn không nhất thiết phải xảy ra khi bạn ở một mình. Cô đơn vẫn có thể len lỏi vào tâm trạng của bạn ngay khi bạn đang ở giữa chốn đông người. Xung quanh đông vui nhưng bạn vẫn cảm thấy đơn độc và bị cô lập.

Cảm giác này không chỉ xảy ra ở một nhóm người nào đó. Trẻ em, thanh niên, người có gia đình và người già đều trải nghiệm sự cô đơn.

Khi nhớ về năm nhất đại học, tôi có cảm giác cô đơn dữ dội. Tôi phải ở trong một môi trường hoàn toàn mới với những người tôi không hề quen biết, trong những lớp học với yêu cầu khắt khe hơn trước đây. Tôi không biết ai sẽ cùng tôi xử lý tất cả những thay đổi này.

Có những ngày, tôi đi bộ từ nhà học này này sang nhà học khác trong khuôn viên trường, xung quanh toàn là người với người, nhưng tôi không nói lời nào với ai. Suy nghĩ chạy hỗn loạn trong đầu tôi. Ai quen biết tôi? Làm sao tôi có thể kết bạn mới? Tôi sẽ ngồi cùng ai trong lớp? Đến khi nào tôi mới có thể hòa nhập và thuộc về nơi này?

Rất may, khoảng thời gian khó khăn này cuối cùng cũng kết thúc, khi tôi tìm thấy một cộng đồng những người đã giúp tôi định hình bản thân trở thành con người tôi ngày hôm nay. Họ cho tôi biết sự thật và yêu thương tôi, tôi cảm thấy bản thân được thấu hiểu và có giá trị hơn bao giờ hết.

Chúng ta được tạo ra để tìm thấy và thuộc về, để trải nghiệm sự trọn lành, để phát triển đầy hy vọng trong một cộng đồng có những ảnh hưởng trên cuộc sống. Lòng chúng ta khát khao những điều này vì đó là sợi dây liên kết chúng ta lại với nhau. Nếu không được trải nghiệm những nhu cầu cơ bản của con người, sự cô đơn sẽ dễ dàng len lỏi vào cuộc sống chúng ta.

Phải làm gì để chuyển từ cô đơn sang lối sống năng động mà tất cả chúng ta đều khao khát?

Hãy hiểu rằng bạn không đơn đơn. Dù có vẻ như không ai để ý hoặc hiểu được bạn, nhưng cảm xúc của bạn không phải là thước đo sự thật.

Ảnh bởi 刘哈哈 trên Pikbest

Đơn giản, bạn cần tin rằng luôn có những người muốn kết bạn với mình, và bạn có mục đích sống trong cuộc đời này; niềm tin ấy sẽ thay đổi quan điểm của bạn. Bạn được tạo ra để hoàn thành một mục đích lớn lao hơn. Đó là sự thật!

Hãy nhớ rằng nỗi cô đơn không kéo dài vĩnh viễn! Khi thời điểm qua đi, nỗi cô đơn cũng tan biến. Bạn luôn có quyền hy vọng, tin tưởng vào một cuộc sống có mục đích, có kết nối.

Nguồn: cru.org

Hồng Nhạn dịch