Mùa Xuân bất tận

Theo vòng tuần hoàn của thời gian, mùa Đông đi qua, mùa Xuân lại về. Không lạnh giá như mùa Đông, không nắng chói chang như mùa Hè, không man mác buồn như mùa Thu, mùa Xuân mang không khí ấm áp, dịu hiền và tươi vui. Nơi nơi đều đón Xuân, vui Xuân và tận hưởng những vẻ đẹp tươi mới, trong lành của thiên nhiên mà Tạo Hóa ban tặng cho loài người. Nhưng mùa Xuân của đất trời rồi cũng sẽ nhanh chóng trôi qua, vậy chúng ta sẽ tìm nơi đâu để có được một mùa Xuân bất tận?

Nguồn ảnh: unsplash

Mùa Xuân của đất trời
Xuân đến, Xuân đi Xuân lại về“. Mùa Xuân đến như một liều thuốc cho vạn vật trở nên tươi tốt, đứng hẳn lên phô bày toàn diện vẻ đẹp huy hoàng và sức sống sung mãn của mình. Những cây cối trơ cành đầy sương giá của mùa Đông đã được thay một màu áo mới xanh tươi. Đàn chim đi trú rét phương xa cũng ríu rít trở về chao nghiêng trên bầu trời. Hoa mai, hoa đào và muôn loài hoa khác cũng đua nhau khoe sắc dưới nắng xuân. Bàn tay của Tạo Hóa đã khéo léo điểm tô cho mùa Xuân những sắc màu rực rỡ, ấm áp nhất. Nếu như một ngày nào đó mùa Xuân không đến thì có lẽ vạn vật sẽ u buồn biết mấy. Mùa Xuân không tự đến cũng không tự mất đi nhưng nó được sắp đặt và được tể trị bởi quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Thiên nhiên vũ trụ chính là quyển sách nói với chúng ta về Đấng Tạo Hóa và chính Ngài là tác giả của quyển sách ấy.

Mùa Xuân của tâm hồn
Cũng giống như những cây cỏ, chim muông mùa Xuân cũng mang đến cho con người biết bao niềm vui, hạnh phúc. Thời điểm kỳ diệu của mùa Xuân khiến tâm hồn người ta bừng lên sự sống mới. Người ta vẫn thường hay ví mùa Xuân với tuổi trẻ của đời người. Dù cho đang ở độ tuổi nào đi nữa, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ước ao luôn có được những những tuổi xuân vui tươi trong cuộc đời. Mùa Xuân thiên nhiên chỉ đến một lần trong năm, tuổi xuân của con người cũng chỉ có hạn. Nhưng ở đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về mùa Xuân trong tâm hồn chính là thời gian vui tươi hạnh phúc và tràn đầy sức sống mà mọi người được hưởng. Ai cũng mong muốn có được tuổi xuân trong sức khỏe, trong tâm hồn, trong tình cảm cũng như tuổi xuân trong việc làm. Tuy nhiên trong thực tế thì mùa Xuân đến rồi cũng sẽ đi trong cuộc đời.

Vậy thì làm thế nào để có mùa Xuân mãi mãi? Và quan trọng hơn là làm thế nào để có được mùa Xuân đó?

Tuy mùa Xuân của thiên nhiên đã về với mọi nơi, với mọi người nhưng cũng vẫn còn những nơi u buồn, lạnh lẽo vì không có Chúa Xuân.

Ba yếu tố quan trọng của mùa Xuân là sự sống, thay đổitươi mới. Vào mùa Đông thì cây trụi lá, có những cây trông giống như những cành khô nhưng khi Xuân về cây sẽ đâm chồi, nứt lộc. Bởi lẽ sự sống đã tiềm tàng trong những cành khô ấy. Thay đổi từ bên trong, thể hiện ra bên ngoài và đem lại kết quả tươi đẹp. Đời sống con người cũng vậy, chúng ta cần có sự sống, để rồi có thay đổi và sẽ luôn luôn tươi mới.

Nguồn ảnh: pixabay

Sự sống thì ai trong chúng ta cũng có. Nhưng sống ở đây là sự sống thật, sự sống viên mãn, sống với đầy ý nghĩa như mùa Xuân. Để có mùa Xuân trong tâm hồn, điều đầu tiên chúng ta cần có là sự sống, sự sống đến từ Thiên Chúa vì Ngài chính là Nguồn sống. Thiên Chúa không chỉ tạo dựng nên mùa Xuân của đất trời mà còn mang đến mùa Xuân cho cuộc đời con người. Thiên nhiên cần mùa Xuân, con người cũng cần mùa Xuân nhưng không thể tự tạo ra mùa Xuân. Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể mang đến cho nhân loại mùa Xuân, biến đổi những tâm hồn băng giá trở nên mùa Xuân ấm áp. Ngài đến để trút đi gánh nặng của những linh hồn khổ đau trong tội lỗi. Ngài đến để đem sự sống mới dư dật, đem bình an cho những ai đón nhận Ngài. Chính Thiên Chúa là mùa Xuân, là Chúa Xuân của vạn vật, và nhân loại. Sự hiện diện của Thiên Chúa như mùa Xuân bừng dậy trong lòng những kẻ tin nhận Ngài. Nỗi thống khổ nặng nề trong tội lỗi được vứt bỏ, bình an và hy vọng trong tình yêu Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa tuôn trào trong những ai tìm cầu và tôn thờ Ngài. Đón Thiên Chúa vào lòng cuộc đời sẽ tự nhiên được thay đổi như cây cỏ đến mùa Xuân thì được thay đổi. Sự thay đổi này mang tính cách liên tục, cho nên đời sống sẽ luôn luôn tươi mới, lúc nào cũng là mùa Xuân. Mùa Xuân bắt đầu với đức tin nơi Thiên Chúa và chỉ kết thúc trong cõi vĩnh hằng. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết “Xuân chưa tới nghĩa là Xuân đang qua” nhưng có một điều khác, mùa Xuân trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, là mùa Xuân bất tận còn mãi trong tâm hồn. Nếu trong lòng có mùa Xuân thì mỗi ngày mới đến đều là một ngày Xuân.

Tuy mùa Xuân của thiên nhiên đã về với mọi nơi, với mọi người nhưng cũng vẫn còn những nơi u buồn, lạnh lẽo vì không có Chúa Xuân. Trong những ngày Xuân chúng ta vui tươi, hạnh phúc nhưng khi Xuân qua đi tâm hồn lại trở nên u hoài. Một cuộc đời cũ kĩ cần được làm tươi mới lại như cành cây ra đâm chồi nảy lộc vào mùa Xuân.

Vì vậy hãy mời Chúa của mùa Xuân vào lòng để cuộc đời được đổi thay và luôn tươi mới như mùa Xuân. Tận hưởng mùa Xuân của thiên nhiên, và mùa Xuân trong tâm hồn mà Thượng Đế ban tặng cho con người. Mùa Xuân chỉ thật sự trọn vẹn khi trong lòng có Thiên Chúa của mùa Xuân ngự trị.


bởi Phan Uyên

Suy ngẫm năm mới: văn hóa cầu xin của người Việt

người Việt, chúng ta khá quen thuộc với các truyền thống, cách thức mà mỗi người mỗi nhà cầu xin cho năm mới. Tuy vậy, hãy dành ít phút suy ngẫm đến việc cầu xin này có thực sự quan trọng hay không?

Nguồn: Báo Sống Mới

Tết đến, Xuân về, ngay trong khí trời cũng chứa đựng những nôn nao của thời điểm giao mùa, là thời điểm khởi đầu cho một năm mới. Lòng chúng ta háo hức cho những thời khắc của năm mới cùng với những hy vọng cho một năm tốt đẹp cho cá nhân và người thân.

Ký ức của tôi về những ngày Tết là những công việc tất bật chuẩn bị, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, và mỗi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ cúng gia tiên rất to để chuẩn bị cho giờ khắc giao thừa. Theo như lời giải thích của mẹ thì đây là việc mà dịp Tết hàng năm mỗi gia đình cũng cần phải làm để cầu xin Trời, Phật, tổ tiên phù hộ cho một năm mới có sức khỏe, ăn nên làm ra, công thành danh toại… Qua đêm giao thừa, việc đi lễ chùa vào những ngày đầu năm cũng là một truyền thống lâu đời của người Việt.

Người Việt đến chùa không đơn giản chỉ là để dâng các ước nguyện, mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ đi những lo toan vất vả của cuộc sống. Người người cầu mong cho sức khỏe, bình an, mong cầu Thần Phật phù hộ cho con cái, cho công việc làm ăn, mua may bán đắt, thăng quan tiến chức… Nhiều người than thở rằng, nền văn minh vật chất phát triển quá nhanh trong khi nền văn minh tinh thần lại không thể theo kịp. Có người đến chùa là để tìm lối thoát cho những khúc mắc trong cuộc sống của bản thân trong hôn nhân, tình trạng sức khỏe, khủng hoảng tài chính, bế tắc trong các mối quan hệ…

Thế nhưng, việc đi lễ chùa xin lộc đầu năm đã có nhiều biến tướng, đến mức độ phản văn hóa. Người ta quan niệm rằng: phải đến những ngôi chùa nổi tiếng mới có thể “giải bày lòng mình” với thần thánh. Chính vì vậy, chẳng mấy ai cảm thấy “yên tâm” dù đã ghé qua ngôi chùa cổ kính tĩnh lặng của làng bản mình sinh sống. Họ phải đi bằng được đến một danh thắng nào đó mới thỏa lòng… thành kính Thánh, Phật. Họ “hối lộ” các vị thần bằng tiền giấy giả, bằng mâm cao cỗ đầy và mong thần phù hộ họ trong mọi việc. Một số khác thì tới chùa cầu xin mà không biết là mình đang cầu xin ai. Họ cũng không biết vị thần mà họ đang cầu xin có thể ban cho họ một điều gì đó hay không.

Nguồn: Tinhhoa

Vậy những câu hỏi ở đây là:
– Việc cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới có thực sự quan trọng hay không?
– Với nhiều “vị thần” như vậy theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì vị thần nào mới thực sự là vị thần có thể ban cho chúng ta những điều mà chúng ta cầu xin?

Năm mới đến, chúng ta thường ngồi xuống, tổng kết lại một năm cũ và lên kế hoạch cho một năm mới. Và khi lập kế hoạch, ắt hẳn ai cũng sẽ mong muốn những kế hoạch mà bản thân đề ra sẽ được thực hiện một cách suôn sẻ. Đứng trước thềm năm mới, ai ai cũng hy vọng rằng những điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến với mình. Vì vậy, ai cũng đem những mong ước của mình đến với một vị thần để cầu xin vị thần đó giúp đỡ cho kế hoạch của mình.

Mối quan hệ giữa con người và thần thánh ngày nay đã bị “biến tấu” thành mối quan hệ có điều kiện. Khái niệm cầu xin và ban cho có vẻ không còn tồn tại mà thay vào đó là sự “mua bán phước hạnh. Rất nhiều người cho rằng dâng cho thần của càng nhiều thì thần sẽ phù hộ. Lối quan niệm này đã trở nên hành vi vô thức, đến nỗi người Việt không còn cảm thấy sự vô lý trong những việc mà bản thân đang thực hiện.

Hãy ngẫm nghĩ một chút: Nếu một vị thần với lòng thương xót, từ bi, sẵn sàng ban cho, thì “vị” đó có cần đến con người “hối lộ” một cái gì đó hay không? Nếu muốn ban cho, “vị” ấy phải CÓ để ban, vị ấy phải là nguồn cung ứng thì mới có thể ban cho con người.

Lời Kinh Thánh cho ghi rằng:

Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con-cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao? (sách Ma-thi-ơ chương 7 câu 7 đến 11)

Nguồn: Techmakroti

Đối với những người đã làm cha, làm mẹ thì đều hiểu rất rõ rằng nếu con cái của mình mong muốn và xin một điều gì đó thì cha mẹ sẽ luôn cố gắng đáp ứng những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Thế nhưng mỗi chúng ta đều có những giới hạn của bản thân mình, không thể đáp ứng được mọi nhu cầu của con cái. Rất nhiều ước mơ và mong muốn của con cái nằm ngoài tầm kiểm soát của những người làm cha, làm mẹ như chúng ta. Có lẽ vì vậy mà con người ta thường đem những điều mà mình không thể tự thực hiện được để đến xin các “vị thần” có thể ban cho.

Đến đây, tôi muốn nói với bạn về một mối quan hệ thiêng liêng, sâu sắc hơn. Đó là mối quan hệ giữa chúng ta – là con, với Cha trên trời. Cha trên trời của chúng ta biết rõ mỗi nhu cầu của chúng ta, Ngài ban cho chúng ta những điều còn vượt quá cả sự cầu xin và suy nghĩ của chúng ta nữa. Ngài là Chúa Trời, là Đấng Cung ứng. Ngài là nguồn của mọi phước hạnh, nguồn của tình yêu thương, nguồn của sự thịnh vượng, nguồn bình an. Bởi Ngài mà mọi vật hiện hữu và trong Ngài chúng ta sẽ có mọi sự.

Kinh Thánh ghi rằng: Ví bằng các ngươi cứ ở trong Ta, và những lời Ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó. (sách Giăng chương 15 câu 7).

Kết lại, chúng ta đã có câu trả lời cho mình. Một năm mới sắp tới, chúng ta cần tìm đến ai để cầu xin cho những nhu cầu của chúng ta? Hãy luôn nhớ rằng Cha của chúng ta ở trên trời biết rõ mọi nhu cầu của chúng ta và Ngài sẽ ban cho chúng ta vượt trội hơn cả điều chúng ta cầu xin và nghĩ đến.

Hãy tin cậy Cha!


bởi Quỳnh Mai

Giáng Sinh và món quà vô giá

Những cơn gió đông đã tràn về, tiết trời đã lạnh giá… vậy là một mùa Giáng Sinh nữa lại về.  Những ngày này, đâu đâu cũng lấp lánh ánh điện, trái châu lung linh sắc màu trên những cây thông nô-en. Khắp mọi nẻo đường đều nhộn nhịp không khí của mùa Giáng Sinh. Mọi người háo hức chuẩn bị những món quà đặc biệt để dành tặng cho những người thân yêu. Tùy theo đối tượng để chúng ta chọn loại quà thích hợp, có giá trị xứng đáng để trao tặng. Mỗi món quà được trao tặng đều có thể quy đổi bằng giá trị tiền bạc, vật chất. Nhưng bạn biết không, có một món quà được gọi là vô giá do Thượng Đế ban tặng cho con người cách đây 2019 năm.

Nguồn ảnh: Unsplash

Tục lệ tặng quà Giáng Sinh có lẽ đã bắt nguồn từ mùa Giáng Sinh đầu tiên, khi các nhà thông thái đi theo vì sao sáng để tìm Chúa Hài Nhi và khi gặp Ngài họ đã dâng cho Ngài những lễ vật đặc biệt. Giáng Sinh luôn luôn đi đôi với những món quà vì mùa kỷ niệm Chúa Giáng Sinh là mùa của tình thương và những món quà. Tình thương đó là tình thương lớn của Thiên Chúa đối với con người và món quà đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con của Thiên Chúa. Món quà vô giá ấy tất nhiên không thể tìm thấy ở trần gian, không thể mua được bằng tiền bạc bởi vì món quà đó đến từ thiên thượng. Chúa Giê-xu giáng sinh để đem đến cho nhân loại món quà yêu thương và Ngài cũng chính là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho con người.

Khi nhắc đến hai chữ Giáng Sinh nghĩa là chúng ta đang nhắc đến sự kiện trọng đại trong lịch sử nhân loại. Chúa Giê-xu, Con của Đức Chúa Trời đã đến trần gian qua trinh nữ Ma-ri. Trong đêm hài nhi Giê-xu được sinh ra tại tiểu thôn Bết-lê-hem, một nhóm mục đồng nghèo khổ đang yên lặng canh giữ bầy chiên trên cánh đồng bên cạnh. Trong đêm đó, bầu trời cũng đầy sao vằng vặc, như muôn ngàn đêm khác đã trôi qua. Nhưng những gì xảy ra trong đêm đó, không những biến đổi cuộc đời của những kẻ chăn chiên này, nhưng cũng biến đổi cuộc đời của hàng tỷ tỷ người khác trên thế giới. Thế giới không còn như xưa nữa kể từ đêm Giáng Sinh ấy. Vì bỗng nhiên, ánh sáng chói lòa trên không, một thiên sứ của Thiên Chúa hiện ra và nói với những người chăn chiên. Điều này dường như không thể tin được, khiến họ vô cùng sợ hãi. “Đừng sợ, tôi đến báo cho các anh một tin mừng. Tin này sẽ đem lại niềm vui lớn cho mọi người. Đêm nay, Chúa Cứu Thế, Đấng Cứu Tinh của nhân loại đã ra đời tại thành phố của Đa-vít…” Thiên sứ báo tin rằng Giáng Sinh sẽ đem lại “niềm vui lớn cho mọi người”. Điều gì khiến Giáng Sinh trở thành niềm vui lớn cho mọi người? Bởi Chúa Giê-xu giáng sinh đã mang đến cho loài người một món quà quý giá. 

Món quà Giáng Sinh của Thượng Đế có ba đặc tính thật độc đáo mà không một món quà nào khác trên thế gian có được như vậy. Đây là món quà đắt giá nhất mà bạn và tôi có thể nhận được. Phải, đây là món quà vô giá vì chính Con Trời đã phải hy sinh chính mạng sống mình để ban tặng món quà này đến cho nhân loại. Đây là món quà duy nhất có giá trị đến vĩnh viễn, là món quà duy nhất có giá trị cho đến đời đời. Đây là món quà hữu dụng nhất, vì chúng ta có thể sử dụng món quà này mỗi ngày trong suốt cả quãng đời còn lại.

Ngài vui lòng lìa thiên đàng cao sang để xuống trần làm người là bởi tình yêu thương con người đang hư mất trong tội lỗi. Chúa Giê-xu xuống trần gian để cứu con người chúng ta ra khỏi tội lỗi và đó là ý nghĩa của hai chữ Giáng Sinh. Thiên Chúa sinh ra làm người, chịu chết để cứu người và để ban cho con người sự sống vĩnh cửu. Ngài giáng thế để ban cho con người sự tha thứ về quá khứ tội lỗi, sự đổi mới đời sống ở hiện tại, và sự sống đời đời ở tương lai.

Món quà đến từ thiên đàng chắc chắn là món quà đặc biệt nhất trong tất cả những món quà. Bởi món quà ấy được tặng cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt sang hèn. Chỉ cần ai bằng lòng đón nhận thì món quà sẽ thuộc về người đó. Tuyệt vời thay đã có hàng tỷ người trên thế giới này đã nhận món quà ấy và khám phá được những điều kì diệu. Bởi khi tiếp nhận món quà cũng có nghĩa là chúng ta tiếp nhận Chúa Cứu Thế và mời Ngài ngự vào cuộc đời mình, chúng ta sẽ kinh nghiệm được niềm vui và bình an tuyệt vời, là điều không món quà nào trên đời này, cũng không một người nào trên đời này có thể đem đến cho chúng ta. Chúa Giê-xu – món quà đến từ thiên đàng sẽ mang đến cho nhân loại những điều kì diệu đến từ  thiên đàng.

“Ngày xưa còn thơ tôi thầm mơ đến đêm giáng sinh
Hạnh phúc với những món quà bé xinh, dễ thương
Nào ngờ đâu chính đêm đông này một hài nhi sinh ra cho trần thế
Ðó mới chính là món quà yêu thương…”

Chúa Trời là một Người Cha

Tại sao Chúa Trời được gọi là Cha? Chúa là Người Cha như thế nào? Ngài đối xử với chúng ta theo cách của một Người Cha ra sao? Chúng ta học được gì từ khía cạnh quan trọng này của Ngài?

Ảnh bởi Mohamed Awwam trên Unsplash

Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa toàn năng nắm mọi quyền cai trị và đáng được tôn kính, nhưng Ngài cũng mô tả chính mình Ngài là một Người Cha. Danh xưng ấy cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng và hiểu biết sâu sắc về bản tính và kế hoạch của Chúa.

“Cha” mang nhiều ý nghĩa

Từ “cha” được sử dụng để mô tả một người đã tạo ra, khởi nguồn hoặc sáng lập một thứ gì đó. Chẳng hạn, James Naismith được gọi là “cha đẻ” của môn bóng rổ vì ông đã tạo ra môn thể thao này hơn 100 năm trước.

Mỗi chúng ta đều có một người cha thể xác mang đến cho mình sự sống của thể chất, vì vậy theo phong tục, trong hầu hết các nền văn hóa con cái đều mang họ của cha, và gọi người đó là “cha” hoặc “bố”.

Tuy nhiên, việc làm cha không hẳn lúc nào cũng thể hiện ra những điều tốt đẹp. Chúa Giê-xu có nói với những người đạo đức giả trong thời của Ngài: “Các ngươi bởi cha mình, là ma quỷ, mà sanh ra” (sách Giăng, chương 8 câu 44). Chúa không có ý nói rằng satan đã cho họ sự sống thể xác, nhưng họ đang theo gương satan về sự gian ác tâm linh. Satan là cha đẻ của sự dối trá và giết người, xúi giục người khác làm điều tương tự.

Ngược lại, Đức Chúa Cha là nguồn cội, là cha của lẽ thật và tình yêu thương (sách Giăng, chương 17 câu 17 và sách Giăng thứ Nhất, chương 4 câu 16).

Chúa Trời là Cha qua công trình sáng tạo

“Vì vậy mà tôi quỳ gối trước mặt Cha, bởi Cha mà cả nhà trên trời và dưới đất đều được đặt tên”. (sách Ê-phê-sô, chương 3 câu 14-15). Câu này cho thấy đại gia đình của Đức Chúa Trời ở cả trên trời và dưới đất. Thông qua công trình sáng tạo, Chúa là Cha của các thiên sứ (sách Gióp, chương 1 câu 6; chương 38 câu 7) và của loài người (sách Ma-la-chi, chương 2 câu 10; sách Lu-ca, chương 3 câu 38). Chúa Trời Toàn Năng có trách nhiệm trên mọi sinh vật tồn tại; vì vậy, Ngài chính xác là Cha của tất cả những ai có sự sống (sách Ti-mô-thê thứ Nhất, câu 6 câu 13). Vì thế, thật tự nhiên khi Kinh Thánh tỏ bày rằng Chúa đầu của một đại gia đình.

Chúa Giê-xu: Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời

Đức Chúa Giê-xu là Con của Đức Chúa Trời, theo cách độc đáo và đặc biệt. Ngài là “Con của Đức Chúa Trời cao nhất” (sách Mác chương 5 câu 7). Sách Thi Thiên, chương 2 câu 7 ghi nhận: “Chúa phán cùng ta rằng: Ngươi là Con Ta, ngày nay Ta đã Sanh Con”. Chúa Giê-xu đã nhiều lần gọi Đức Chúa Trời là Cha. Sách Giăng, chương 3 câu 16 viết rằng “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”.

A-đam và Ê-va được Chúa tạo dựng nên từ bụi đất và ban cho họ sự sống, nhưng họ không có mẹ, họ cũng không được thụ thai. Chúa Giê-xu là người duy nhất được sinh ra bởi một trinh nữ bởi “Thần Linh của Đức Chúa Trời và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ Ma-ri dưới bóng mình”, dẫn đến việc thụ thai (sách Lu-ca, chương 1 câu 35). Chúa Giê-xu là Con Một của Đức Chúa Trời theo nghĩa đen. Bất kỳ ai cũng có một người cha phần xác. Thế nên, Đức Chúa Trời là Cha của Chúa Giê-xu, theo cách độc nhất mà Ngài không dành cho bất cứ tạo vật sống động nào khác.

Ảnh bởi Melindar Macaroni trên Pixabay

Cha tinh thần của chúng ta

Thông điệp sống còn mà Chúa Giê-xu mang đến cho chúng ta thấy vai trò người Cha và Chúa trong cuộc sống chúng ta. Dù tất cả chúng ta đều có sự sống thể xác khi bước vào thế giới này, nhưng Chúa có kế hoạch cho cả loài người, có cơ hội trải nghiệm khi tâm linh được làm mới, mang đến sự sống vĩnh viễn trong Vương quốc Chúa.

Thông điệp này cho thấy qua sự ăn năn và tiếp nhận Thần Linh Chúa vào lòng (sách Công vụ, chương 2 câu 38), Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ thật sự trở thành Cha chúng ta theo cách rất riêng. Ngài trở thành Cha chúng ta, và chúng ta trở nên con cái Ngài, khi chúng ta có tâm linh mình được làm mới lại. Sách Rô-ma, chương 8 câu 14 cho biết: “Vì hết thảy ai được Thần Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời”.

Sách Rô-ma, chương 8 câu 9 “Nếu thật Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong anh em, thì anh em không sống theo xác thịt, nhưng theo Thần Linh”. Tất nhiên, chúng ta vẫn là con người xác thịt, nhưng Kinh Thánh nói điều này từ góc nhìn của Đức Chúa Trời. Chúng ta bắt đầu đời sống thiêng liêng khi còn là trẻ thơ (sách Phi-e-rơ thứ Nhất, chương 2 câu 2), nhưng phải trưởng thành và cho đến khi qua đời hoặc đến khi Chúa Giê-xu trở lại (sách Tê-sa-lô-ni-ca thứ Nhất, chương 4 câu 15 đến 17).

Qua cuộc sống mới với Thần Linh Chúa sống trong lòng, chúng ta không chỉ hiểu biết chân lý và giá trị tâm linh, mà còn có mối quan hệ rất cá nhân, gần gũi với Đức Chúa Cha của chúng ta. Giờ đây, chúng ta có thể gọi Ngài là Cha!” (sách Rô-ma chương 8 câu 15).

Mối quan hệ cá nhân

Từ “cha” trong Kinh Thánh, ngụ ý sự quen thuộc và thân mật vô cùng. Từ điển Kinh Thánh ghi rằng đó là “một từ ngữ thể hiện tình cảm nồng hậu và sự tin cậy cung kính”.

Qua Kinh Thánh, Chúa cho thấy chúng ta có thể có được mối quan hệ cá nhân ấm áp, thân mật với Ngài, vượt xa việc chỉ đơn thuần thừa nhận Ngài là Đấng tạo ra chúng ta và đặt ra những quy tắc đúng đắn giúp cuộc sống chúng ta hạnh phúc và trọn vẹn. Chúng ta là con cái trong mắt Ngài, và được tận hưởng mối quan hệ đặc biệt cùng tình yêu thương chỉ có giữa cha và con. Chúng ta không chỉ là đầy tớ có chủ nhân, mà còn là con trai, con gái có Cha.

Điều này đưa chúng ta trở lại chương đầu của sách Sáng Thế, ghi lại mong muốn của Đức Chúa Trời làm nên loài người như hình và theo tượng Ngài” (câu 26). Cơ Đốc nhân “được dự phần trong bản tánh của Đức Chúa Trời”

Cha yêu thương

Chúa từng bày tỏ chính Ngài cho loài người với vai trò người Cha trong nhiều bối cảnh. Quan trọng nhất là Cha tâm linh. Vì vậy, Cơ Đốc nhân kinh nghiệm Đức Chúa Trời thể hiện mọi phẩm chất của một Người Cha yêu thương. Ngài ban cho chúng ta sự sống; Ngài yêu thương chúng ta; Ngài ban thưởng cho những nỗ lực của chúng ta; Ngài giao tiếp với chúng ta qua Lời Ngài; Ngài sửa phạt chúng ta cách yêu thương; và quan trọng nhất, Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà cuối cùng: sự sống vĩnh viễn trong Vương quốc Ngài bởi ân điển Ngài (sách Rô-ma, chương 6 câu 23; sách Ê-phê-sô, chương 2 chương 5), nếu chúng ta ăn năn tội lỗi mình và vâng theo mệnh lệnh Ngài (sách Công vụ, chương 2 câu 38).

Nếu bạn chưa kinh nghiệm về Chúa như một người Cha thật sự, chu đáo, yêu thương, thì bạn vẫn chưa bắt đầu sống cho mục đích mà Chúa đã tạo ra bạn trên cuộc đời này.


Nguồn: lifehopeandtruth.com
Hồng Nhạn
dịch