Muốn được sống trong yêu thương hãy học cách yêu thương

Từ khi cất tiếng khóc chào đời, trong tim ta đã được gieo những hạt mầm của tình yêu thương, được dạy bài học yêu người lân cận. Thế nhưng làm sao để “cho” và “nhận” những yêu thương một cách trọn vẹn lại là bài học lớn mà con người ta phải ôn lại mỗi ngày.

Hơn 11 năm nay có một người đàn ông đã cho đi yêu thương mỗi ngày bằng cách cưu mang gần trăm đứa trẻ cơ nhỡ về nuôi dưỡng. Người đàn ông ấy là Nguyễn Văn Lâm (47 tuổi), tuy độc thân nhưng ông lại là “cha” của gần một trăm đứa trẻ ông “nhặt” gần từ nghĩa trang, bãi rác, lề đường, bất kỳ lúc nào, bất kể ở đâu chỉ cần có trẻ bị bỏ rơi thì ông chạy đến cưu mang. Đồng hành cùng anh Lâm từ đứa con đầu tiên là Nguyễn Văn Phúc, em trai anh. Hai người đàn ông độc thân đi chăm trẻ mới lọt lòng, chẳng phải điều dễ dàng gì. Những đêm khuya, anh vẫn dò trên mạng cách bế bồng, đút trẻ ăn, đọc sách kỹ năng nuôi dạy trẻ. Người thường làm việc 8 tiếng mỗi ngày, riêng anh làm 20 tiếng mỗi ngày để có tiền cho các con. Một ngày của ông Lâm bắt đầu từ 2 giờ rưỡi sáng, tất bật chuẩn bị cơm cháo cho các con, rồi đưa đón chúng đi học sau đó anh mới yên tâm đi làm. Đêm về anh còn đi làm thêm đến 10 giờ mới về. Bận bịu, vất vả là thế nhưng anh Lâm đã quên đi bản thân mình mà cố gắng vì hạnh phúc của các con. Khi nhìn các con yên vui, khỏe mạnh là lòng anh đủ hạnh phúc. Nhờ có anh Lâm mà những đứa trẻ kém may mắn được có một mái nhà, được viết lại cuộc đời tươi sáng. Anh Lâm cho đi yêu thương và điều anh nhận lại là tình yêu thương gấp trăm ngàn lần từ những đứa con.

Qua câu chuyện cổ tích giữa đời thường của anh Lâm chúng ta nhận ra yêu thương là điều rất dễ nói ra nhưng để làm được thì không phải dễ dàng. Vì vậy hãy học cách để yêu thương.

Quên đi chính mình
Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Không phải ai cũng có thể quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của bản thân. “Cho” là không mong được “nhận” lại, không mong người khác sẽ trả ơn thì lòng sẽ thanh thản hơn. Hãy sống hết mình với người khác, hãy cho đi yêu thương. Vì gieo ra một hạt yêu thương thì sẽ nhận lại được một vườn hoa hạnh phúc trong tâm hồn.

Yêu thương là hành động
Yêu thương là cảm xúc của trái tim, nhưng yêu thương mang lại kết quả là khi yêu thương có hành động. Nếu anh Lâm yêu những đứa trẻ nhưng không hành động thì những đứa trẻ ấy cũng không thể có được một mái ấm. Hãy tập cho bản thân cách quan tâm người khác bằng những lời hỏi thăm, bằng những việc làm thiết thực. Thấy một người khát hãy cho họ uống, thấy một người đói hãy cho họ ăn, thấy một ai đó đang gục ngã thì hãy cho họ mượn bờ vai.

Sống chậm lại, lắng nghe nhiều hơn
Cuộc sống bây giờ quá vội vã vì thế con người dường như đã bỏ quên rất nhiều điều ý nghĩa giản đơn trong cuộc sống. Hãy đi chậm lại để cảm nhận được vẻ đẹp của giọt sương mai buổi sớm, của mây trời. Hãy ngừng bước để lắng nghe tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Yêu cuộc sống, yêu những sự vật xung quanh, yêu người thân bè bạn cũng chính là yêu thương bản thân mình, cũng chính là cho mình một cơ hội để khám phá nét đẹp của cuộc sống, cho mình một cơ hội để biết thế nào là hạnh phúc. Có yêu cuộc đời thì ta mới có thể yêu người.

Đừng theo đuổi vật chất
Ngày nay, cuộc sống của nhiều người chỉ nghĩ tiền bạc, quyền lực, danh vọng mới có thể đem lại hạnh phúc cho mình và người xung quanh. Như vậy quả thực là sai lầm. Bởi những thứ đó chỉ có thể đem lại hạnh phúc về vật chất, chứ không giúp gì cho tinh thần. Tiền tài, vật chất rồi cũng sẽ hóa hư vô nhưng chỉ có lòng người là còn lại mãi. Tiền có thể đổi lấy tiền nhưng tiền không thể đổi lấy yêu thương.

Học cách tha thứ
Tha thứ, bỏ qua lỗi lầm của người khác không có nghĩa là cho phép người khác quyền làm tổn thương bạn, mà có nghĩa là chọn cách phản ứng lại tốt bụng hơn, nhẹ nhàng hơn. Nếu ai đó làm tổn thương bạn hay làm bạn thất vọng, hãy chọn tha thứ bằng cách bỏ qua giận dữ và oán hận. Mọi việc sẽ tồi tệ hơn nếu như những oán giận còn tồn tại. Chọn cách cư xử yêu thương sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Một phút sống yêu thương nghĩa là bạn đã có sáu mươi giây hạnh phúc. Vậy tại sao không yêu thương nhiều hơn mỗi ngày? Chẳng cần tới những điều lớn lao, hãy tự tặng cho mình một trái tim nhân ái bằng cách cho đi nhiều hơn nhận lại. Cứ thế, những ngọt ngào sẽ luôn còn mãi.

“Hoa trái của tĩnh lặng là cầu nguyện
Hoa trái của nguyện cầu là niềm tin
Hoa trái của niềm tin là hạnh phúc
Hoa trái của hạnh phúc là yêu thương.”

bởi Phan Uyên

Láng giềng – đóng cửa, có đóng tình người?

Sống trong thành phố, đô thị ngày nay có lẽ ít ai hiểu được đúng nghĩa về cụm từ “tình làng nghĩa xóm” mà người Việt trước đây vẫn hay nhắc đến. Làng xóm đối với người Việt Nam trước đây là nơi sinh ra, lớn lên, có quan hệ đến việc hình thành tính cách của mỗi con người. Nói đến làng xóm là nói đến tình nghĩa là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đã dần làm phai nhạt đi cái tình, cái nghĩa trong mối quan hệ hàng xóm với nhau.
Cách đây khoảng một chục năm trở về trước, khi cùng sống trong một ngõ phố, hầu như nhà nào cũng biết nhau, những đứa trẻ trong ngõ vui chơi với nhau cả ngày, là những người bạn thân thiết, người cùng ngõ đi ra ngoài gặp nhau là nở nụ cười vui vẻ, sáng sáng hoặc chiều tối rủ nhau đi thể dục thể thao, nhà ai thiếu thốn cái gì đều có thể tới nhờ nhà hàng xóm cho “mượn chút ít”… Thế nhưng ngày nay khi trở về cùng khu phố đó, người ta không còn nhiều sự quan tâm tới nhau đến như vậy nữa. Gia đình nào cũng bắt đầu ngày mới một cách hối hả với việc ăn, việc học, việc làm của mỗi thành biên trong gia đình và kết thúc một ngày khi đã mệt lử, về nhà, tắt đèn, đóng cửa ở trong. Cứ dần dần như thế, tình cảm giứa những người hàng xóm với nhau ngày càng mờ nhạt đi. Điều này còn rõ rệt hơn khi bạn là một người sống trong các chung cư, các khu đô thị… hầu như chỉ nhà nào đóng cửa biết nhà đó với nhau mà thôi. Các mối quan hệ hàng xóm hầu như không được nhắc tới, chỉ có những mối quan hệ với xã hội bên ngoài được ưu tiên hơn. Thậm chí, trong những khu chung cư, những nhà sống sát vách nhau có khi cũng không biết nhau là ai nữa.
Thực ra, tình làng nghĩa xóm ngày nay chúng ta vẫn có thể tìm được nơi một số làng quê nông thôn. Trong cùng một làng, chuyện của nhà đôi khi trở thành chuyện của cả làng. Rõ nhất là khi có hữu sự, chẳng cần gia chủ đánh tiếng mời gọi, ai cũng hiểu và tự giác đến giúp một tay cho thêm phần xôm tụ. Đàn ông, thanh niên thì chia nhau dựng rạp, đốn tàu lá dừa nước, bắt mâm bàn. Còn các cô, các dì lo phần bếp núc, trẻ con thì cắt lá chuối và các bà thì đãi vỏ đậu, gói bánh… Có câu: “Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, nhưng đâu cần kêu réo, tất cả đều giúp nhau không toan tính. Đến khi nhập tiệc, bà con còn thể hiện cái tình, cái nghĩa bằng những lời chúc tốt đẹp thông qua những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”…

Nguồn: Unsplash

Hai lối văn hóa cư xử giữa những người cùng làng với những người cùng sống chung trong một khu phố có những điểm khác nhau, mỗi lối văn hóa đều có phần tích cực và tiêu cực của nó. Với lối văn hóa tại làng quê, con người cởi mở với nhau, cần giúp đỡ cũng thật dễ dàng thế nhưng đôi khi những chuyện riêng của nhà lại bị cả làng đem ra bàn tán, rồi “tam sao thất bản”, câu chuyện riêng của gia đình trở nên không thể kiểm soát được. Còn với lối văn hóa cư xử của những người hàng xóm nơi khu phố, mỗi gia đình đều có không gian riêng tư nhưng tình cảm, sự giúp đỡ lẫn nhau lại khó có thể tìm thấy được. Vậy cái nào là quan trọng hơn? Sự riêng tư cần có hơn hay tình cảm hàng xóm, tình người với nhau là điều cần tiếp tục duy trì hơn?
Không gian riêng tư với mỗi một người là điều quan trọng tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta hạn chế giao lưu, chia sẻ và kết thân với những người lân cận mình bằng cách ở đâu thì đóng cửa nhà mình biết mình ở đó. Chỉ cần chúng ta tự biết giới hạn những vấn đề của gia đình mình, đừng quá làm to chuyện để cả làng cả xóm biết chuyện riêng của nhà mình. Nói gì đi nữa, dù ở đâu hay trong môi trường nào thì cái “tình” giữa người với người vẫn là điều quan trọng và cần được phát triển. Suy cho cùng, hàng xóm vẫn là những người hàng ngày sống quanh chúng ta, tại sao chúng ta không dành cho họ những tình cảm yêu mến, không sẻ chia cùng họ những lo toan trong cuộc sống? Nếu có những người hàng xóm yêu mến lẫn nhau, chẳng phải khi khó khăn xảy đến, họ sẽ là những người ở bên giúp đỡ chúng ta hay sao? Thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta bị đau bệnh cần cấp cứu ngay thì những người hàng xóm ở bên cạnh là những người sẽ dễ dàng giúp đỡ chúng ta nhất. Hay khi đó chúng ta lại chờ đợi sự trợ giúp từ những người thân ở nơi xa. Điều này có lẽ những người sống xa nhà sẽ là những người hiểu nhất. Khi ở xa gia đình, không có người thân bên cạnh, bạn sẽ hiểu tình nghĩa hàng xóm là vô cùng quan trọng. Họ sẽ là những người ở gần, giúp đỡ và cùng chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống với chúng ta, đôi khi còn hơn cả những người thân của chúng ta ở nơi xa nữa. Vì vậy, thay bằng “đóng cửa đóng tình người” chúng ta hãy thay đổi, cởi mở hơn với những người hàng xóm lân cận của mình, yêu thương, san sẻ cùng nhau để có được những mối quan hệ tốt, để dù là ở khu phố hay khu chung cư thì tình cảm yêu mến giữa những người sống lân cận nhau vẫn được duy trì.

bởi Quỳnh Mai

Ấm áp tình làng nghĩa xóm

“Tình làng nghĩa xóm” cụm từ có lẽ đã trở nên rất quen thuộc bởi nó không chỉ là câu nói thuận miệng mà còn là một nét đẹp trong lối sống trong đời sống con người. Dù ở bất kì thời đại nào, bất kì vùng đất nào thì tình nghĩa giữa hàng xóm láng giềng vẫn luôn mang một giá trị bền vững.

Chúng ta sinh ra vốn là một cá thể riêng biệt nhưng lại không thể sống đơn độc mà cần có sự gắn kết trong một cộng đồng. Ngoài gia đình, bạn bè thì hàng xóm láng giềng là một trong những tình cảm thân thiết và quan trọng trong cuộc sống. Phố phường, làng xã, ngõ xóm xây dựng nên tập thể những người lận cận có thể giao lưu, trò chuyện, gắn kết với nhau. Hàng xóm là người ngày ngày gặp gỡ, tháng năm gần gũi với nhau và cùng tạo nên những tình cảm thân tình.

Tình làng xóm luôn có thể nói là một thứ tình cảm được kết hợp giữa tình gia đình và tình bạn hữu. Tình nghĩa láng giềng giúp chúng ta bớt đi cảm giác cô độc khi phải xa gia đình, cảm thấy ấm áp khi nhận được sự quý mến, san sẻ vui buồn. Có những người phải sống nơi đất khách quê người, không họ hàng thân thích thì hàng xóm láng giềng chính là những người thân, là nơi nương tựa. Tình làng nghĩa xóm là cùng nhau ra ruộng đồng, cùng nhau ngồi uống bát nước dưới gốc đa yên bình, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi qua nắm cơm, củ khoai. Tình làng, nghĩa xóm còn được thể hiện qua việc cho và nhận quà. Những món quà chỉ đơn giản là con gà, con cá, trái cà, ít trái cây vừa chín ở vườn nhà…. Hễ có gì ngon, lại mang sang biếu hàng xóm. Dù món quà biếu nhỏ nhưng nó thể hiện tấm lòng thơm thảo, ân tình mọi người dành cho nhau. Hay trong lúc đau ốm, dù chỉ những lời hỏi thăm sức khỏe thôi cũng đủ làm cho người bệnh ấm lòng bằng. Khi một gia đình có chuyện vui xóm làng đến chia vui chúc mừng thì niềm vui nhân lên gấp bội. Khi gia đình gặp chuyện đau buồn hàng xóm đến an ủi, động viên, một cái bắt tay, một ánh mắt trìu mến thôi cũng khiến mọi người ấm lòng hơn. Tình làng nghĩa xóm là “tối lửa tắt đèn có nhau”, rồi cùng nhau xây dựng một cuộc sống văn minh hơn, tốt đẹp hơn. Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn, vui vẻ hơn khi chúng ta có nụ cười thân thương của những người hàng xóm. Tình xóm giềng là sợi dây yêu thương gắn kết giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Nguồn: Unsplash

“Một người xóm giềng gần còn hơn anh em xa.” hay “Bán anh em xa mua láng giềng gần.” đã được đúc kết thành một kinh nghiệm sống. Bởi lẽ những người anh em họ hàng ít có thể ở gần chúng ta do điều kiện khoảng cách, vì thế khó mà có thể chăm sóc, giúp đỡ, mọi lúc mọi nơi khi chúng ta cần. Hơn nữa, trong những hoàn cảnh khó khăn, khi ta gặp phải điều không may như đau ốm, thiếu thốn, chính những người hàng xóm sẽ là người mà ta có thể nhờ vả giúp đỡ ngay lập tức trong trường hợp nguy hiểm nhất. Do đó, cho dù có là ruột thịt, nhưng phải thừa nhận rằng, có một số trường hợp, chính những người làng xóm mới là người mà chúng ta cần nhất. Khi hàng xóm sống với nhau bằng tình nghĩa thì luôn sẵn sàng giúp đỡ, cưu mang những khó khăn của nhau mà không đòi hỏi trả ơn, đáp đền. Đó chính là sự ấm áp của tình người, “thương người như thể thương thân”. Có thêm một người hàng xóm tốt là chúng ta đã có thêm một người thân yêu tuy không máu mủ ruột rà nhưng lại đáng quý vô cùng. “Nước xa khó chữa cháy gần, người thân xa kém hương lân gần kề.”

Ngày nay, có một thực tế là ở những nơi thành phố hiện đại, con người như bị cuốn theo dòng xoáy của cuộc mưu sinh, ít có thời gian quan tâm đến những người xung quanh, chuyện nhà nào, nhà ấy biết, nhiều khi là người ở cùng một con đường, nhà chỉ cách nhau vài căn nhưng không ai biết ai,… Khi chúng ta sống giữa một cộng đồng mà “đèn nhà ai nấy sáng” thì hàng xóm bỗng trở nên xa lạ, tình người cũng dần nhạt phai. Còn gì buồn tẻ hơn khi nhìn qua hàng rào, qua khung cửa sổ nhà kế bên mà chúng ta không nhận lại được một nụ cười. Tình cảm hàng xóm láng giềng dần mai một rồi mất đi, đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi một thứ tình cảm quan trọng trong cuộc sống. Vì vậy hãy luôn biết trân trọng những người lân cận bên mình, sống chan hòa, yêu thương lẫn nhau để cuộc sống này thêm ý nghĩa.

“Thân thương làng xóm láng giềng

Sẻ chia những lúc buồn phiền khổ đau

Khi vui ta đến với nhau

Ấm trà chén nước chung câu tâm tình.”

bởi Phan Uyên

7 bước đơn giản khiến đồng nghiệp thích bạn

Bạn có đang phải đối diện với một đồng nghiệp khó nhằn; có thể là kiêu ngạo, tọc mạch, thô lỗ, thật kinh khủng khi phải cùng làm việc?

Nhưng bạn có chắc rằng người đồng nghiệp phiền phức đó không phải là chính mình? Hay chính bạn là người luôn khiến đồng nghiệp phải làm việc cực nhọc hơn, luôn xen vào việc của người khác, và làm phiền cả nhóm mọi cách?

Thay vì như vậy, rất dễ dàng thôi: hãy trở thành một người đồng nghiệp đáng yêu.

Làm theo những lời khuyên cơ bản này, bạn sẽ chuyển tên mình từ danh sách “đồng nghiệp tồi tệ” nhất sang danh sách được yêu thích nhất.

1. Nói gì làm nấy

Không gì khiến đồng nghiệp yêu mến bạn nhanh chóng hơn là việc giữ lời hứa. Nói gì làm nấy: hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn, gửi email cho khách hàng, nộp báo cáo đúng hạn… Đồng nghiệp sẽ nhanh chóng biết rằng họ có thể tin tưởng bạn, và bạn có khả năng giúp cả nhóm thành công.

(Như một phần thưởng, họ cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ bạn.)

2. Khen ngợi – nhưng không phải chỉ khi bạn muốn điều gì đó

Mọi người đều thích được khen ngợi. Tuy nhiên, chúng ta thường ỷ lại cho sếp công việc tuyên dương các đồng nghiệp, nhưng quên rằng mình cũng có thể khen họ; hoặc chỉ dùng lời khen như màn dạo đầu tử tế cho một yêu cầu nào đó.

Ví dụ, “Này, cậu đã làm PowerPoint rất tốt đấy! Mà nhân tiện, cậu có thể thay tôi thực hiện cuộc họp khách hàng chiều nay không?”

Thay vào đó, hãy cho ý kiến tích cực cách hào phóng. Cho đồng nghiệp biết bạn rất thích blog họ viết, hoặc nhận xét bài thuyết trình của họ hấp dẫn và tươi sáng. Đừng khen ngợi quá lố, đồng nghiệp sẽ nghi ngờ bạn – hãy chân thành. Khi thấy công việc được thực hiện tốt, hãy khen ngợi!

3. Tôn trọng thời gian của người khác

Khi công việc dồn dập, bạn muốn tập trung làm việc mà không bị ai gián đoạn. Cuối ngày, bạn muốn suôn sẻ rời khỏi văn phòng và không bị giao thêm nhiệm vụ nào vào phút cuối. Nói tóm lại, bạn muốn người khác tôn trọng thời gian của mình, vậy nên bạn cũng phải tôn trọng thời gian của họ.

Hãy hoàn thành phần việc của bạn kịp thời để đồng nghiệp có thể thực hiện phần mình, luôn đúng giờ, hạn chế những yêu cầu đột ngột trừ trường hợp thật sự khẩn cấp, trả lời email và tin nhắn trong khung thời gian hợp lý.

Đồng nghiệp sẽ đánh giá cao vì bạn đã không lợi dụng họ và thời gian của họ.

4. Đừng gây thêm căng thẳng

Hiện nay, email là trung tâm của hầu hết mọi công việc. Phải giải quyết hết khối lượng tin nhắn khổng lồ ấy mỗi ngày là đủ căng thẳng lắm rồi.

Vì vậy, đồng nghiệp của bạn chắc chắn sẽ không vui vẻ nếu hộp thư của họ tràn ngập những email quá mơ hồ hoặc lan man của bạn, đến mức họ phải “nghiên cứu” đến đau đầu để hiểu chính xác những gì bạn đang nói.

Hãy đảm bảo email của bạn ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu.

5. Nhận lỗi

Không ai muốn gặp rắc rối trong công việc, nhưng một người biết thừa nhận sai lầm của mình lúc nào cũng đáng ngưỡng mộ hơn một người cứ đổ lỗi cho người khác.

Nghe có vẻ lạ, nhưng thà nói “đó là lỗi của tôi, tôi sẽ sửa chữa” vẫn tốt hơn là “chuyện sẽ không thành thế này nếu anh A chịu làm tốt việc của mình”. Bạn sẽ được cả nhóm tôn trọng, đặc biệt nếu bạn hứa sẽ sửa chữa, và tìm cách để tránh phạm cùng một sai lầm trong tương lai.

6. Biết khi nào nên dừng lại

Trò chuyện với đồng nghiệp là chuyện bình thường trong cuộc sống công sở. Ai lại không thích dành sáng thứ Hai để trò chuyện về những gì mọi người đã làm vào cuối tuần? Nhưng thật ra, không phải ai cũng thích.

Nếu bạn muốn được đồng nghiệp yêu thích, hãy học cách quan sát để biết khi nào họ muốn ngồi xuống làm việc, thay vì cứ lan man hết câu chuyện này đến câu chuyện khác về bản thân bạn.

Đồng nghiệp của bạn có gật đầu lặng lẽ và với lấy tai nghe của họ? Quay lại với máy tính của họ và tránh xa bạn? Hay trả lời một tiếng “Mmmhmm” chán nản? Hãy chú ý những tín hiệu này và để dành câu chuyện của bạn cho một thời điểm hoặc một người khác.

7. Tham gia với mọi người

Tất nhiên, việc biết khi nào nên dừng cuộc trò chuyện không có nghĩa là bạn không được tham gia vào cuộc sống của các đồng nghiệp. Bạn nên thân thiết với mọi người.

Bạn không cần phải cố trở thành bạn thân với tất cả mọi người, nhưng bạn có thể xây dựng sợi dây liên kết vững chắc bằng cách phát triển mối quan hệ cá nhân với các đồng nghiệp của mình.

Hãy đi ăn trưa vài lần với họ, cùng nhau gặp gỡ để có thời gian vui vẻ, chấp nhận lời mời kết bạn của họ và tương tác với nhau trên mạng xã hội. Chia sẻ một chút về bạn và hỏi thăm về cuộc sống của họ. Hãy chứng tỏ rằng bạn quan tâm, không chỉ công việc mà còn về cuộc sống của họ, điều đó sẽ giúp bạn có được bạn bè chân thành.

Rốt cuộc, tất cả đều là lẽ thường tình. Hãy tôn trọng, làm việc chăm chỉ và vui vẻ khi ở cùng nhau, rồi bạn sẽ dễ dàng được đồng nghiệp mình yêu thích.

Nếu thất bại, hãy mang theo bánh trái. Ai cũng yêu quý người đồng nghiệp luôn mang theo bánh trái!

Nguồn: themuse.com

Tình đồng nghiệp có khó tìm?

Trong giới công sở ngày nay, mối quan hệ giữa những người cùng làm việc dường như khó tìm được sự chân thành và yêu mến. Khi thử tìm kiếm về từ khóa “đồng nghiệp” thì kết quả nhận được nhiều nhất liên quan tới vấn đề “làm sao để đối phó với những người bạn đồng nghiệp khó tính?” Không biết là từ khi nào, mối quan tâm lớn nhất giữa những người cùng làm việc với nhau lại là làm sao để đối phó với nhau như vậy?
Tôi thường thấy những người đã đi làm nói rằng: “Ngày xưa còn đi học, chúng ta vô lo vô nghĩ nên tình bạn thời đó thật vô tư và trong sáng. Nhưng bây giờ khi đã đi làm, môi trường cạnh tranh trong công việc khiến chúng ta khó có thể tìm được những tình cảm chân thành giữa những người đồng nghiệp với nhau”. Có người thì lại nói “Tôi là đứa được lòng đồng nghiệp nhất trong công ty, nhưng tôi tin chắc, cũng chỉ là xã giao thông thường, nói chung là tôi không chạm đến họ thì họ cũng không chạm đến tôi, chứ 2 chữ ‘thương yêu’ nhau thì vẫn còn xa lắm”. Vậy tình đồng nghiệp có thực sự khó tìm đến vậy hay không?
Nếu xét về bản chất vấn đề, công việc của mỗi một người là nhằm mục đích giúp người đó có được nguồn thu nhập, là nơi giúp họ học hỏi kinh nghiệm và cùng làm lợi ra cho chủ mình. Nếu mục đích của công việc là như vậy thì đồng nghiệp chính là những người sẽ cùng chúng ta đồng hành trong công việc hàng ngày, người ở cùng chúng ta ít nhất 8 giờ/ngày (đối với những công việc toàn thời gian). Vậy mà, nếu như hàng ngày chỉ lo “đối phó” với đồng nghiệp thì e rằng việc đi làm của mỗi người sẽ trở nên vô cùng mệt mỏi và chán nản.

1. Để kết luận việc có được tình đồng nghiệp nơi chốn công sở có khó tìm hay không, trước hết, có lẽ cần nói đến môi trường làm việc. Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển thì công việc càng mang tính cạnh tranh cao hơn. Tại những doanh nghiệp “đắt giá”, người ta phấn đấu để cạnh tranh với nhau trong từng vị trí, từng công việc, người này được thăng chức người kia không. Việc cạnh tranh trong công việc có hai mặt của vấn đề. Mức độ cạnh tranh trong công việc càng cao thì doanh nghiệp càng chọn lọc được những con người ưu tú, nhân viên làm việc ai cũng nỗ lực để có được vị trí tốt nhất trong công việc. Thế nhưng, mặt khác, sự cạnh tranh trong công việc đôi khi lại khiến tình đồng nghiệp bị rạn nứt. Trong một môi trường làm việc khác, ở những doanh nghiệp nhỏ, tính cạnh tranh trong công việc ít hơn thì có lẽ tình đồng nghiệp sẽ dễ dàng tìm thấy hơn ở những nơi như vậy.
Tại công sở, công việc thường gắn liền với quyền lợi và nghĩa vụ, mỗi người đều có vai trò và trách nhiệm của mình. Cấp dưới cần hoàn thành nhiệm vũ cấp trên giao phó, làm tốt hợp tác phối hợp nhóm, trợ giúp công việc của cấp trên. Cấp trên lấy nhiệm vụ và chỉ tiêu công ty giao phân nhỏ thành các nhiệm vụ giao cho cấp dưới, đồng thời trợ giúp cấp dưới về tài nguyên và tinh thần, dẫn dắt đội ngũ làm việc nhóm, thưởng phạt phân minh. Ai nấy làm tốt công việc của mình thì tình đồng nghiệp cũng dễ dàng được duy trì.

Nguồn: Pexels

2. Ngoài môi trường làm việc, người chủ doanh nghiệp hoặc người chịu trách nhiệm về đội ngũ nhân sự trong công ty cũng là người góp phần quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ đồng nghiệp của các nhân viên trong công ty. Có những doanh nghiệp, người chủ rất quan tâm tới mối quan hệ của các nhân viên, họ thường xuyên tìm cách tổ chức những sự kiện, tạo môi trường giao lưu cho các nhân viên với nhau. Có những người chủ khi nhận thấy có những vấn đề xích mích giữa những nhân viên của mình, họ sẽ tìm cách giúp giải quyết. Như vậy, tình đồng nghiệp có lẽ sẽ dễ dàng được thiết lập giữa những doanh nghiệp như vậy. Mặt khác, nếu người chủ doanh nghiệp hoặc người chịu trách nhiệm về đội ngũ nhân sự của công ty không quan tâm và giúp củng cố mối các mối quan hệ của nhân viên trong công ty thì chắc chắn tình đồng nghiệp sẽ khó tìm được ở những chốn công sở như vậy.

3. Yếu tố vô cùng quan trọng kế tiếp để có thể thiết lập được tình đồng nghiệp chốn công sở chính là vấn đề nhân cách của những người cùng làm việc. Nếu những con người cùng làm việc với nhau xác định được rõ ràng mục đích của bản thân khi đi làm tại doanh nghiệp thì mối quan tâm cao nhất của họ sẽ là công việc, họ xác định rõ ràng rằng đồng nghiệp sẽ là những người cùng làm việc để giúp cho công việc chung được cùng giải quyết. Khi đã xác định được mục tiêu của mình tại chốn công sở như vậy, vấn đề cạnh tranh, đối phó giữa những người làm việc với nhau sẽ được giảm đi ít nhiều. Hơn nữa, nếu mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau, được xây dựng dựa trên sự chân thành và tình cảm yêu mến thật sự thì chắc chắn mối quan hệ đó sẽ được kết quả tốt. Thay vì chăm chú vào khuyết điểm của người khác, hãy dành thêm thời gian để trò chuyện và tìm hiểu, bạn sẽ có cơ hội thắt chặt các mối quan hệ. Bạn có thể tâm sự với đồng nghiệp về những sở thích của họ hay những thói quen lúc rảnh rỗi bên cạnh công việc. Bạn có thể dùng cách này khi không khí làm việc trở nên căng thẳng hoặc vào giờ nghỉ giải lao. Những cuộc trò chuyện thân tình sẽ khiến người với người gần nhau hơn, xoa dịu mọi căng thẳng và bất đồng.

Nhân sự là một trong những yếu tố quyết định trong sự phát triển của công ty và tình đồng nghiệp góp phần không nhỏ trong việc giữ chân những nhân sự cốt cán và có nhiệt huyết ở lại với đội ngũ công ty. Có thể hiện nay nhiều người nói, tình đồng nghiệp là một thứ vô cùng nhạt nhẽo và khó tìm. Tuy nhiên, nếu để những suy nghĩ, quan điểm đó trở thành định kiến thì có lẽ sẽ chẳng thể tìm được ở đâu một tình đồng nghiệp đúng nghĩa. Quan hệ đồng nghiệp xưa nay vốn rất phức tạp. Những mâu thuẫn ở chốn công sở cũng đang làm đau đầu biết bao người quản lý, biết bao sếp lớn. Tuy nhiên, chắc chắc sẽ có giải pháp cho mọi mối quan hệ. Nếu chúng ta thực sự xác định được mục đích trong công việc, chúng ta kiên trì xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự chân thành thì tôi tin chắc rằng tình đồng nghiệp sẽ không khó tìm đến vậy.

bởi Quỳnh Mai

Giá trị của tình anh em

Có thể nói mối quan hệ anh chị em là một trong những mối quan hệ bền chặt nhất trong cuộc sống của chúng ta. Tác động của chúng đối với cuộc sống của chúng ta và có vai trò trong việc định hình nền tảng và tính cách của một con người, và thậm chí có thể ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống. Bởi vì anh chị em hiểu chúng ta hơn ai hết.

Có thể những người anh em của mình không phải lúc nào cũng ngưỡng mộ, hay tôn trọng chúng ta, nhưng họ chính là người luôn quan tâm đến chúng ta. Những đứa trẻ lớn lên với mối quan hệ lành mạnh cùng anh chị em của chúng có xu hướng cảm thấy được hỗ trợ và an toàn hơn trong suốt tuổi trưởng thành. Anh chị em có thể không phải lúc nào cũng đồng ý với bạn hoặc thích bạn, nhưng họ là một trong mối quan tâm lớn đối với bạn, khó có thể lặp lại trong bất kỳ mối quan hệ nào khác.

Nguồn: Pexels

Tình cảm anh chị em được vun đắp qua những bữa ăn tối cùng nhau hay những hoạt động vui chơi. Lớn lên cùng anh em trai hay chị em gái có tác động đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, đó là chưa nói tới việc mối quan hệ này có thể định hình nhân cách của một người trong cuộc sống sau này. Với nhiều người, tình cảm anh chị em có nghĩa là sự hỗ trợ tinh thần suốt đời, một tình bạn thân thiết và vô số những niềm vui. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mối quan hệ gắn bó này có thể dẫn chúng ta tới con đường hạnh phúc trong cuộc sống sau này. Các nghiên cứu cho thấy những người già có anh chị em còn sống cũng có ý thức cao hơn về lối sống lành mạnh. Do đó, xây dựng tình cảm với anh chị em không chỉ quan trọng khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, mà còn mang tới những lợi ích to lớn trong quãng đời sau đó.

Nguồn: Pexels

Liệu những mối quan hệ này làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hay tồi tệ hơn là một câu hỏi phức tạp. Một mặt, các tương tác tích cực với anh chị em trong tuổi vị thành niên thúc đẩy sự đồng cảm. Tuy nhiên, khi một mối quan hệ anh chị em chuyển biến xấu, nó có thể thực sự tồi tệ và để lại một vết thương trong cuộc sống của mỗi người. Mối quan hệ anh chị em căng thẳng làm gia tăng khả năng rơi vào trạng thái trầm cảm nếu ở trong độ tuổi thiếu niên, nhưng trường hợp đó cũng không phải là đa số.

Còn người lớn tuổi thì thế nào? Liệu mối quan hệ giữa anh chị em có quan trọng? Mặc dù một số người có thể không tin rằng mối quan hệ với anh chị em có thể ảnh hưởng đến những người trưởng thành. Trên thực tế, một nghiên cứu về tâm lý học ở người trưởng thành cho thấy mối quan hệ với anh chị em có thể góp phần làm hài lòng cuộc sống, tinh thần cao hơn, ít triệu chứng trầm cảm hơn, tâm lý thoải mái và cảm giác an toàn hơn về cảm xúc khi về già.

Như với bất kỳ mối quan hệ gia đình, mối quan hệ anh chị em có thể thay đổi theo người, theo gia đình và văn hóa. Anh chị em có ý nghĩa khác nhau với những người khác nhau, hoặc sẽ khá mơ hồ với những ai là con một. Nhưng khi chúng ta ý thức được tình trạng và giá trị của mối liên hệ gia đình, đặc biệt là mối quan hệ anh chị em, thì chắc chắn chúng ta sẽ có một sự đầu tư đúng mức. Và những trái ngọt sẽ được hình thành bởi sự vun đắp của bạn ngày hôm nay.

Xem thêm:
Những mẫu thuẫn trong tình anh em
Tình anh em có thực sự quan trọng trong xã hội hiện đại?

bởi Di Cát

Ngoại tình tư tưởng, nguyên nhân từ đâu?

Khi bước vào hôn nhân, bất cứ ai cũng mong muốn một cuộc hôn nhân hạnh phúc, người bạn đời sẽ sống chung thủy với mình. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, dường như sự “chung thủy” lại là một khái niệm quá xa vời. “Ngoại tình” có lẽ là cụm từ khó nghe nhất trong mối quan hệ hôn nhân. Khi ngoại tình xảy ra trong một mối quan hệ hôn nhân, phần lớn hôn nhân đó sẽ kết thúc bằng một quyết định ly hôn của Tòa án.

Nhắc đến ngoại tình, phần đa chúng ta sẽ nghĩ tới những mối quan hệ giường chiếu ngoài hôn nhân. Nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề mà thôi! Nguyên nhân của những hành vi này được bắt nguồn từ một vấn đề tưởng chừng như mơ hồ nhưng lại có sức cám dỗ vô cùng lớn, đó là “ngoại tình trong tư tưởng”. Thường thì ai cũng nghĩ, “ngoại tình tư tưởng” thì có gì đâu mà ghê gớm. Nhưng, nếu nuôi dưỡng tư tưởng đủ lớn, tư tưởng ấy sẽ biến thành hành động và nếp sống.

Vậy thế nào là ngoại tình trong tư tưởng? Có mức độ nào chấp nhận được cho ngoại tình tư tưởng không? Một định nghĩa rất xác đáng được đưa ra như sau: Hễ khi nào người nam/người nữ nhìn một người khác giới không phải người phối ngẫu của mình mà trong lòng trỗi dậy ham muốn với người đó thì người đó đã có ý định ngoại tình trong tư tưởng rồi. Bởi vì từ trong tư tưởng, chúng ta đã mong muốn những dục vọng ngoài hôn nhân. Những suy nghĩ sai trật từ trong tư tưởng là “nọc độc” vô cùng nguy hiểm cho một mối quan hệ. Chẳng phải bởi chính những suy nghĩ này sẽ dẫn chúng ta đến việc thực hiện những hành động ngoại tình hay sao?

Nguyên nhân của “ngoại tình tư tưởng” đến từ đâu?

Không một vấn đề nào xảy ra mà không có nguyên nhân của nó. Để một người bắt đầu những suy nghĩ ngoại tình, chắc chắn phải có những nguyên nhân khiến nó bắt đầu. Vậy nó đến từ đâu?

  1. Từ cái nhìn. Đẹp để nhìn, không có gì là sai! Tuy nhiên, để nhìn một người đẹp, theo cách khiến chúng ta ham muốn người đó và bắt đầu suy nghĩ về những việc mình cùng làm với người đó (việc mà nhẽ ra chúng ta chỉ được thực hiện với người bạn đời của mình) thì chúng ta đã có tư tưởng ngoại tình với người đó rồi. Ưa thích cái đẹp không phải là sai nhưng để nó dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc thì nó là sai trái. Chỉ từ một cái nhìn rồi dẫn đến lòng ham muốn và kết cục sẽ là hành vi ngoại tình. 
    “Cãi bẫy của cái nhìn” không chỉ hiện hữu ngoài đời thực mà còn nhan nhản trên mạng internet. Đôi khi chúng ta không có ý định xem những thước phim đen nhưng nó cứ hiện ra trước mắt chúng ta khi chúng ta đang lướt web, đang đọc báo, đang xem phim … Và cũng từ cái nhìn đó, nếu chúng ta không giữ mình thì những ham muốn của tính dục, chúng ta sẽ không kiểm soát được và ngoại tình tư tưởng xảy đến.
  2. Khi những mối quan hệ giữa vợ chồng không còn được hòa thuận. Cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng êm đẹp trôi như dòng sông tĩnh lặng. Có những lúc nó cũng nổi những cơn sóng gió vô cùng dữ dội. Và trong những lúc khó khăn là lúc con người yếu đuối nhất, dễ sa vào những cám dỗ nhất. Hãy thử tưởng tượng, nếu một người chồng đang bất mãn về cuộc hôn nhân với vợ mà lại có một người nữ khác đến với anh ta, nghe anh ta chia sẻ, đồng cảm với anh ta thì lúc đó anh ta có siêu lòng vì người đó hay không? 
    Đôi khi một cuộc hôn nhân lại không đổ vỡ vì những cãi vã mà chỉ đơn thuần là không thể tương giao, trò chuyện với nhau. Người nữ có nhu cầu rất lớn muốn được chia sẻ, tâm tình nhưng người nam thường bỏ qua việc lắng nghe vợ mình nói khi đã là vợ chồng và mối quan hệ cứ dần xa cách kể từ đó. Và sự xa cách, thiếu hòa thuận sẽ dẫn tư tưởng con người ta đến những suy nghĩ sai trái. Có thể ban đầu chỉ là suy nghĩ cần tìm một người để sẻ chia, nhưng rồi đến khi sự cảm thông chia sẻ đã khiến họ được thỏa lòng, họ lại nghĩ đến việc tiến xa hơn với người không phải bạn đời của mình.
  3. Không thỏa lòng trong hôn nhân. Tư tưởng ngoại tình thường xảy đến khi một người không cảm thấy thỏa lòng với người bạn đời của mình. Một khía cạnh khác, phim ảnh, truyện ngôn tình khiến một phần lớn các bạn trẻ có một “ảo tưởng” về hôn nhân. Họ nghĩ rằng hôn nhân là màu hồng, là vô cùng đẹp đẽ và bay bổng, “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”… Nên khi bước vào thực tế, khi ở cùng nhau, mọi thứ không được như họ nghĩ khiến họ thất vọng và sinh ra chán nản. Rồi con mắt họ nhìn vào người khác, nhìn vào cuộc hôn nhân khác, nghĩ rằng người khác tốt hơn người bạn đời của mình và ngoại tình trong tư tưởng lại bắt đầu.
  4. Quan điểm về sự chung thủy trong hôn nhân đã thay đổi. Ngày trước, khi ông bà, bố mẹ của chúng ta bước vào hôn nhân, họ có trong đầu mình suy nghĩ rằng sẽ chung sống với người này trọn đời. Ly hôn thời đó là điều đáng xấu hổ và bị chỉ trích gay gắt. Nhưng ngày nay, khi xã hội bắt đầu thoải mái hơn với những cuộc ly hôn thì quan điểm của con người ta về sự chung thủy cũng không còn đúng đắn nữa. Nhiều bạn trẻ thường nói rằng “cưới nhau về, sống được thì sống, không được thì chia tay”. Chính suy nghĩ đó đã cho phép bản thân họ sống một cách ích kỷ, không chịu vun đắp hôn nhân mà chỉ chờ người kia đáp ứng nhu cầu của mình.Và cũng từ những lối suy nghĩ “thoáng” đó mà dẫn đến suy nghĩ “tôi có thể ngoại tình, có sao đâu?”
  5. Sự ảnh hưởng từ những cuộc trò chuyện thiếu nghiêm túc. Ngày nay, trong mỗi cuộc trò chuyện ở các cơ quan, trên bàn ăn, trong phòng nhậu, những câu chuyện thiếu nghiêm túc về chuyện nam nữ thường xuyên được đề cập tới. Nếu bạn là người đã ở trong những môi trường này chắc chắn bạn sẽ hiểu. Đôi khi chúng ta chẳng tin vào những điều nhảm nhí, tục tĩu đó nhưng cứ nghe mãi, nghe mãi thì cuối cùng điều đó lại đi vòng lòng chúng ta từ lúc nào không biết. Những lời bông đùa, thiếu nghiêm túc về cuộc sống hôn nhân, mối quan hệ nam nữ từ lúc nào đã vào trong suy nghĩ, vào trong lòng và khiến chúng ta chấp nhận điều đó.
Nguồn: Pexels

Ngoại tình trong tư tưởng sẽ dẫn đến hậu quả gì?

Hậu quả đầu tiên và nhãn tiền của việc ngoại tình trong tư tưởng đó là sự đổ vỡ trong mối quan hệ vợ chồng. Khi tâm trí của chúng ta không còn chuyên tâm đến cuộc hôn nhân của mình thì chắc chắn chúng ta sẽ không vun đắp, không xây dựng mà thay vào đó là sự phá vỡ. Dần dần, tình yêu ban đầu của vợ chồng không còn, cuộc sống hôn nhân không còn hạnh phúc và ly hôn chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Nhưng nếu nhìn xa hơn, hậu quả của ngoại tình trong tư tưởng còn dẫn đến ảnh hưởng tới con cái của chúng ta nữa. Sẽ ra sao nếu những đứa con nhìn thấy cảnh ly hôn của cha mẹ mình? Phần lớn những đứa trẻ đó sẽ có cái nhìn sai lệch về cuộc sống hôn nhân, chúng sẽ phải chịu những tổn thương và không còn muốn bước vào hôn nhân nữa. Có những bạn trẻ phải chứng kiến cuộc ly hôn của cha mẹ để rồi sau này lại phải chứng kiến cuộc ly hôn của chính mình.

Nếu nhìn vào những hậu quả có thể xảy ra cho mối quan hệ vợ chồng, cho con cái của mình khi ngoại tình trong tư tưởng xảy ra, tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ đến việc làm sao để tránh xa nó, đừng nuôi dưỡng nó trong tâm trí của mình để rồi dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Hãy cẩn trọng với những thứ chúng ta xem, học cách biết quay đi trước những hình ảnh gợi dục từ tivi, quảng cáo, mạng xã hội. Hay như, phải biết kỷ luật chính bản thân mình để giữ tâm trí, tấm lòng mình được trong sạch. Những sự ngoại tình, mối quan hệ sai trái, những lời nhảm nhí, tục tĩu cũng không nên tiếp tục là những điều được nhắc đến trong những cuộc trò chuyện.

Nếu mỗi người trong chúng ta cố gắng một chút, trân trọng cuộc hôn nhân của mình một chút, giữ mình một chút thì tôi tin mỗi gia đình sẽ có được hạnh phúc như đáng phải có, những đau đớn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ con cái cũng sẽ không còn. Hãy biết quý trọng hôn nhân mà mình có được, bạn nhé!


Bởi Quỳnh Mai

Nếu bạn có những trăn trở cần chia sẻ và lắng nghe, hãy liên lạc qua email, trò chuyện hoặc gọi ngay cho tư vấn viên của chúng tôi!

Những thời gian chất lượng trong quan hệ vợ chồng

Vợ chồng dành thời gian cho nhau

Khi còn là những đôi bạn trẻ đang trong thời gian yêu và tìm hiểu lẫn nhau, thông thường các cặp đôi luôn cố gắng tìm kiếm và dành nhiều thời gian chất lượng cho nhau. Tuy nhiên, cho tới khi đã kết hôn, vợ chồng mỗi ngày đều gặp nhau, những bộn bề trong cuộc sống đã khiến các cặp vợ chồng thường lãng quên đi khoảng thời gian này. Có lẽ vì đã ở bên nhau hàng ngày nên họ không còn trân trọng những giây phút được bên nhau cùng chia sẻ nữa. Điều này khiến mối quan hệ giữa vợ chồng sau một khoảng thời gian sẽ có khoảng cách và nỗi cô đơn sẽ ập đến trong mối quan hệ vợ chồng dù thường xuyên ở bên nhau.

Nhắc đến nỗi cô đơn trong cuộc sống vợ chồng có vẻ như một điều gì đó thật kỳ cục. Hai vợ chồng vẫn ở cạnh nhau mỗi ngày, vì sao lại cô đơn? Nhưng không, nỗi cô đơn này xuất hiện không phải là do bạn không có một người ở bên cạnh mà bởi dù có người ở bên nhưng không thể sẻ chia và đồng cảm với nhau. Vì vậy, giữa mỗi cặp vợ chồng, dành bao nhiêu thời gian cho nhau không quan trọng bằng việc dành thời gian chất lượng cho nhau như thế nào. Trong bài viết này, sẽ đưa ra cho bạn một số gợi ý để có được những thời gian chất lượng cần có trong quan hệ vợ chồng.

1. Mỗi ngày, hãy dành thời gian cho nhau cùng ngồi lại và chia sẻ.

Trong hôn nhân, khi hai người đã trở nên một gia đình thì mối tương giao giữa vợ chồng với nhau để hiểu nhau là vô cùng quan trọng. Vì vậy, mỗi ngày, vợ chồng hãy lên kế hoạch để dành cho nhau những thì giờ cùng ngồi lại, đôi khi để cùng trò chuyện, cùng mơ ước, cùng cười đùa vui vẻ, cùng lên kế hoạch … Trong thì giờ này, hãy gạt đi những lo lắng, công việc, bộn bề cuộc sống mà tập trung vào việc lắng nghe và chia sẻ với người bạn đời của mình. Đó là những khoảng thời gian vô cùng quý giá để xây dựng mối quan hệ vợ chồng.

2. Không điện thoại và mạng xã hội

Có những cặp vợ chồng đưa nhau tới những quán cà phê, cùng nhau đi du lịch nhưng đôi mắt của họ chỉ nhìn vào màn hình điện thoại, họ trò chuyện với nhau như những người vô hồn. Do đó, một điều kiện vô cùng quan trọng để có được một khoảng thời gian chất lượng bên nhau đó là vợ chồng hãy bỏ chiếc điện thoại xuống, nhìn vào mắt nhau và chia sẻ với nhau một cách chân thành.

3. Ưu tiên dành thời gian cho vợ/chồng trước những công việc khác.

Đôi khi chúng ta không thể hiểu được việc làm của mình. Chúng ta không làm những điều mình muốn làm mà lại đi làm những công việc không thực sự cần thiết. Bởi lý do đó, để dành được thời gian chất lượng bên nhau, chúng ta cũng cần phải kỷ luật chính bản thân mình, ưu tiên dành thời gian cho người bạn đời của mình trước những công việc không quan trọng khác. Việc lên kế hoạch và cùng nhau thực hiện là vô cùng quan trọng vì không điều gì ngẫu nhiên mà thành.

Nguồn: Pexels

4. Hãy sử dụng những ngôn ngữ phù hợp.

Có một câu châm ngôn nói rằng “Lời đáp êm dịu làm nguôi cơn giận, lời xẳng xớm thì trêu cơn thịnh nộ”. Khi đã bước vào mối quan hệ vợ chồng, đôi khi chúng ta quên mất việc dành cho nhau những lời nói êm dịu và ngọt ngào. Những cuộc trò chuyện giữa vợ chồng trở nên những cuộc đối thoại cộc lốc, khô khan, thiếu tình yêu thương. Vì vậy, trong những khoảng thời gian chất lượng bên nhau, đừng quên thể hiện tình cảm với nhau, dành cho nhau những lời yêu thương ngọt ngào.

5. Yêu thương và cùng xây dựng.

Thông thường người Việt Nam có quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Tuy nhiên, nếu chỉ một người xây dựng, giữa vợ chồng luôn tách bạch mọi thứ có thể dẫn đến hậu quả anh lo việc anh, tôi lo việc tôi, và dường như ngôi nhà và gia đình không phải là điều mà cả hai cùng quan tâm xây dựng. Những người chồng sau khi đã kết hôn, thường quên đi việc yêu thương và nâng niu người vợ đã cưới của mình. Hãy dành cho vợ những thời gian nghỉ ngơi khỏi những công việc nhà lúc nào cũng ngổn ngang. Còn những người vợ, cũng đừng quá ỷ lại vào chồng, hãy là một người nữ khôn ngoan biết vun đắp và xây dựng gia đình của mình. Hãy cứ siêng năng trong công việc nhà, cùng chồng lo tưởng đến những công việc chung (kể cả những việc lớn, vì những việc lớn thì mới cần cùng nhau gánh vác phải không nào?) Suy cho cùng, khi nếu bạn thực sự yêu thương vợ hay chồng mình, hãy làm cho người phối ngẫu mình những điều mình mong đợi nơi đối phương, đừng chỉ đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Vì như vậy, các cặp đôi mới thực sự có được thời gian chất lượng dành cho nhau.

Thời gian chất lượng trong mối quan hệ vợ chồng là vô cùng cần thiết để xây dựng một hôn nhân hạnh phúc. Mối quan hệ vợ chồng là một mối quan hệ nền tảng trong xã hội và gia đình cũng là một nền tảng vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng một con người. Chỉ có một gia đình hạnh phúc thì mới nuôi dưỡng được những đứa trẻ hạnh phúc. Và chỉ có những đứa trẻ hạnh phúc mới có thể tiếp tục lớn lên trở thành những công dân hạnh phúc. Vì vậy, dù có đang ở giữa bộn bề cuộc sống, hỡi những người chồng, người vợ – đừng quên dành thời gian chất lượng cho nhau nhé!


Bởi Quỳnh Mai

Nếu bạn có những trăn trở cần chia sẻ và lắng nghe, hãy liên lạc qua email, trò chuyện hoặc gọi ngay cho tư vấn viên của chúng tôi!