Thanh thiếu niên, một thế hệ trẻ được xem là tương lai, nhưng lại là một nỗi lo lắng của xã hội. Thanh thiếu niên ngày nay cảm thấy cô đơn hơn so với các nhóm tuổi khác, nghe có vẻ vô lý, nhưng đây lại là một thực tế. Thanh thiếu niên của chúng ta đang tìm kiếm điều gì?
- FOMO, “Nỗi sợ bỏ lỡ” – làm sao đối phó?
- Chúng ta phải chăng là những người con hoang đàng?
- “Con nhà người ta” là ai mà làm cho “con nhà mình” khổ?
Một lứa tuổi mới lớn với những thay đổi về tâm sinh lý, suy nghĩ có phần ngông cuồng, thiếu kiểm soát bản thân. Một thế hệ mới bước vào đời, còn non nớt với những va vấp. Nhưng lứa tuổi này đang thiếu vắng người lắng nghe chúng, định hướng và dẫn dắt chúng qua những khó khăn trong học hành, trong tình cảm, trong gia đình, trong trong đạo đức, trong sự nghiệp.
BBC đã thực hiện một cuộc khảo sát với 55.000 người trên thế giới và 4/10 người trẻ từ 16-24 tuổi khá cô đơn. Họ miêu tả bản thân mình bằng những từ ngữ: không được cảm thông, hay buồn, sợ bị bỏ lỡ, không có người để chia sẻ, cảm thấy bị tách biệt.
Sống giữa xã hội hiện đại, thế nhưng những thanh thiếu niên lại bị thiếu đi sự cảm thông, không có người để chia sẻ,… Vòng xoáy bận rộn của nhịp sống đã cuốn lấy chúng ta và rồi vô tình lại quên đi một thế hệ cũng đang phải rơi vào vòng xoáy cuộc đời nhưng không thể tìm được lối thoát.
Qua các cổng thông tin đại chúng, chúng ta đau lòng khi đọc hay xem dòng tin về một người trẻ tự tử vì áp lực gia đình. Một video clip đăng tải việc một cậu bé thiếu niên ở Trung Quốc tự tử vì những mâu thuẫn với mẹ. Chúng ta không biết họ đã nói gì với nhau, nhưng cậu thiếu niên này đã mở cửa xe ô tô và nhảy ngay xuống sông, kết thúc cuộc đời của mình ở tuổi 17. Người mẹ lúc đó cũng chạy theo, nhưng rồi ta thấy được là những cái đấm tay xuống đường, khóc lóc. Người lớn đã từng là một thanh thiếu niên, nhưng một thanh thiếu niên chưa từng là người lớn.
Tháng 3 trong năm, có sự kiện tiến sĩ Park Ork Soo, một diễn giả và chuyên gia sáng lập Hội Liên Hiệp Thanh Niên Quốc tế (IYF) đến thăm Việt Nam. Ông Park Ork Soo chia sẻ về câu chuyện của một người mẹ đơn thân, chủ của một chuỗi cửa hàng phát đạt đến cầu xin ông giúp đỡ cho cậu con trai của bà thoát khỏi ma túy. Bà là một người mẹ rất yêu thương con trai mình, chăm lo cho cậu những điều tốt nhất. Người mẹ này nghĩ rằng làm vậy sẽ khiến cho con bà trở nên xuất sắc. Nhưng không, con bà đã trở nên nghiện ma túy, còn thì bà không thể nắm bắt được thế giới nội tâm của con mình.
Ngày nay, việc thanh thiếu niên nghiện chơi game, xem quán internet là nhà không còn quá xa lạ. Thế nhưng, mỗi khi nghe báo đài đưa tin những tình trạng này, chúng ta có đặt câu hỏi “tại sao?”. Tại sao chúng lại xem quán internet là nhà trong khi tất cả đều có nhà để về? Tại sao chúng lại thích đối diện, hòa mình vào thế giới ảo trong game hơn là trò chuyện với ba mẹ, người thân? Phải chăng gia đình không mang lại được những điều chúng cần? Không phải tiền bạc, vật chất,… nhưng là tấm lòng bên trong của các em mà những người làm cha mẹ chưa hiểu. Chúng sử dụng ma túy để tăng thêm sự hưng phấn khi chơi game, dễ hòa mình vào nhân vật ảo. Khi đã lún quá sâu, để có tiền thỏa mãn nhu cầu của mình, chúng lại vi phạm pháp luật và điều đáng nói là tội phạm ngày càng trẻ hóa, thậm chí chưa đến tuổi vị thành niên.
Những ngày nay, các tin tức truyền thông đưa tin về vụ án một tài xế grabbike bị sát hại khi chỉ mới 18 tuổi. Hai nghi phạm còn khá trẻ, một người 19 tuổi, không nghề nghiệp ổn định và người còn lại là 24 tuổi, đã có tiền án về tội mua bán người. Chúng đã dùng dao găm đâm nạn nhân và lấy đi chiếc xe máy. Điều chúng ta đau xót chính là cậu sinh viên, tài xế grabbike chỉ mới nhập học được một tháng, vì đồng tiền kiếm thêm mà đã mãi dừng lại ở tuối 18.
Bạo lực học đường và tại sao các em học sinh lại thích đánh nhau chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Vào độ tuổi này, tâm sinh lý các em thay đổi là điều tất yếu và các em cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi của người thân trong gia đình từ nhỏ. Giả sử, nếu cha mẹ các em hay cãi vã, to tiếng với nhau thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các em. Gia đình thiếu sự quan tâm, các em giao lưu với bạn bè xấu thì làm hư thói nết tốt. Đánh nhau là hành động để các em được thỏa mãn một phần hay điều gì đó ẩn sâu trong chính tâm hồn bị tổn thương bởi gia đình hay yếu tố bên ngoài. Nhưng, liệu những hành vi đó có giúp các em được thỏa mãn?
Nhiều bạn trẻ yêu thích dùng mạng xã hội và chờ đợi những lượt thích từ thông tin mình đăng tải hoặc thậm chí là lướt facebook cách vô định. Thế giới trong điện thoại có gì khiến nhiều bạn trẻ bị thu hút và quên rằng ta đang sống ở một đời thật?
Tại sao thanh thiếu niên ngày nay lại dễ dàng bị nghiện vào thế giới ảo? Trong đó có gì thu hút khiến các em phải tìm kiếm, rồi nhận lại được gì? Nhiều thanh thiếu niên đã dừng lại ở tuổi đời rất trẻ. Các em rơi vào nạn ma túy,… Thanh thiếu niên đang tìm kiếm điều gì? Các em đang tìm để khỏa lấp điều gì? Các bậc phụ huynh có đang hiểu về điều gì đang trống vắng bên trong các em?
bởi Nguyễn Trường
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?