Láng giềng – đóng cửa, có đóng tình người?

Sống trong thành phố, đô thị ngày nay có lẽ ít ai hiểu được đúng nghĩa về cụm từ “tình làng nghĩa xóm” mà người Việt trước đây vẫn hay nhắc đến. Làng xóm đối với người Việt Nam trước đây là nơi sinh ra, lớn lên, có quan hệ đến việc hình thành tính cách của mỗi con người. Nói đến làng xóm là nói đến tình nghĩa là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đã dần làm phai nhạt đi cái tình, cái nghĩa trong mối quan hệ hàng xóm với nhau.
Cách đây khoảng một chục năm trở về trước, khi cùng sống trong một ngõ phố, hầu như nhà nào cũng biết nhau, những đứa trẻ trong ngõ vui chơi với nhau cả ngày, là những người bạn thân thiết, người cùng ngõ đi ra ngoài gặp nhau là nở nụ cười vui vẻ, sáng sáng hoặc chiều tối rủ nhau đi thể dục thể thao, nhà ai thiếu thốn cái gì đều có thể tới nhờ nhà hàng xóm cho “mượn chút ít”… Thế nhưng ngày nay khi trở về cùng khu phố đó, người ta không còn nhiều sự quan tâm tới nhau đến như vậy nữa. Gia đình nào cũng bắt đầu ngày mới một cách hối hả với việc ăn, việc học, việc làm của mỗi thành biên trong gia đình và kết thúc một ngày khi đã mệt lử, về nhà, tắt đèn, đóng cửa ở trong. Cứ dần dần như thế, tình cảm giứa những người hàng xóm với nhau ngày càng mờ nhạt đi. Điều này còn rõ rệt hơn khi bạn là một người sống trong các chung cư, các khu đô thị… hầu như chỉ nhà nào đóng cửa biết nhà đó với nhau mà thôi. Các mối quan hệ hàng xóm hầu như không được nhắc tới, chỉ có những mối quan hệ với xã hội bên ngoài được ưu tiên hơn. Thậm chí, trong những khu chung cư, những nhà sống sát vách nhau có khi cũng không biết nhau là ai nữa.
Thực ra, tình làng nghĩa xóm ngày nay chúng ta vẫn có thể tìm được nơi một số làng quê nông thôn. Trong cùng một làng, chuyện của nhà đôi khi trở thành chuyện của cả làng. Rõ nhất là khi có hữu sự, chẳng cần gia chủ đánh tiếng mời gọi, ai cũng hiểu và tự giác đến giúp một tay cho thêm phần xôm tụ. Đàn ông, thanh niên thì chia nhau dựng rạp, đốn tàu lá dừa nước, bắt mâm bàn. Còn các cô, các dì lo phần bếp núc, trẻ con thì cắt lá chuối và các bà thì đãi vỏ đậu, gói bánh… Có câu: “Cơm ăn không hết thì treo/ Việc làm chẳng hết thì kêu xóm giềng”, nhưng đâu cần kêu réo, tất cả đều giúp nhau không toan tính. Đến khi nhập tiệc, bà con còn thể hiện cái tình, cái nghĩa bằng những lời chúc tốt đẹp thông qua những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”…

Nguồn: Unsplash

Hai lối văn hóa cư xử giữa những người cùng làng với những người cùng sống chung trong một khu phố có những điểm khác nhau, mỗi lối văn hóa đều có phần tích cực và tiêu cực của nó. Với lối văn hóa tại làng quê, con người cởi mở với nhau, cần giúp đỡ cũng thật dễ dàng thế nhưng đôi khi những chuyện riêng của nhà lại bị cả làng đem ra bàn tán, rồi “tam sao thất bản”, câu chuyện riêng của gia đình trở nên không thể kiểm soát được. Còn với lối văn hóa cư xử của những người hàng xóm nơi khu phố, mỗi gia đình đều có không gian riêng tư nhưng tình cảm, sự giúp đỡ lẫn nhau lại khó có thể tìm thấy được. Vậy cái nào là quan trọng hơn? Sự riêng tư cần có hơn hay tình cảm hàng xóm, tình người với nhau là điều cần tiếp tục duy trì hơn?
Không gian riêng tư với mỗi một người là điều quan trọng tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta hạn chế giao lưu, chia sẻ và kết thân với những người lân cận mình bằng cách ở đâu thì đóng cửa nhà mình biết mình ở đó. Chỉ cần chúng ta tự biết giới hạn những vấn đề của gia đình mình, đừng quá làm to chuyện để cả làng cả xóm biết chuyện riêng của nhà mình. Nói gì đi nữa, dù ở đâu hay trong môi trường nào thì cái “tình” giữa người với người vẫn là điều quan trọng và cần được phát triển. Suy cho cùng, hàng xóm vẫn là những người hàng ngày sống quanh chúng ta, tại sao chúng ta không dành cho họ những tình cảm yêu mến, không sẻ chia cùng họ những lo toan trong cuộc sống? Nếu có những người hàng xóm yêu mến lẫn nhau, chẳng phải khi khó khăn xảy đến, họ sẽ là những người ở bên giúp đỡ chúng ta hay sao? Thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta bị đau bệnh cần cấp cứu ngay thì những người hàng xóm ở bên cạnh là những người sẽ dễ dàng giúp đỡ chúng ta nhất. Hay khi đó chúng ta lại chờ đợi sự trợ giúp từ những người thân ở nơi xa. Điều này có lẽ những người sống xa nhà sẽ là những người hiểu nhất. Khi ở xa gia đình, không có người thân bên cạnh, bạn sẽ hiểu tình nghĩa hàng xóm là vô cùng quan trọng. Họ sẽ là những người ở gần, giúp đỡ và cùng chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống với chúng ta, đôi khi còn hơn cả những người thân của chúng ta ở nơi xa nữa. Vì vậy, thay bằng “đóng cửa đóng tình người” chúng ta hãy thay đổi, cởi mở hơn với những người hàng xóm lân cận của mình, yêu thương, san sẻ cùng nhau để có được những mối quan hệ tốt, để dù là ở khu phố hay khu chung cư thì tình cảm yêu mến giữa những người sống lân cận nhau vẫn được duy trì.

bởi Quỳnh Mai

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *