Trong thời kỳ khủng hoảng, bạn chỉ được chọn một: hoặc tạo thêm nan đề, hoặc góp phần giải quyết vấn đề. Để có thể giải quyết vấn đề, bạn cần nhiều hành động hơn là chỉ tìm kiếm câu trả lời. Nó bao gồm cách bạn tiếp cận cuộc khủng hoảng, cách bạn quản lý phản ứng của mình và cách bạn cư xử với người xung quanh.

Tôi viết bài này khi thế giới đang đối mặt với đại dịch. Coronavirus mới này lây lan nhanh chóng kèm theo đó là gia tăng những điều không xác thực và mối nghi ngờ. Hầu hết mọi người không thể suy nghĩ hay hành động đúng đắn khi bị căng thẳng hoặc hoảng loạn. Thế còn bạn? Bạn đang góp phần vào căng thẳng và hoảng loạn? Hay bạn đang lan truyền sự trấn an và khích lệ? Phản ứng của bạn ảnh hưởng rất nhiều đến mọi người xung quanh.
Những cảm xúc tích cực (như kính nể, hạnh phúc, thỏa lòng và biết ơn) thúc đẩy hệ thống miễn dịch. Cảm xúc tiêu cực và căng thẳng làm tăng cortisol, gây ức chế hệ thống miễn dịch. Vì vậy, bạn thực sự có thể làm cho thế giới trở thành một nơi lành mạnh hơn khi bạn kiểm soát phản ứng của mình và lan truyền niềm hy vọng cùng sự khỏe khoắn thay vì nỗi sợ hãi.
Dưới đây là 7 cách để làm điều đó:
1. Xây dựng khả năng miễn dịch với điều tiêu cực
Trước tiên hãy kiểm soát những gì diễn ra trong đầu của bạn. Khi bạn thấy mình đang suy tư về những lo lắng hoặc thất vọng, hãy nhẹ nhàng ra lệnh cho giọng nói trong đầu dừng lại và tìm một điều gì đó để phân tán bộ não của bạn. Hãy cẩn thận với cách sử dụng thời gian và cách nuôi dưỡng tâm trí của bạn. Có câu nói: “Suy nghĩ chính là kết quả của những gì bạn dung nạp vào”. Nếu mạng xã hội hoặc tin tức khiến bạn cảm thấy tức giận hay lo lắng, hãy chuyển sang một nguồn thông tin khác có tính gây dựng hơn.
Đừng để cảm xúc của người khác ảnh hưởng bạn. Đối với tôi điều này thật khó. Khi người mà bạn quan tâm có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, thật khó để không bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi bạn là người nhạy cảm, dễ cảm thông với người khác. Đừng cố gắng đồng hóa với cảm xúc của người khác. Hãy để họ cảm nhận đầy đủ cảm xúc của họ mà không biến nó thành cảm xúc của bạn.
2. Tươi cười
Gần đây, một người bạn của tôi chia sẻ rằng cô ấy tiếp nhận mọi việc với một chút suy xét và một chút hài hước. Tươi cười làm tăng tâm trạng và sức khỏe của bạn. Và nụ cười thường dễ “lây lan” với thông điệp rằng “chúng ta chung lưng đấu cật với nhau”. Chúng ta cần điều đó ngày nay. Không phải chúng ta tươi cười trong mọi tình huống. Tuy nhiên, một chút vui vẻ giúp mọi người giữ bình tĩnh và thư giãn.

3. Chia sẻ thông điệp tích cực
Căng thẳng có thể dẫn đến góc nhìn phiến diện, khiến bạn chỉ nhìn thấy nan đề và lỗi lầm. Hãy luôn nhớ động viên, khen ngợi và cảm ơn người khác. Những hành động nhỏ đó có càng ý nghĩa hơn trong thời gian khó khăn.
Chia sẻ thông tin với người khác cũng giúp truyền tải thông điệp tích cực. Thông tin đó có thể là trung dung, hoặc thậm chí là tiêu cực, nhưng hành động thông báo cho người khác bày tỏ rằng họ quan trọng và bạn không chỉ nghĩ về bản thân mình.
4. Luôn trong “tầm với” của nhau
Trong trường hợp của loại virus này, mọi động chạm (dù chỉ là khuôn mặt của bạn) cũng không được khuyến khích. Cách ly xã hội đang được thúc mạnh, nhưng tôi thích mệnh đề ‘cách ly thể chất’. Hãy giữ khoảng cách với người xung quanh, nhưng ĐỪNG xa cách với xã hội. Hãy tìm cách khác để kết nối: vẫy tay, mỉm cười, nói chuyện điện thoại, hay hẹn gặp nhau qua cuộc gọi video.
Luôn luôn có một điều gì đó bạn có thể biết ơn.
Thông thường, các cộng đồng gần nhau hơn khi đối mặt với một thảm họa. Trong tình huống hiện tại, mọi người đang quay lưng lại với nhau. Bạn cần phải làm như vậy về thể chất, nhưng hãy làm ngược lại về mặt xã hội. “Chúng ta không từ bỏ một ai. Chúng ta là tất cả những gì chúng ta có. Hãy luôn vững vàng, dũng cảm, tử tế. Yêu thương nhau. Và lan tỏa sự bình tĩnh”.
Và khi mọi việc trở nên ổn hơn (khi bạn ở nhà an toàn với gia đình khỏe mạnh của bạn, hoặc khi dịch bệnh này đã qua), một cái ôm hoặc một cái vỗ nhẹ vào lưng truyền đạt nhiều hơn mọi từ ngữ. Hồi thập niên 80 khi Công nương Diana đến thăm các nạn nhân AIDS, bà thực sự nắm tay họ mà không đeo găng tay, bà phá tan những quan niệm sai lầm tràn lan về căn bệnh này. Điều đó đã truyền đạt lòng trắc ẩn và hy vọng cho những người mà bà đến thăm và gửi một thông điệp đến toàn thế giới.
Ngay cả khi bạn không thể đến gần ai, cũng hãy giữ liên lạc.
5. Luyện tập lòng biết ơn
Chúng ta khó có thể biết ơn về mọi thứ (một đại dịch là một ví dụ tuyệt vời), nhưng chúng ta có thể biết ơn trong mọi khoảnh khắc, như là bày tỏ sự biết ơn với những người đang đối mặt với trở ngại khủng khiếp của dịch bệnh thay cho chúng ta. Luôn luôn có một điều gì đó bạn có thể biết ơn. Nhận ra những điều đó mang lại cho bạn sự bình yên và vững tâm. Và khi bạn chia sẻ những gì bạn biết ơn, bạn truyền lại những lợi ích của lòng biết ơn đối với họ.

6. Làm việc thiện
Bất cứ khi nào bạn lo lắng hay tức giận, hãy làm gì đó. (Đừng trút giận trên phương tiện truyền thông xã hội). Than phiền chỉ khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Nhưng một việc tốt giúp tăng sự tự tin, tâm trạng và thậm chí là sức khỏe của bạn! Nó giúp bạn giải thoát khỏi tâm trạng tồi tệ và cải thiện tình hình.
Ngay bây giờ, có nhiều cơ hội để làm việc thiện. Các bữa ăn từ thiện, nơi cứu trợ người nghèo, trại mồ côi… đều đang cần lượng lớn mạnh thường quân. Các bệnh viện vẫn cần máu từ những người khỏe mạnh. Hay đơn giản là mua thực phẩm giúp người hàng xóm khó khăn. Có rất nhiều cách để đóng góp.
Và đừng quên làm điều tốt cho chính mình. Ăn ngon, ngủ ngon và chăm sóc bản thân trong những lúc căng thẳng. Điều đó giúp ích rất nhiều trong việc kiểm soát phản ứng của bạn và lan truyền sự vững tâm.
7. Hít thở sâu
Hít thở sâu loại bỏ độc tố khỏi cơ thể và giải phóng năng lượng bình tĩnh vào hệ thần kinh của bạn. Nó tạo ra một bầu không khí an toàn cho những người xung quanh và gửi thông điệp rằng bạn đang kiểm soát tốt. Các kiểu thở cũng dễ lây lan. Vì vậy, hãy thở sâu giữa sự hỗn loạn; nó có thể thay đổi nhiệt độ cảm xúc của toàn bộ phòng, nhóm hoặc tổ chức.
Phản ứng căng thẳng quá là điều bình thường khi bạn gặp áp lực. Nhưng hiếm khi sự tức giận hay sợ hãi cứu vãn được tình hình. Thế giới cần bạn ở tình trạng tốt nhất. Với bảy lời khuyên này, bạn có thể cải thiện trạng thái cảm xúc của chính mình và tạo ra sự thay đổi tích cực trên thế giới.
Hãy chăm sóc bản thân! Chăm sóc người khác! Lan truyền sự tự tin, bình tĩnh, hy vọng, sức khỏe và cảm hứng!
Nguồn: Rachel Beohm
Dịch: Janebie
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?