Tiền bạc và sự ích kỷ: Bạn có phải là nô lệ cho cái tôi?

Ảnh: Tony Rojas từ Unsplash

Đừng để tiền bạc và sự ích kỷ biến bạn thành kẻ mà bạn không hề muốn trở thành.

Tất cả chúng ta đều gặp rắc rối khi cố gắng trở thành kiểu người mà chúng ta mong muốn… và thậm chí chúng ta còn không nhận ra mình đang kiệt sức. Tiền bạc và sự ích kỷ có thể bẻ cong lương tâm và điều khiển cuộc sống chúng ta theo hướng sai lầm.

Mọi người liên tục đấu tranh với sự ích kỷ. Ích kỷ gây ra nhiều vấn đề trong cuộc sống. Càng lớn tuổi, bạn càng dễ dàng che giấu sự ích kỷ của mình đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng. Nhưng che giấu những tranh đấu trong lòng bạn không thể khiến chúng biến mất. Cách tốt nhất để xác định liệu bạn có đang bị sự ích kỷ điều khiển hay không: hãy xem cách bạn nghĩ về tiền bạc.

Sự thật là tiền bạc có thể biến chúng ta thành nô lệ của nó theo đủ mọi cách. Có những cách công khai, nhưng cũng có khi – giống như sự ích kỷ – lén lút và rất khó nhận ra, trừ khi bạn chịu nhìn nhận lại bản thân một cách nghiêm túc, trung thực.

Đúng vậy, ích kỷ, ki bo với tiền bạc của mình thì dễ, nhưng rộng lượng thì rất khó. Nếu bạn không có ý chí nỗ lực để trở thành người ban cho cách hào phóng, sự ích kỷ sẽ len ​​lỏi vào thái độ của bạn và biến bạn thành nô lệ của nó từ sâu thẳm đáy lòng lúc nào không hay.

Bạn nghĩ tôi đang phóng đại vấn đề? Dưới đây là năm dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang làm nô lệ cho sự ích kỷ. Hãy xem thử bạn có nhận ra điều gì “quen thuộc” trong cuộc sống mình không.

Ảnh: Geetanjal Khanna từ Unsplash

1) Bạn nghĩ thế giới này nợ bạn.

Bạn tin rằng mình đặc biệt, xứng đáng được thưởng vì tài năng và khả năng phi thường của mình. Có thể bạn lớn lên trong sự thoải mái và giàu có, nên bạn muốn sống xa xỉ suốt đời. Khi gặp thử thách, bạn cảm thấy thế giới thật bất công. Đôi mắt bạn luôn sáng rõ khi thế giới bất công với mình, nhưng lại “mù lòa” làm ngơ trước những bất công đang diễn ra nhan nhản xung quanh.

2) Bạn sử dụng mối quan hệ để nhận lãnh, không phải để cho đi.

Bạn liên tục tìm đến các thành viên gia đình khi cần, để họ giúp bạn giải quyết khó khăn và đáp ứng nhu cầu của bạn. Nhưng bạn lại hiếm khi xuất hiện để giúp họ theo cách mà họ giúp bạn. Cách chọn bạn bè của bạn cũng có dụng ý riêng. Bạn chỉ xây dựng mối quan hệ với những người có thể mang lại lợi ích cho bạn hoặc giúp bạn tiến xa hơn. Bạn không có thời gian cho người vô ích với mình. Và không thành vấn đề khi phải “nghỉ chơi” với ai đó nếu bạn đã có cơ hội tốt hơn.

Ảnh: Stefano Pollio từ Unsplash

3) Bạn lờ đi những người có nhu cầu quanh bạn.

Bạn dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về cuộc sống riêng mình, đến nỗi không nhận ra nhu cầu của mọi người xung quanh. Bạn không quan tâm ai đang gặp khó khăn tài chính, không bao giờ đến thăm những khu khó khăn để thấy người ta nghèo đói như thế nào. Khi bạn thấy những hoàn cảnh nghèo khó trên tivi hay sách báo, bạn lập tức chuyển kênh hoặc lật trang. Khi nói về những người kém may mắn hơn mình, bạn nhanh chóng cho rằng những vấn đề của họ là do chính họ gây ra, và bạn trì hoãn không muốn nghĩ đến chuyện giúp đỡ họ.

4) Bạn biện minh cho việc mình kém rộng lượng.

Bạn biết cho đi là tốt, nhưng cũng nghĩ rằng mình có lý do chính đáng để không làm điều đó. Tâm trí tràn ngập những khó khăn của bản thân, bạn loại bỏ tiếng lòng mình kêu gọi sống rộng lượng. Bạn tự nói với bản thân rằng: mình sẽ cho đi khi mình được tăng lương lần tới, khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà, hoặc cho con cái vào đại học. Có rất nhiều người ngoài kia sẵn sàng cho đi, nên cứ để họ giúp đỡ người khác. Bạn đã có đủ khó khăn riêng rồi, không việc gì phải rước thêm rắc rối.

Ảnh: Max Bohme từ Unsplash

5) Bạn cho đi một cách công khai.

Việc cho đi không phải vấn đề khó khăn với bạn – thực tế bạn còn rất thích cảm giác đó. Bạn thích cảm giác khi mọi người biết chính xác bạn hào phóng như thế nào. Bạn tham dự mọi buổi đấu giá gây quỹ và hoạt động từ thiện, rất hứng thú với những cơ hội để thể hiện cho người khác thấy bạn là người tốt đẹp thế nào. Bạn mơ ước sẽ có một công trình công cộng được đặt theo tên mình với sự kính trọng, vì bạn đã cho rất nhiều tiền để xây dựng nó.

Ngừng làm nô lệ cho tiền bạc và sự ích kỷ

Nếu bạn thấy chính mình trong bất kỳ đặc điểm nào ở trên, thì rất có thể sự ích kỷ đang kiểm soát bạn nhiều hơn bạn muốn thừa nhận. Tôi đã mắc kẹt trong mỗi một thái độ ích kỷ trên vào những thời điểm khác nhau. Tham tiền bạc và ích kỷ lôi kéo tấm lòng tôi đến những nơi tăm tối.

Nhưng vẫn còn đó hy vọng, tôi đã khám phá ra chân lý rằng tôi là một bản thể có thể sống rộng lượng, nhân từ và vị tha. Tôi không tồn tại cho những ích kỷ này bởi tôi được tạo nên bằng tình yêu thương.

Hồng Nhạn dịch

Nguồn: godmoneyme.com

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *