Thờ cúng dường như là một văn hóa đã có từ xưa, điều đó được xem là một phong tục của người Việt Nam, một quốc gia có nhiều tôn giáo. Và khi nhìn rộng hơn thì việc thờ cúng là một hình thức thờ phụng của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ngày nay, thờ thần không chỉ giới hạn bởi việc thờ cúng một hình tượng mà còn là sự tôn sùng một hình mẫu ca sĩ, diễn viên,… của nhiều người.
- Thần tượng K-pop, Kim Jonghyun & bức thư tuyệt mệnh – trầm cảm đã “nuốt chửng” anh
- Chúng ta đang ảo tưởng về các thần tượng và hình mẫu?
- Tấm bằng Đại Học – bạn có đang thờ nó?

Thần tượng là một bức hình, bức tượng được đục đẽo từ đá, thạch cao hoặc một chất liệu nào khác để tạo thành một bức tượng và được thờ cúng. Dù những hình tượng đó được lưu truyền từ đời này sang đời kia, do tưởng tượng, có mang tính thực tế hay không thì đều mang đến cho con người một niềm tin nào đó.
Người Việt Nam vốn dĩ có truyền thống là nghề trồng lúa nước, xuất thân từ những người nông dân quanh năm với ruộng đồng nên nhà nào cũng có những bàn thờ được đặt ở ngoài trời, thường là phía trước sân. Có lẽ đây chính là hình thức thờ ông Thiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ được tốt tươi, cuộc sống được ấm no,… Bàn thờ ông Thiên được xem là sự kết nối tâm linh giữa Trời với người, nơi lưu giữ mối liên hệ với trời đất. Điều này tạo cho con người có niềm tin vào một thần nào đó được cho là có thật luôn ở trong tâm trí, tấm lòng của người tin.
Đó không chỉ đơn thuần là một phong tục tập quán, một văn hóa mà còn là một nhu cầu của con người mong muốn được bình an, làm ăn thịnh vượng và cuộc sống no đủ, dư dật cho thể xác lẫn vật chất. Việc thờ thần còn là một nhu cầu về mặt tâm linh, khao khát điều gì đó trong tiềm thức con người mà đôi khi không thể giải thích được và không điều chi đáp ứng được. Dù việc thờ cúng luôn diễn ra hằng ngày nhưng đâu đó nỗi bất an vẫn vây quanh con người, thậm chí có những người vẫn cứ sống trong nỗi buồn phiền, lo âu không lối thoát. Có thể đó là lý do con người luôn tìm cầu sự bình an và cảm thấy trống trải một điều gì đó, chưa thỏa mãn, vì thế vẫn cứ tìm cho chính mình.
Nhưng chúng ta có thật sự cảm thấy được thỏa mãn khi thờ bất cứ vị thần nào dưới hình dạng của một bức tượng được đục đẽo cách khéo léo dưới bàn tay con người? Không quá khó để chúng ta có thể tìm thấy một nơi sản xuất ra những bức tượng bằng những vật liệu như thạch cao, đá, gỗ,… với nhiều giá cả khác nhau tùy kích cỡ và chất liệu.
Một thực tế phủ phàng, nhiều lúc ra đường, ta vẫn thấy những bàn thờ ông địa, những bức tượng bị vứt ngoài bãi rác, bãi đất trống với những vết sơn đã bong tróc, nhiều vết nứt và thậm chí còn bị sứt mẻ. Phải chăng, những bức tượng đó đã cũ, hết giá trị sử dụng nên cần phải thay mới thì việc thờ cúng mới linh thiêng? Vậy sao chúng ta không trùng tu bức tượng khi thấy có những vết nứt, vết sơn bị bong tróc mà phải vứt đi rồi lại tốn tiền mua một bức tượng mới? Khi mua tượng về chúng ta đặt trên cao, thờ cách nghiêm trang, còn khi tượng đã cũ thì vứt đi cách không thương tiếc? Việc đó có giống với một đứa trẻ chơi xe điều khiển, lúc xe còn hoạt động tốt thì quý, còn khi hết dùng được thì vứt đi?
Dù cho được trọng dụng khi mới mua về hay bị vứt ngoài bãi rác thì những bức tượng đó vẫn luôn cười tươi, không tỏ vẻ oán trách điều gì cả. Cũng chẳng mấy khó hiểu, vì chúng được đục đẽo như thế, nên vẫn giữ được sắc thái biểu cảm như ban đầu. Chúng ta đặt đâu, tượng ngồi đấy, chúng không thốt lên bất kỳ một ý kiến hay đòi hỏi nào. Có bao giờ khi cúng thờ tượng, chúng ta nghe được tiếng của những bức tượng đó trước điều mình mong muốn? Vậy thì chúng ta đang thờ thần hay thờ tượng?
Thần tượng hiện nay còn được định nghĩa là idol – những con người với vai trò ca sĩ, diễn viên được mến mộ bởi phần đông người hiện nay, nhất là những người trẻ. Idol – họ cũng chỉ là những con người bình thường, nhưng sở hữu một ngoại hình, gương mặt hoặc một yếu tố nào đó thu hút người khác và điều đó khiến họ trở nên đặc biệt trong mắt nhiều người.

Tuy nhiên, không ít người đã hoàn toàn sụp đổ vì những soái ca hiện thân như một tượng đài hoàn hảo trong lòng người hâm mộ, nhưng lại phê pha sau cánh gà, bắt cá hai tay,… những cặp đôi nổi tiếng đáng ghen tỵ thì lại nhanh chóng tan vỡ sau đám cưới thế kỷ và rồi ngôn tình vẫn không có thật.
Dù có cố gắng để giống bất kỳ hình ảnh, phong cách của idol nào thì cũng chẳng thể đem đến cho chúng ta sự thỏa mãn. Bởi họ cũng là những con người, và vốn dĩ không ai là hoàn hảo cả. Tại sao ta lại kỳ vọng vào một con người bất toàn mà quên đi chính mình cũng là một con người cần cố gắng để tốt hơn mỗi ngày? Chúng ta có cố gắng, nhưng là cố gắng theo tượng đài mà idol chúng ta đã xây trước mắt và rồi sụp đổ khi tượng đài không còn.
Những bức tượng được tạo ra từ bàn tay con người và ấy chẳng phải chúng ta đang thờ vật mình làm ra sao, cũng giống như đang thờ chính mình. Tôn sùng idol nào đó thì cũng là thần tượng một con người. Con người thờ con người thì không điều chi có thể đem lại sự thỏa mãn về mặt tâm linh và luôn cần được một thần cao hơn để giúp đỡ. Vậy, chúng ta đang thờ thần hay thờ tượng?
Nguyễn Trường
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?