Tấm bằng Đại Học – bạn có đang thờ nó?

Nhiều học sinh, sinh viên tìm đến con đường tự tử không chỉ vì những áp lực trước việc học mà còn là sự vô tâm, lòng tham và ích kỷ của cha mẹ đối với con cái. Còn quá non trẻ để các em có thể gánh căn bệnh thành tích, những vô cảm, sĩ diện và hậu quả là những đau thương, hối hận cũng đã muộn.
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ngày tốt nghiệp đại học, một ngày trong số rất nhiều ngày đặc biệt trong cuộc đời của những ai đã từng là sinh viên. Cầm trên tay mình tấm bằng đại học như bao người bạn khác, không ai có thể che giấu được niềm vui sướng mà còn là niềm tự hào của gia đình. Từ giây phút đó, hành trình sinh viên chính thức khép lại, cuộc đời bước sang một ngã rẽ khác, “thất nghiệp” là khoảng thời gian mà ai cũng đã từng phải đối diện để rồi nhận ra bằng đại học đôi khi không là tất cả.

Nhiều bạn sinh viên khi ra trường phải đi làm trái ngành, đó là một câu chuyện quá đỗi bình thường và không còn xa lạ giữa xã hội hiện nay. Có thể là do không tìm được một công việc theo đúng chuyên ngành đã học, hoặc có thì không đủ kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu từ nhà tuyển dụng, sinh viên mới ra trường thì cái duy nhất có chính là kiến thức và tấm bằng đại học.

Cũng có thể là do muốn tìm một công việc theo đam mê, sở thích hơn là đúng với chuyên ngành. Thế thì chẳng phải là đã phí những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường sao? Không sao cả, dù bạn làm đúng chuyên ngành hay rẽ sang hướng đi khác thì những năm tháng đại học đã cho bạn trải nghiệm một thời sinh viên và kiến thức.

Nhiều bạn sinh viên không được quyền lựa chọn chuyên ngành mình thích, trường đại học mong muốn vì sự áp đặt từ phía gia đình. Nên khi tốt nghiệp, sự trưởng thành và bản lĩnh cho phép bạn tự quyết định con đường mình muốn đi.

Mặc dù sống trong xã hội hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều gia đình giữ nếp truyền thống, con cái phải luôn nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ. “Nghe dạ, bảo vâng” khiến cho những đứa con bị kìm hãm khả năng giải quyết vấn đề, tạo thói quen ỷ lại và không có sự trưởng thành trong cuộc sống. Điều đau khổ nhất chính là chúng mất đi sự tự do, không được làm điều mình mong muốn và rồi đến một lúc nào đó hậu quả sẽ không ai có thể ngờ được.

Ảnh bởi Sasha Freemind trên Unsplash

Cách đây hơn 10 năm, một gia đình vốn dĩ rất hạnh phúc trong mắt của nhiều người, họ có được những đứa con rất ngoan và lễ phép. Không ai có thể ngờ một ngày người con trai lớn đã giết chết mẹ ruột của mình. Cậu là một chàng sinh viên rất ngoan, giỏi và luôn nghe theo những sắp đặt của bà, nhất là trong chuyện học. Người mẹ luôn mong muốn con trai mình trở thành một bác sĩ để gia đình có được một địa vị tốt hơn trong xã hội. Nhưng việc làm này của bà đã vô tình đẩy đứa con của mình vào đường cùng và cậu không có quyền lựa chọn cho những mong muốn riêng. Trong một lần đang ngồi viết email thì người mẹ tiến đến, một cuộc xung đột xảy ra chỉ bà không cho phép cậu cãi lời và phải tiếp tục trở thành một bác sĩ. Vì tức giận nên cậu đã đặt tay lên cổ mẹ mình rồi siết mạnh, vài giây sau buông tay ra và nghe tiếng bà ho khan. Sau đó, cậu rồi khỏi căn hộ và ra xe ngủ suốt đêm. Sáng hôm sau khi quay lại thì thấy mẹ mình đã tử vong.

Đây không phải là một câu chuyện đau lòng duy nhất về sự áp đặt của cha mẹ lên con cái, những trường hợp tương tự cũng đã xảy ra và là hồi chuông cảnh báo đến các bậc làm cha mẹ. Có khi cái chết không phải không phải người cha, người mẹ mà là sự ra đi mãi mãi của một người con khi không chịu được áp lực từ phía gia đình. Tấm bằng đại học bác sĩ đã đổi lấy sinh mạng của người mẹ và cuộc đời của người con. Tấm bằng đại học, bạn có thờ nó?

Nhiều học sinh, sinh viên tìm đến con đường tự tử không chỉ vì những áp lực trước việc học mà còn là sự vô tâm, lòng tham và ích kỷ của cha mẹ đối với con cái. Còn quá non trẻ để các em có thể gánh căn bệnh thành tích, những vô cảm, sĩ diện và hậu quả là những đau thương, hối hận cũng đã muộn.

Mỗi mùa thi bao giờ chúng ta cũng nghe đến những học sinh, sinh viên bị bắt vì gian lận trong thi cử, mang tài liệu vào phòng thi dù biết điều đó là cấm. Hậu quả thì ai cũng có thể đoán được, đình chỉ thi là điều đã được cảnh báo trước và là hình phạt cho những em cố tình vi phạm. Đó cũng là một thực trạng không chỉ xảy ra trong mỗi năm mùa thi tốt nghiệp, đại học đến mà là trong mỗi mùa thi học kỳ đều có tình trạng gian lận, nhưng mức độ phạt thì không quá nặng nề vì quy mô nhỏ hơn.

Ảnh bởi Ben Mullins trên Unspash

Nhưng dường như tấm bằng đại học vẫn là thứ duy nhất trong mắt của nhiều người nếu muốn có một công việc thực sự tốt. Chúng ta vẫn còn nhớ đến trường hợp 44 thí sinh được nâng điểm ở kỳ thi THPT quốc gia, tiền bạc không thể mua được sinh mạng con người, nhưng có thể mua được điểm số và thậm chí là một tấm bằng đại học, vì suy cho cùng nó cũng chỉ là một tờ giấy.

Hiện nay, chỉ cần một bước tìm kiếm, chúng ta có thể thấy rất nhiều thông tin làm bằng tốt đại học trên các trang mạng xã hội. Liệu tấm bằng đại học lại dễ dàng có được và không cần phải tốn quá nhiều thời gian lẫn công sức cho việc học?

Thực tế, ngày nay bằng cấp không phải là một vấn đề quá lớn, tùy thuộc vào công ty và môi trường làm việc. Kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức luôn là điều quan trọng và cần thiết cho bất cứ công việc nào. Cầm bằng đại học trên tay bằng chính năng lực của bản thân sẽ khiến bạn có được niềm vui và bạn có quyền tự hào về điều đó. Đừng vì muốn có được tấm bằng đại học, rạng danh dòng họ mà phải đánh đổi, hy sinh mạng sống của người thân vì phục vụ cái danh đó thì vô nghĩa và chúng ta cũng chỉ đang thờ cái danh, cái bằng đại học.

Cha mẹ đừng vì danh của gia đình và cướp đi quyền sống của con cái mình. Hãy luôn lắng nghe những suy nghĩ và chia sẻ tâm tư với con mình. Cha mẹ đã cho con cái cuộc đời thì phải cho chúng được quyền sống với cuộc đời đó.

Nguyễn Trường

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *