Tại sao các ngôi sao Kpop dễ bị trầm cảm

Tại SEOUL, các ngôi sao K-pop sở hữu cuộc sống mà mọi thanh thiếu niên đều ganh tị vì vẻ hào nhoáng và lối sống xa hoa của họ. Nhưng bức thư tuyệt mệnh của nam ca sĩ đã tự tử, của nhóm SHINee, thể hiện những tranh chiến bên trong và cuộc sống của họ bị nghiền nát vì trầm cảm.
Ảnh bởi Tuổi Trẻ

Trong thư, Jonghyun đã viết: “Trong tôi mọi thứ đã vỡ vụn. Căn bệnh trầm cảm gặm nhấm tôi, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi. Và tôi không thể nào chống lại nó.

Tuy tự tin và tươi cười trên sân khấu, nhưng nhiều thần tượng K-pop, bao gồm Jonghyun, đã công khai chứng căng thẳng và trầm cảm mà họ luôn phải chịu đựng.

Cô gái Choa thuộc nhóm nhạc nữ AOA đã rời nhóm vì lý do trầm cảm và mất ngủ lâu ngày. Hani – thành viên nhóm EXID chia sẻ rằng cô đang lên kế hoạch để trở thành cố vấn sức khỏe tâm thần trong tương lai, với hy vọng giúp đỡ các thực tập sinh thường xuyên phải trải qua căng thẳng nghiêm trọng.

RM thuộc nhóm nhạc nam BTS từng cho biết: “Tôi đã từng suy nghĩ về một bình luận ác ý trên mạng: ‘Tôi không thích anh chàng này’. Chắc người đó thậm chí không hề nghĩ ngợi gì và chỉ cần 5 giây để gõ bình luận, nhưng tôi thì bị chìm trong mớ suy nghĩ suốt 5 giờ đồng hồ.”

Các chuyên gia cho rằng những người nổi tiếng thu hút sự chú ý của công chúng rất dễ bị trầm cảm vì nhiều lý do.

Kim Byung Soo, bác sĩ tâm thần tại Trung tâm y tế Asan có nhiều bệnh nhân là người nổi tiếng, cho rằng các trạng thái cảm xúc không ổn định và tách biệt danh tính là nguyên nhân chính khiến họ thường bị trầm cảm. Ông Kim nói “Các nghiên cứu tâm lý đã cho thấy những người nổi tiếng tham gia hoạt động sáng tạo và nghệ thuật có khả năng mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Những người trong các ngành này dễ bị thay đổi tâm trạng và cảm xúc hơn người khác, đây là những yếu tố dẫn đến trầm cảm”

Bác sĩ Kim cũng cho biết người của công chúng phải trải qua sự tách biệt danh tính, một con người nhưng phải phân ra hai danh tính: “xã hội” và “thực tế”. Khi khoảng cách ngày càng lớn, do sự tăng trưởng không cân bằng của cái tôi “xã hội” được nuôi dưỡng bằng sự nổi tiếng vượt hơn ‘thực tế’, họ có thể mất đi bản chất thật sự của mình và phải phụ thuộc vào chiếc mặt nạ họ che đậy bên ngoài. Và một lúc nào đó họ sẽ tan nát bởi chính chiếc mặt nạ của mình.

Tranh của George Douglas

Một số nhóm nghệ sĩ K-pop, bao gồm Jonghyun, T-ara Jiyeon và Girl’s day Minah từng thú nhận cảm giác bị mất đi bản chất khi nỗ lực phục vụ công chúng.

Ông Kim nói rằng bước dẫn đến trầm cảm tiếp theo là sự cô lập – “tách rời khỏi mọi mối quan hệ của bản thân có trước đây”.
Bác sĩ Kim nói tiếp “Trở thành người nổi tiếng giống như băng qua một dòng sông mà bạn không bao giờ có thể quay trở lại. Một số người nghĩ rằng người nổi tiếng luôn được đám đông vây quanh, nhưng thật sự quan hệ cá nhân của họ rất hạn chế và ít ỏi. Rất khó để họ có mối quan hệ nghiêm túc với người khác, vì họ có xu hướng phòng thủ, cho rằng mọi người thích mình chỉ vì ngoại hình và danh tiếng. Điều đó khiến họ cô đơn và tự cô lập, ngay cả với bạn thân và gia đình.”

Park Sang Hee là bác sĩ tâm thần thuộc Trung tâm Tư vấn Sharon, cũng là thành viên nhóm nhạc nữ vào những năm 1990, cho ​​rằng người nổi tiếng thường bị trầm cảm vì cuộc sống không ổn định và cô lập.

Ảnh bởi pose.vn

Tuy người nổi tiếng rất dễ mắc bệnh tâm thần, nhưng họ phải hạn chế tiếp cận điều trị do sợ ảnh hưởng đến danh tiếng. Theo bác sĩ Kim, hầu hết người nổi tiếng bị trầm cảm rất ngại đến phòng khám tâm thần vì sợ bị nhận ra. Một số công ty quản lý K-pop lớn có tư vấn tâm lý nội bộ riêng cho các nghệ sĩ của họ.
Bác sĩ Kim nói tiếp “Chúng tôi không được tiết lộ thông tin bệnh nhân, nhưng thật sự có nhiều người nổi tiếng đang bí mật gặp bác sĩ, và nhiều người vẫn còn che giấu bệnh tâm thần của mình”.

Quản lý của một nghệ sĩ K-pop giải thích rằng rất khó để bảo vệ các nghệ sĩ khỏi căng thẳng dù có cố gắng theo dõi tình trạng của họ nhiều nhất có thể. Ông nói rằng ngôi sao K-pop không thể nào chạy trốn khỏi áp lực phải sống theo tiêu chuẩn của công chúng, đặc biệt là khi họ đã nếm mùi danh tiếng.
”Chúng tôi cố gắng an ủi họ bất cứ khi nào họ trông chán nản, nhưng thật khó để bảo vệ các nghệ sĩ khỏi căng thẳng. Ví dụ, bạn cho rằng họ quá bận rộn để đọc những bình luận về mình trên mạng, nhưng họ đọc tất cả đấy.”

Nguồn: www.asiaone.com
Hồng Nhạn dịch

Thần tượng K-pop, Kim Jonghyun & bức thư tuyệt mệnh – trầm cảm đã “nuốt chửng” anh

Bức thư tuyệt mệnh của ngôi sao K-pop Kim Jong-hyun – cựu ca sĩ nhóm SHINee nổi tiếng với nghệ danh Jonghyun – tiết lộ những vật lộn khốc liệt của anh với chứng trầm cảm trước khi qua đời. Cái chết của thần tượng âm nhạc này khiến hàng triệu fan hâm mộ trên thế giới sốc nặng

Ảnh : Kenh14.vn

Bức thư dài đầy đau đớn của Jonghyun được bạn thân của anh đăng trên Instagram – Jang Hee-yeon, có nghệ danh Nine9, thuộc nhóm nhạc Dear Cloud.
Trong tôi mọi thứ đã vỡ vụn. Căn bệnh trầm cảm gặm nhấm tôi, cuối cùng cũng đã nuốt chửng tôi. Và tôi không thể nào chống lại nó”

Nine9 rất phân vân liệu có nên công khai bức thư hay không, nhưng cuối cùng cô quyết định đăng nó sau khi xin phép gia đình Jonghyun. Mở đầu bài đăng trên Instagram là những lời tiếc thương cô dành cho bạn mình. Jonghyun từng chia sẻ với cô “những suy nghĩ sâu sắc và buồn thảm”, và cô đã cố gắng can thiệp.
“Rốt cuộc, tôi chỉ có thể trì hoãn nhưng không thể ngăn việc cậu ấy tự tử”, Nine9 viết. “Jonghyun thân thương, tớ quý cậu rất nhiều”.

Theo báo cáo của hãng thông tấn Yonhap: “Không rõ sự việc xảy ra khi nào, nhưng ngay sau Jonghyun gửi thư cho Nine9, cô đã ngay lập tức chuyển nó cho gia đình anh. Sau khi xảy ra sự việc bi thảm, chúng tôi đã thảo luận xem có nên công khai thư hay không. Gia đình quyết định công khai”.

Jonghyun được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh tại nhà riêng ở Cheongdam-dong, khu dân cư cao cấp quận Gangnam, Seoul, và qua đời tại bệnh viện, theo thông báo từ công ty quản lý của anh – SM Entertainment.

Chị gái Jonghyun nói với cảnh sát rằng cô đã nhận được tin nhắn từ em trai mình, ám chỉ “lời tạm biệt cuối cùng” nên đã gọi cấp cứu khẩn cấp vì sợ rằng Jonghyun sẽ tự kết liễu đời mình, theo tin của Yonhap.

Năm 2008, Jonghyun đã ra mắt làng âm nhạc Hàn Quốc với tư cách ca sĩ trong nhóm nhạc 5 thành viên SHINee. Họ trở thành một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Jonghyun sớm nổi tiếng khi xuất hiện trên sân khấu với giọng hát đa sắc màu, đầy cảm xúc. Sau đó, anh cũng phát triển thành công sự nghiệp solo, thường xuyên hợp tác với các nghệ sĩ khác và xuất hiện trên các chương trình nổi tiếng như “Saturday Night Live Korea.”

Trong thư tuyệt mệnh, Jonghyun nói anh muốn chạy trốn khỏi nỗi đau, và về áp lực khi phải đứng giữa ánh đèn sân khấu trong gần một thập kỷ.

Anh viết “Cuộc sống nổi tiếng không dành cho tôi. Họ nói rằng thật khó có thể đương đầu với cả thế giới và trở nên nổi tiếng… Tại sao tôi chọn cuộc sống này? Thật nực cười. Thật là phép màu khi tôi còn tồn tại lâu như vậy”.

Jonghyun kết thúc thư bằng việc xin mọi người đừng đổ lỗi cho anh: “Tôi còn biết nói gì đây? Xin hãy nói với tôi rằng tôi đã làm tốt nhé. Bấy nhiêu đó là đủ rồi. Hãy cứ nói rằng tôi đã làm việc chăm chỉ nhé. Kể cả khi bạn không thể bình thản mỉm cười chấp nhận việc tôi ra đi, thì cũng đừng trách cứ tôi khi tiễn tôi đi. Các bạn đã làm rất tốt, cũng đã rất chăm chỉ rồi. Vĩnh biệt!”

Thần tượng lớn của K-pop này đã chia sẻ về những vật lộn của anh với vấn đề tâm thần trong những năm qua. Jeff Benjamin, biên tập viên của Fuse TV, từng là người phụ trách chuyên mục K-pop cho Billboard trong 5 năm, cho biết Jonghyun rất quan tâm về nhu cầu tinh thần và cảm xúc của các thành viên trong nhóm.

Benjamin nói “Anh ấy nói việc quan tâm đến thể chất và tình cảm của nhau là vô cùng quan trọng. Dù chúng ta vẫn cần chờ báo cáo khám nghiệm tử thi để xác định anh đã qua đời như thế nào, thì có vẻ anh cũng đã suy nghĩ rất nhiều về sức khỏe tâm thần, cách đối phó tốt nhất và cách để tiếp tục sống”.
Trong cuộc phỏng vấn với Esquire Korea, Jonghyun “bộc lộ rất nhiều cảm xúc chán nản” kể từ khi còn nhỏ.

Jonghyun nói với tạp chí “Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng tôi có thể tiếp tục sống chịu đựng cảm giác chán nản đó mãi mãi. Bạn có thể vượt qua giai đoạn đầu đến giữa cuộc đời với nỗi u sầu đó. Nhưng nếu muốn trưởng thành, bạn chỉ có thể sống tiếp nếu vứt bỏ những cảm xúc đó. Nếu không muốn mắc kẹt trong chính bản thân mình và chết, bạn phải trưởng thành cho dù có đau đến mức nào – nhưng nếu bạn dừng lại vì sợ thì rốt cuộc bạn vẫn còn suy nghĩ quá ngây thơ.” Trong cuộc phỏng vấn, anh nói thêm: “Cảm giác chán nản và mặc cảm luôn chi phối tôi”.

Cái chết của nam ca sĩ khiến người hâm mộ trên toàn thế giới sững sờ và buộc phải chú ý đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thuộc OECD, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh Tế. Theo dữ liệu của OECD năm 2015, cứ 100.000 người ở Hàn Quốc sẽ có gần 30 người tự tử; Nhật Bản, Hungary và Slovenia theo sau với gần 20 người tự tử trong số 100.000 người.

Trong báo cáo gần đây dựa trên dữ liệu trong hai thập kỷ qua, OECD lo ngại về việc gia tăng số vụ tự tử và bệnh nhân tâm thần ở Hàn Quốc.
“Theo xu hướng chung trong 20 năm qua, số lượng giường bệnh tâm thần ở các nước OECD đã giảm đi, nhờ thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cả cộng đồng.
Khi tin tức về cái chết của Jonghyun lan truyền, những người hâm mộ SHINee – tự gọi mình là “Shawols” – ghép giữa tên ban nhạc SHINee và “world” (thế giới) – đã hoài nghi, không tin. Sau khi SM Entertainment công khai xác nhận cái chết của Jonghyun, nhiều fan cuồng đã đến bệnh viện nơi anh qua đời để bày tỏ lòng kính mến. Mạng xã hội ngập tràn những lời tiếc nuối xót thương từ những người hâm mộ và các nghệ sĩ đồng nghiệp. Ngay cả ở Hoa Kỳ, Jonghyun và SHINee cũng đang là xu hướng trên Twitter, những kỷ niệm của họ thường được đăng kèm với hashtag: #MyMentalHealthIn5Words, nghĩa là sức khỏe tinh thần của bạn trong 5 từ.

Nguồn: www.washingtonpost.com
Hồng Nhạn dịch

Chúng ta đang ảo tưởng về các thần tượng và hình mẫu?

Những thần tượng truyền cảm hứng và trấn an chúng ta rốt cuộc cũng chỉ là những người bình thường, cũng có ưu điểm và khiếm khuyết.
Minh họa của họa sĩ DAD trên mục Vườn hồng (báo Thanh Niên)

Các thần tượng K-pop cùng những thăng trầm của họ đã có những ảnh hưởng đến những người yêu mến họ. Bạn có nhớ đến “các hình mẫu lý tưởng” bạn đã đang theo đuổi trong cuộc sống mình?

Những người từng là gương mẫu mà chúng ta từng ngưỡng mộ khi còn trẻ, khao khát được giống như họ, và có thể bây giờ họ là hình mẫu chúng ta muốn con cái mình vươn tới?

Có người cho rằng người ta sẽ đồng ý việc “người bình thường” như chúng ta cần có “những gương mẫu lý tưởng”, những người có thành tích hay tính cách khiến chúng ta xuýt xoa. Thật ra, không phải đơn giản như vậy.

Khi còn nhỏ, hình mẫu lý tưởng đầu tiên của chúng ta thường là cha mẹ, và phải mất nhiều năm chúng ta mới nhận thấy họ cũng có khiếm khuyết, dù họ có những phẩm chất đặc biệt. Thanh thiếu niên xây dựng quan hệ với những người hướng dẫn đáng ngưỡng mộ ở trường hoặc nơi làm việc. Họ thường lý tưởng hóa cố vấn của mình, cho đến khi nhận ra rằng dù có vài tài năng đặc biệt, hình mẫu lý tưởng này vẫn chỉ là “người bình thường”, cũng phạm sai lầm. Thách thức chính là sự chấp nhận việc cha mẹ, người hướng dẫn, và cả chính bản thân chúng ta, là có giá trị dù vẫn còn có những thiếu sót.

Trẻ em và thanh thiếu niên cũng bị thu hút bởi các loại anh hùng hoặc thần tượng khác: tôn sùng các vận động thể thao, theo đuổi lối sống của các ngôi sao điện ảnh, truyền hình hoặc âm nhạc trên mạng xã hội.

“Fan cuồng” sẽ đăng ảnh thần tượng của mình lên mạng hoặc dán áp phích lên tường phòng ngủ để được truyền cảm hứng. Đôi khi việc hâm mộ biến thành sự sùng bái mãnh liệt hoặc thậm chí là tình yêu lãng mạn “hoang tưởng”.

Người trưởng thành cũng ngưỡng mộ các ngôi sao trong thể thao, âm nhạc và truyền thông, chọn họ là anh hùng hoặc thần tượng của mình. Nhiều người bị thu hút hơn bởi những người thành đạt trong các lĩnh vực khác. Các lãnh đạo thế giới, nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, lãnh đạo tôn giáo, nhà phát minh, nhà soạn nhạc, nhà từ thiện, nhạc sĩ, bác sĩ, giáo viên hoặc thẩm phán thường là đối tượng được ngưỡng mộ.

Những người khác thì ấn tượng với đặc điểm tính cách tốt đẹp của hình mẫu lý tưởng của họ (hoặc của con cái họ). Họ tôn người đó lên tượng đài hoàn mỹ: đàng hoàng, đáng kính, từ bi, đồng cảm, hào phóng, khoan dung, khiêm tốn, trách nhiệm và đáng tin. Những người khác lại có hình mẫu lý tưởng là các nhà lãnh đạo thành công, mạnh mẽ, hoặc thậm chí cả những người bảo thủ, ích kỷ, tự cao tự đại và ái kỷ.

Do đó, việc lựa chọn hình mẫu lý tưởng là hoàn toàn ‘trong con mắt của kẻ ngắm nhìn’ và mang tính cá nhân cao: Thần tượng của bạn có thể là người tôi không thích, và hình mẫu của tôi có thể là kẻ vô lại đối với bạn.
Trong các hình thái tôn sùng thần tượng cực đoan, có thể thấy sự cuồng tín với một cá nhân có sức lôi cuốn, đại diện cho một hệ thống đức tin nào đó.
Các nhà lãnh đạo hình mẫu này gần như là ‘hoàn hảo’, thậm chí còn khả năng và trí tuệ siêu phàm, trong tâm trí của những tín đồ. Đa số họ sẽ hết nhiệt tình trong vòng hai năm và nhận ra thực tế về người lãnh đạo cũng là “người bình thường”

Cho dù hình mẫu lý tưởng là người sáng tạo có đóng góp cho sự tiến bộ và chất lượng của cuộc sống nhân loại, hay cung cấp cho chúng ta giải trí và sự vui thích, thì việc đưa bất kỳ cá nhân xuất sắc nào lên tượng đài hoàn hảo đều đầy dẫy nguy cơ vỡ mộng.

Không ai là hoàn hảo. Hình mẫu lý tưởng có những đặc điểm và tài năng ấn tượng cuốn hút chúng ta, ít nhất trong một thời gian, nhưng chắc chắn họ vẫn có điểm yếu và lỗi lầm.

Chúng ta đọc về các tiểu sử, tìm hiểu về bất cứ ai, hoặc chỉ đơn giản sống trên đời là để học biết biết rằng con người rất phức tạp, giống như bản thân cuộc sống vốn phức tạp. Có người thì đó là con đường bằng phẳng với niềm vui và thành tựu, nhưng với người khác, đó lại là con đường gian khổ đầy buồn bã và xung đột.

Mỗi người chúng ta là một ẩn dụ cho loài người: Tốt cách mấy, loài người chúng ta có thể rất nhân từ và gây cảm hứng, nhưng đồng thời cũng có thể đầy tăm tối và tàn phá.

Vì vậy, chúng ta cần một hình mẫu lý tưởng – người hùng và thần tượng – để mang đến cho chúng ta cảm giác ổn định trong những lúc khó khăn hay điên cuồng. Khi có hình mẫu lý tưởng để noi theo, chúng ta cảm thấy được bình yên, ít nhất trong một thời gian. Nhưng việc sùng bái tuyệt đối bất cứ con người nào chắc chắn sẽ kết thúc bằng nỗi thất vọng.

Chúng ta có thể ngưỡng mộ, thậm chí bắt chước những người thành đạt hoặc xuất sắc, nhưng tôn sùng họ như người hùng và gán cho họ những thuộc tính hay năng lực phi thực tế là việc rất dại dột, chắc chắn sẽ mang đến nỗi thất vọng.

Nguồn: www.psychologytoday.com
Hồng Nhạn dịch