Căn nguyên các bệnh lý thuộc mạng xã hội

Mạng xã hội là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng kèm theo đó là mặt tối: chứng lo lắng và trầm cảm do hậu quả của hội chứng “sợ hãi mình bỏ lỡ điều gì” (FoMO). Hãy khám phá thêm về nguyên nhân và ảnh hưởng của mạng xã hội trong cuộc sống hiện nay với quan điểm của một nhà tâm lý học nhé.

Nguyên nhân của trầm cảm và lo âu do cuồng mạng xã hội

Theo Nick Zagorski (2017), nhà báo của tờ Psychiatric News/Tin tức Tâm thần, các nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng mạng xã hội có liên quan đến việc tự cô lập khỏi xã hội, trầm cảm, bất an, ganh tị và tự ti. Phát hiện này đặt ra một câu hỏi: làm sao cảm giác tiêu cực có thể xuất hiện chỉ vì chúng ta “lướt” trên các trang mạng xã hội?

Dưới đây là một số ví dụ thực tế cho biết tại sao bạn có thể cảm thấy tồi tệ khi tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội:

  • Ảo tưởng rằng những người khác nổi tiếng hơn mình dựa vào số lượng “bạn bè” hay “người theo dõi” họ
  • Bắt gặp hình ảnh một nhóm bạn mà bạn nghĩ là thân thiết, nhưng bạn lại không được mời tham gia
  • Nhìn thấy hình ảnh người khác hạnh phúc tận hưởng cuộc sống, gây ra cảm giác buồn bã và ganh tị vì cuộc sống của bạn chẳng có vẻ gì là tuyệt vời
  • Bài đăng ít lượt “like” dẫn đến thất vọng và tự ti
  • Thấy ảnh người bạn thích cùng với người khác khiến bạn cảm thấy phiền muộn và bất an
  • Những bài viết về chính trị mà bạn không tán thành
  • Cảm giác như bạn không bao giờ theo kịp người khác
  • Bị công kích vì một tin nhắn hoặc hình ảnh bạn đã đăng

Bệnh tâm thần và những hành vi chống đối xã hội gắn liền với mạng xã hội

Mạng xã hội khiến số lượng bệnh tâm thần tăng lên đáng kể với các hình thức: tự ti, bệnh hoạn, hoang tưởng và có khuynh hướng chống đối xã hội. FoMO có thể là tác nhân ban đầu gây ra những hành vi phản cảm được đăng trên các trang mạng xã hội. Một số người thích gây sốc, càng nhiều người tương tác với bài đăng “sốc” càng khiến họ thích thú và muốn nổi loạn hơn nữa.

Hành vi chống đối xã hội bao gồm bắt nạt, không biết hối hận vì những hành động sai trái, không có khả năng đồng cảm, hoàn toàn coi thường cảm xúc của người khác (Hiệp hội Tâm thần Mỹ, 2013). Những đặc điểm chống đối xã hội này đã và đang xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội thời nay.

Chúng ta đã chứng kiến những người biểu hiện chứng chống đối xã hội trên mạng. Facebook đã phát sóng trực tiếp hàng loạt hành động khủng khiếp như bạo lực, tự làm mình bị thương và thậm chí chết chóc.

Ảnh bởi Steve Cutts

Mạng xã hội: Bệnh tâm thần hay “nghiện”?

Dù bạn nói rằng FoMO là một tác nhân gây ra chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc lo âu chứ không phải nghiện, nhưng nghiện có đặc điểm như: khó kiểm soát được việc sử dụng một chất hoặc ngừng sử dụng chất đó, dẫn đến lo lắng, thèm muốn, cảm thấy khó chịu, bứt rứt không yên khi không được tiếp xúc với chất đó (Nauert, 2010). Nghiện mạng xã hội cũng tương tự: là không thể ngừng “lướt” các trang mạng xã hội suốt cả ngày. Nghiên cứu cho thấy 45% sinh viên đại học thừa nhận họ sử dụng mạng xã hội 6-8 giờ mỗi ngày (Wang, Chen, & Liang, 2011). Vậy chúng ta đang đối mặt với nghiện ngập hay bệnh tâm thần? Hãy nói một chút về cả hai. Nghiện có thể gây ra các triệu chứng của bệnh tâm thần.

Trong nghiên cứu của Rosen và đồng nghiệp năm 2013, câu hỏi chính mà các nhà nghiên cứu muốn trả lời là: Có phải Facebook đang gây ra ‘iDisorders/Rối loạn nhân cách?’. Trong nghiên cứu, họ đã thử nghiệm xem có thể dùng chứng lo âu liên quan đến công nghệ để dự đoán các triệu chứng lâm sàng của 6 bệnh rối loạn nhân cách và 3 bệnh rối loạn cảm xúc hay không. Việc có nhiều bạn bè trên Facebook báo hiệu những triệu chứng lâm sàng của Rối loạn lưỡng cực, Rối loạn nhân cách ái kỷ và Rối loạn nhân cách kịch tính. Ngoài ra, có một phát hiện thú vị: chứng lo lắng do không thể kiểm tra Facebook có liên quan mật thiết đến các đặc điểm chống đối xã hội và ái kỷ.

Các trang truyền thông xã hội lớn như Facebook, Instagram và Twitter đã tạo ra thay đổi lớn trong cách mọi người giao tiếp trực tuyến với nhau. Nếu so sánh lúc bạn mới nghe về mạng xã hội với hiện tại, bạn có thể thấy rõ rằng phong cách giao tiếp trên mạng xã hội đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Nó không còn giống như trước đây.

Một cá nhân có thể gây hậu quả tiêu cực trên mạng xã hội bằng những cách sau:

  • Vô tư công khai suy nghĩ và cảm xúc trên bảng tin mà không nghĩ nhiều đến hậu quả
  • Nói với người khác những điều khó nghe mà họ thường sẽ không dám nói khi đối mặt ngoài đời, chẳng hạn như bắt nạt và miệt thị ngoại hình
  • Đăng đàn những điều tuyệt vời đang diễn ra trong cuộc sống, nhưng thật ra ẩn giấu đằng sau là nỗi đau đớn tột cùng
  • Chia sẻ quan điểm chính trị và tôn giáo khiến người khác khó chịu
  • Phơi bày quá nhiều thông tin cá nhân cho cả thế giới, trong khi lẽ ra chỉ nên chia sẻ với bạn thân hoặc gia đình
  • Đăng hình thức ăn ngon ở mọi quán ăn họ tới – chúng tôi gọi những người này là “cuồng ăn”
  • Quá nhiều ảnh tự sướng chứng tỏ hành vi ái kỷ (quá “cuồng” bản thân)

Tất cả chúng ta đều sử dụng mạng xã hội vì đó là công cụ giao tiếp hữu ích. Quan trọng là phải sử dụng sao cho cân bằng lành mạnh, để mạng xã hội giúp bạn phát triển, chứ không phải làm hại bạn.

Nguồn: www.ashford.edu

Hồng Nhạn dịch