Những thay đổi tích cực mà đại dịch đem đến ngoài cố gắng của con người

Nguồn: rgb.vn

Đại dịch SAR-CoV-2 là cơ hội cho mỗi chúng ta ngồi xuống, nhìn lại với cái nhìn toàn diện hơn.

Tính đến ngày 25/3, trên toàn thế giới đã có khoảng 400.000 người nhiễm bệnh, 17.000 người tử vong vì virus Covid-19 và hàng triệu người đang được cách li theo dõi. Cả thế giới đang gồng mình chống dịch, với rất nhiều người, dịch bệnh là một thảm họa cho nhân loại. Dù vậy, đại dịch cũng là cơ hội cho mỗi chúng ta ngồi xuống, nhìn lại với cái nhìn toàn diện hơn. Hãy xem để thấy rằng bên cạnh những tan thương, nó cũng đang mang lại những thay đổi tích cực ngoài cố gắng của con người!

1. Ô nhiễm môi trường được quét đi như không
Suốt nhiều năm, các nhà chức trách, các tổ chức môi trường, những người yêu môi trường tha thiết kêu gọi mọi người giảm tiêu thụ, giảm sản xuất, giảm xả thải, giảm du lịch ồ ạt để giảm lượng chất thải ra môi trường. Hàng triệu dự án, công trình, phong trào chung tay hành động giảm gánh nặng cho môi trường. Dù như thế thì môi trường vẫn phải oằn mình với ô nhiễm. Nhưng khi đại dịch xảy ra, con người tạm vắng mặt thì trái đất được nghỉ ngơi, môi trường trở nên trong lành hơn.

Trung Quốc, quốc gia được xem là nơi khởi đầu của dịch bệnh, trước khi xảy ra dịch bệnh, màu vàng của khí NO2 (Nitơ điôxít, khí độc màu nâu đỏ là một chất gây ô nhiễm không khí) bao trùm lên bầu khí quyển. Tuy nhiên bầu không khí của Trung Quốc được vệ tinh của NASA và ESA chụp lại từ ngày 10-25/2, lúc này khoảng hơn 1000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, thì bầu trời đã trong xanh hơn. Các chuyên gia ước tính lượng khí NO2 đã giảm 35% so với cùng kì năm 2019.

Hình ảnh nồng độ NO2 (màu vàng) tại Trung Quốc trước và trong đại dịch.
Nguồn ảnh: NASA

Còn ở Ý, đang là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất châu Âu, thì chỉ sau vài ngày vắng những chiếc thuyền du lịch, vắng bóng con người dòng sông Venice đã trong xanh trở lại sau hơn 60 năm qua. Dù dịch bệnh là điều không ai muốn, nhưng theo hướng tích cực có thể thấy nó đang cứu lấy môi trường. Dịch bệnh nguy hiểm nhưng ít nhất chúng ta đang được hít thở không khí trong lành hơn. Đại dịch là tai họa, nhưng cũng là cơ hội để ta thức tỉnh về cách con người đã đang đối xử với Trái Đất.

Hình ảnh nồng độ NO2 tại Tây Âu từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020.
Nguồn ảnh: European Space Agency

2. Buộc phải chăm sóc cho sức khỏe của cá nhân
Đối diện với đại dịch, chúng ta đã thật sự hiểu rõ một điều: sức khỏe quý hơn vàng. Vì trong lúc này, dù có bao nhiêu tiền bạc, của cải đi nữa cũng chưa chắc đảm bảo chúng ta được an toàn giữa đại dịch. Ngày thường, chúng ta đã bỏ bê sức khỏe thế nào? Ăn uống thiếu hợp lí, lười biếng luyện tập, làm việc quá sức, mải mê kiếm tiền, sử dụng bia rượu, chất kích thích, chìm vào những cuộc vui thâu đêm… Phải chăng khi có nhiều sức khỏe nhất, thì chúng ta lại tàn phá nó để rồi khi đại dịch xảy ra chẳng còn sức để kháng virus. Đại dịch xảy ra là lúc để chúng ta sống chậm lại, có thời gian để suy nghĩ về giá trị của sức khỏe, là lúc chúng ta buộc phải chăm sóc cho sức khỏe của bản thân. Nếu không tự bảo vệ chính mình thì không ai có thể bảo đảm cho chúng ta khỏe mạnh. Sức khỏe là lá chắn an toàn giúp chúng ta bước qua đại dịch. Bản thân mỗi người khỏe mạnh thì gia đình khỏe mạnh, mỗi gia đình khỏe mạnh thì cộng đồng sẽ khỏe mạnh.

Nguồn: Kênh14

3. Thời gian buộc cha mẹ gần con cái mình hơn
Dịch bệnh bùng nổ, trường học đóng cửa, học sinh được nghỉ học. Điều đó có nghĩa là cha mẹ phải dành thời gian chăm lo cho con cái mình nhiều hơn. Lúc trước, nhiều cha mẹ dường như giao trách nhiệm dạy dỗ, chăm sóc con cái cho nhà trường thầy cô thì khi trường học đóng cửa nhiều phụ huynh căng thẳng, than thở vì không biết gửi con ở đâu, lấy thời gian đâu để chăm con? Nhưng chúng ta nên nhớ rằng gia đình phải là nơi đầu tiên và cần thiết nhất, an toàn nhất của những đứa trẻ trong bất kì hoàn cảnh nào. Không gì là không thể vì chỉ cần tình yêu và trách nhiệm cha mẹ sẽ tìm được giải pháp để có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Nhờ những ngày dịch bệnh cha mẹ có thời gian chơi với con, học với con, tâm sự với con để hiểu con hơn. Bữa cơm gia đình cũng ấm áp, đông đủ hơn vì con không bận đi học thêm, bố không bận đi gặp đối tác… Gia đình được gần nhau hơn và thấu hiểu nhau hơn. Dịch bệnh giúp chúng ta biết yêu quý gia đình hơn, biết quan tâm, chăm sóc đến những người thân của mình.

Nguồn ảnh: Unsplash

4. Cá nhân và cộng đồng, gia tăng ý thức về độ ảnh hưởng, thúc đẩy nhau đóng góp
Có lẽ ngoài chiến tranh thì đại dịch chính là lúc con người cần sự đồng lòng nhất. Chúng ta hiểu rằng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này thì không một ai được đứng ngoài cuộc bởi virus không ngoại lệ bất kì ai. Đại dịch giúp chúng ta hiểu rằng tất cả mọi người đều có kết nối với nhau ảnh hưởng lẫn nhau, mỗi người là một mắt xích trong xã hội vì vậy không thể sống tách rời cộng đồng. Nếu như chúng ta an toàn mà những người xung quanh lây nhiễm dịch bệnh thì liệu rằng chúng có an toàn không? Đại dịch cho chúng ta thấy ý thức cá nhân quan trọng như thế nào, thấy được được những tấm lòng cao cả, những con người chịu hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng…. Cũng từ đó mỗi người chúng ta biết chấp nhận chịu thiệt thòi một chút, nhường nhịn nhau một chút, bớt than thở, bớt chỉ trích… mà thay vào đó là động viên nhau, giúp đỡ nhau vượt qua dịch bệnh. Đại dịch gửi đến thông điệp cho nhân loại về sự chăm sóc lẫn nhau, bảo vệ vệ lẫn nhau và quan tâm lẫn nhau.

Nguồn: Tiền phong

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn nhưng chúng ta không thể tránh khỏi vì nó đang lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu. Bên cạnh những đau thương, lo lắng dịch bệnh đã, đang và sẽ mang đến, chúng ta hãy nhìn đến những điều tích cực để biết trân trọng cuộc sống này. Chúng ta không thể biết ngày mai dịch bệnh có lây lan đến bên cạnh mình hay không vì vậy hãy nắm giữ thời gian mình đang có, sống tích cực ngay chính hôm nay. Dịch bệnh rồi sẽ đi qua, hãy bảo vệ bản thân và cộng đồng được an toàn bước qua đại dịch để có thể sống ý nghĩa hơn, tích cực hơn trong những ngày về sau.

Nguồn: Báo Lao Động

bởi Phan Uyên

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *