
‘Sự tham lam’ có lẽ là một bản tính mà trong số chúng ta ít ai có thiện cảm khi nhắc đến. Chúng ta không thể phủ nhận rằng bản tính này vẫn còn ở trong mỗi chúng ta.
‘Lòng tham’ hay ‘sự tham lam’ là gì?
Tuỳ theo góc nhìn, lòng lam có nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng đều có điểm chung là chỉ bản tính muốn lấy hết về phần mình, lấy quá phần của mình được hưởng, lấy cả phần của người khác… Trong văn học dân gian, lòng tham được người xưa nói là “vô đáy”. Có biết bao truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn nói lên lòng tham của con người như: “Ăn khế trả vàng”, hay “Con gà đẻ trứng vàng”… Lòng tham là “vô đáy” nên không thể kể ra hết được. Lòng tham đeo bám theo con người hằng ngày vì gắn với nhu cầu. Về đại thể, nhu cầu của con người nói chung, nhu cầu của mỗi người nói riêng là hết sức đa dạng. Chúng ta có nhu cầu ăn no rồi lại ăn ngon, mặc ấm rồi đến mặc đẹp, có ít rồi lại muốn có nhiều thêm. Vì vậy chúng ta cứ bươn theo lòng mình, điều mình muốn để rồi không cảm thấy đủ, không cảm thấy thỏa lòng về những điều mình đang có.
Có thể nói rằng, bản tính này tồn lại trong mỗi một người từ khi sinh ra, chỉ có điều chúng ta có thể chế ngự nó trong mình được hay không mà thôi. Một ví dụ rất dễ thấy đó chính là những đứa trẻ thường vẫn theo bản năng mà giành lấy mọi thứ cho riêng mình. Để rồi sau đó khi lớn lên, những đứa trẻ cũng dần bị ảnh hưởng những biểu hiện của sự tham lam từ những người lớn tuổi. Và chính những đứa trẻ này cũng trưởng thành và ảnh hưởng tới con cháu của chúng. Nếu như vậy, có lẽ chúng ta cần tìm đến với tổ tiên của chúng ta – những con người đầu tiên trên Trái Đất này, để biết được lòng tham đã có từ ai, từ khi nào và nó đã truyền đến chúng ta ra sao.
Lòng tham xuất hiện từ khi nào?
Chuyện kể rằng:
Xưa kia, nơi khu Vườn Địa Đàng xinh đẹp do Thượng Đế tạo dựng với cây cối xum xuê và đầy đủ các loài chim muông, thú rừng. Một người nam là A-đam và một người nữ tên Ê-va sinh được sống trong khu vườn đó. Thượng Đế đã trao cho họ quyền để quản trị tất cả các loài chim muông, thú rừng, họ được quyền tận hưởng mọi hoa trái của cây cối trong khu vườn chỉ trừ duy nhất quả của cây trồng ở giữa khu vườn đó. Cuộc sống của họ được tiếp diễn mỗi ngày với những điều vui thích mà thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng, bỗng có một ngày, một con rắn rỉ tai nàng Ê-va rằng: “Nàng có biết là ăn trái này sẽ trở nên khôn ngoan và biết mọi sự trên đời không?”. Nàng Ê-va đáp: “Nhưng Thượng Đế không cho phép chúng tôi ăn trái đó”. Con rắn trả lời: “Nàng cứ ăn đi, sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu!” Nghe lời con rắn có vẻ êm tai, nàng Ê-va quay ra ngắm nhìn trái của cây trồng giữa vườn đó, thấy chúng thật đẹp mắt, lòng tham trong nàng trổi lên, nàng đưa tay hái một trái ăn thử và cũng trao cho A-đam cùng ăn nữa. Họ tự nhủ: Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra đâu…
Hậu quả là A-đam và Ê-va đã phải chịu trách nhiệm cho hành động sai trái của mình. Họ bị đuổi ra khỏi khu Vườn Địa Đàng trù phú, và họ phải làm việc cực nhọc mới có cái mà ăn. Cuộc sống của họ từ đó là những ngày khó nhọc, phải làm lụng vất vả cho miếng ăn hàng ngày.
Một câu chuyện buồn…
Đọc xong câu chuyện này, trong đầu tôi có đặt ra một câu hỏi rằng: “Tại sao? Tại sao nàng Ê-va lại để mình bị cám dỗ để rồi phải nhận một hậu quả cay đắng?”
Và tôi có được một câu trả lời… Một trong những nguyên nhân khiến nàng Ê-va hành động như vậy đó là bởi vì LÒNG THAM. Chính lòng tham đã dẫn nàng Ê-va đến quyết định sai lầm đó, lòng tham đã lấn át lý trí của nàng.
Lòng tham vốn là bản năng của con người, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến chính chúng ta ngày nay. Thế nhưng việc chạy theo lòng tham hay cai trị trên nó thì thuộc vào lựa chọn của mỗi chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ nhưng có thể lựa chọn được tương lai mình sẽ ra sao?
bởi Quỳnh Mai
Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?