Ảnh hưởng của việc ly hôn: Các bước giúp trẻ sớm ổn định tinh thần

Người trưởng thành nhưng lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly hôn có thể gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ với người khác.

Ảnh từ verywellfamily

Tỷ lệ ly hôn cao hơn đối với những người từng có cha mẹ ly hôn.1 Cha mẹ đóng vai trò chính yếu trong cách trẻ thích nghi với một cuộc ly hôn. Sau đây là một số cách có thể giúp giảm tác hại tâm lý do ly hôn gây ra cho trẻ:

Đồng nuôi dưỡng con cái cách hòa thuận

Xung đột căng thẳng giữa cha và mẹ làm tăng sự đau buồn ở trẻ. Sự thù địch quá mức, như la hét và đe dọa lẫn nhau, dẫn đến việc trẻ có các vấn đề về hành vi2 Dù vậy, ngay cả căng thẳng nhỏ cũng có thể làm trẻ bị ảnh hưởng. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đồng nuôi con với người bạn đời cũ của mình, hãy tìm đến các chuyên gia để được giúp đỡ.

Không đặt con cái đứng ở giữa

Việc bảo trẻ chọn giữa cha và mẹ xem các cháu yêu ai nhất, hoặc bảo trẻ chuyển hộ tin nhắn hay thông điệp của mình cho người kia là điều rất không nên. Trẻ khi cảm thấy mình bị mắc kẹt ở giữa có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo lắng.

Duy trì mối quan hệ lành mạnh

Truyền thông tích cực, bày tỏ sự ấm áp với con, hạn chế tối đa xung đột là những cách có thể giúp trẻ thích nghi tốt hơn với cuộc ly hôn. Một mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ với con cái sau khi ly hôn được chứng minh là giúp trẻ phát triển lòng tin về giá trị bản thân cao hơn và có kết quả học tập tốt hơn.

Sử dụng kỷ luật nhất quán

Thiết lập nội quy phù hợp với lứa tuổi và luôn làm đúng theo chế độ thưởng/phạt khi cần thiết. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 cho thấy kỷ luật hiệu quả sau khi ly hôn giúp làm giảm tình trạng phạm pháp và cải thiện kết quả học tập.3

Giám sát chặt chẽ trẻ vị thành niên

Khi phụ huynh thường xuyên để ý đến những việc làm của thiếu niên và những người mà các cháu ở cùng, các cháu ít có vấn đề về hành vi sau khi ly hôn hơn, nghĩa là giảm nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện và ít vấn đề trong học tập hơn.

Động viên trẻ

Những trẻ không tự tin để đối phó với sự thay đổi, hoặc trẻ nghĩ mình là nạn nhân bất lực, có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hãy giúp con bạn hiểu rằng mặc dù việc trải qua biến cố ly hôn của cha mẹ rất khó khăn, nhưng cháu có sức mạnh tinh thần đủ để vượt qua, cháu có thể làm được.

Dạy trẻ kỹ năng đối phó

Đối với những trẻ đã học biết về phương cách đối phó tích cực, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng tái cấu trúc nhận thức, sẽ thích nghi tốt hơn với việc ly hôn. Hãy dạy trẻ cách kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình một cách lành mạnh.

Giúp trẻ cảm thấy an toàn

Nỗi sợ bị bỏ rơi hoặc những quan ngại về tương lai có thể gây ra rất nhiều lo lắng, nhưng việc giúp trẻ cảm thấy được yêu thương, an toàn và yên tâm không chỉ có thể làm giảm tâm lý níu kéo mà còn giảm nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trang bị kiến thức dành cho phụ huynh

Có nhiều chương trình dành cho phụ huynh để hướng dẫn cách làm giảm tác động của ly hôn lên con cái. Phụ huynh sẽ được dạy các kỹ năng và chiến lược phối hợp nuôi dạy con nhằm giúp trẻ đối phó với những sự thay đổi.

Tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp

Để có thể hỗ trợ con cái vượt qua giai đoạn này, bạn cần kiểm soát mức độ căng thẳng của chính mình. Hãy chăm sóc bản thân tốt và cân nhắc việc tìm đến tâm lý trị liệu hoặc những sự trợ giúp khác để giúp bạn thích nghi với những sự thay đổi trong gia đình.

Khi nào cần tìm sự giúp đỡ cho con

Mặc dù ly hôn quả thật rất khó khăn đối với các gia đình, nhưng nếu quyết định ở cùng nhau chỉ vì lợi ích của con cái có thể không phải là lựa chọn tốt nhất. Trẻ sống trong những gia đình thường xuyên cãi vả, thù hằn và bất mãn có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi.

Vì thế, việc trẻ phải trải qua khó khăn trong cảm xúc và hành vi ngay sau khi cha mẹ chia tay là điều bình thường. Nhưng, nếu con bạn gặp vẫn tiếp tục có vấn đề về tâm tính hoặc hành vi, hãy tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn.

Ban đầu, bạn có thể trao đổi với bác sĩ thường theo dõi sức khỏe của con. Hãy chia sẻ mối ưu tư của bạn và hỏi ý kiến về việc tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn cho con. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn chuyên gia tâm lý trị liệu hoặc các dịch vụ hỗ trợ khác.

Việc trị liệu tâm lý cá nhân có thể giúp trẻ hiểu về những cảm xúc của mình. Trị liệu gia đình cũng được khuyến khích để giải quyết những thay đổi trong sinh hoạt gia đình. Một số cộng đồng còn xây dựng các nhóm hỗ trợ dành cho trẻ em. Các nhóm này tạo điều kiện để trẻ ở độ tuổi giống nhau, đang trải qua hoàn cảnh gia đình tương tự nhau, có thể gặp gỡ và giao lưu.


Tác giả: Amy Morin, Chuyên viên xã hội
Nguồn: Very well family
Dịch: Blessie


1. Perelli-Harris B, Berrington A, Sánchez Gassen N, Galezewska P, Holland JA. The Rise in Divorce and Cohabitation: Is There a Link? Popul Dev Rev. 2017;43(2):303–329. doi:10.1111/padr.12063
2. Anderson J. The impact of family structure on the health of children: Effects of divorce. Linacre Q. 2014;81(4):378–387. doi:10.1179/0024363914Z.00000000087
3. Sigal A, Sandler I, Wolchik S, Braver S. Do Parent Education Programs Promote Healthy Post-Divorce Parenting? Critical Distinctions and a Review of the Evidence. Fam Court Rev. 2011;49(1):120–139.

Xem thêm

Chưa có bình luận nào, bạn có muốn trở thành người đầu tiên?


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *