Mặt tối của game điện tử

Trò chơi điện tử (video game) và trò chơi trực tuyến (game online) là hình thức giải trí phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt đối với nam thanh thiếu niên. Nhưng liệu có tiềm tàng một mặt tối nguy hiểm đằng sau việc chơi game?
Minh họa bởi Sam Woolley

Nó bắt đầu khá vô tư, như rất nhiều việc khác. Anh R. (ẩn tên) chỉ đi chơi với bạn bè một thời gian. Nhưng mọi thứ bắt đầu khi vui chơi dần biến thành thứ gì đó nghiêm trọng hơn nhiều.
R. bắt đầu bước vào thế giới game trực tuyến với trò bắn súng góc nhìn thứ nhất. Anh và bạn bè sẽ tụ tập lại, kết nối mạng máy tính xách tay và chơi game nhập vai nhiều người chơi trong nhiều giờ đồng hồ.

Năm 2004, R. được giới thiệu một game mới: World of Warcraft (WoW). Tính đến thời điểm đó, anh ta đã chơi các game có thiết lập một số cấp độ để người chơi có thể giành chiến thắng. WoW là game đầu tiên R. chơi mà không bao giờ có thể chiến thắng.
Vì hầu như mỗi tháng, nhà sản xuất game sẽ đưa ra nội dung mới để người chơi mua. R. là người luôn có động lực cao, hướng đến mục tiêu và cạnh tranh; Vì vậy, WoW đã cho anh một thách thức không thể cưỡng lại.

Sở thích, thành thói quen, rồi nghiện

Giống như các game trực tuyến nhiều người chơi khác, WoW được thiết lập để tạo ra cuộc sống giả tưởng cho người chơi. Mỗi người chơi sẽ tạo ra nhân vật đại diện có danh tính, nghề nghiệp và bộ kỹ năng riêng. Người chơi chọn một vương quốc và có thể tham gia bang hội với những người chơi khác. Nghe như đây là một trò chơi mang tính tương tác và xã hội, liên quan đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Trên thực tế, thành công trong loại trò chơi này thường phụ thuộc vào lượng thời gian người chơi đầu tư cho nó. Vì vậy, game này được thiết kế để “khuyến khích” chơi càng lâu càng tốt.

Minh họa bởi Javier Zarracina/Vox


Đối với R., WoW trở thành lối thoát khỏi cuộc sống thật ngày càng buồn bã. Chia tay với bạn gái, không thể theo kịp chương trình đại học, mọi thứ chán nản đều bị đẩy ra khỏi tâm trí anh khi chơi game. R. tạo ra một thực tế hoàn toàn khác cho mình thông qua trò chơi này. Trong game, anh rất mạnh mẽ và thành đạt. Chỉ đến khi dừng chơi, cảm giác thiếu thốn, lo lắng và trầm cảm của anh mới quay trở lại.
R. thấy mình chơi WoW ngày càng nhiều. Game này ảnh hưởng sâu sắc đến nỗi nếu không phải dừng lại để tham gia hoạt động ngoài đời thực, anh có thể chơi game cả ngày. “Tôi bắt đầu chơi khi vừa thức dậy, và trước khi tôi nhận thức được, đó thật ra là ban đêm”. Game bắt đầu nuốt chửng anh; Anh nghĩ về nó suốt cả ngày, ngay cả khi không chơi. Anh thậm chí còn mơ về nó.
R. chơi WoW trong ba năm. Hai lần anh cố từ bỏ cuộc chơi. “Bạn không bao giờ muốn nghĩ rằng mình là một kẻ nghiện”, anh giải thích. Tuy nhiên, anh biết game đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống mình. Anh đang phải vật lộn để đến lớp học buổi sáng. Anh ngừng làm bài tập về nhà. Đời sống xã hội của anh phải chịu tổn thất.
Tại một thời điểm, anh nghĩ mình đã bỏ được game. Anh ngừng chơi, tập trung vào đại học và dần tốt lên. Anh thậm chí còn có việc làm thêm hè, và có thể tự kỷ luật bản thân suốt mùa hè để duy trì công việc, chỉ chơi game trong khoảng thời gian giới hạn.
Khi trở lại trường đại học mùa thu năm đó, anh cảm thấy chắc chắn mình đã kiểm soát được thói quen đó. Nó không còn can thiệp vào cuộc sống của anh được nữa.
Nhưng sau đó, như đã từng, R. tìm đường quay lại với game và bắt đầu chơi lại, thế là càng khó hơn để thức dậy mỗi buổi sáng. Anh thức dậy và nhận ra mình đã bỏ lỡ lớp học một lần nữa. Sau đó, để chống lại nỗi lo lắng và căng thẳng, anh đã chơi WoW trở lại.
Cuối cùng, anh chọn rút khỏi tất cả lớp học. Anh kiếm được rất nhiều tiền vào mùa hè đó, vì vậy vẫn có đủ tiền thuê nhà. Anh ta giả vờ với gia đình rằng mọi chuyện đều ổn, và chơi WoW trong ba tháng liền. “Tôi yêu nó. Tôi chơi thật sự giỏi, nhưng đồng thời cũng có cảm giác tan nát. Tôi không được thoả mãn”.
Thứ bắt đầu như một sở thích đã phát triển thành một thói quen và bây giờ là một chứng nghiện “hợp pháp”.

Tính chất hóa học của thói quen

Điều xảy ra với R. có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Biết rõ cách thói quen hình thành và hiểu tính chất hóa học của bộ não là chìa khóa để mở ra hiểu biết về nguyên do của nan đề này.
Trong cuốn sách “Sức mạnh của thói quen”, nhà báo Charles Duhigg bàn về vòng lặp của thói quen (Habit loop). Ông cho rằng, thói quen được hình thành do não chúng ta liên tục tìm cách “tiết kiệm” sự nỗ lực, vì vậy nó chuyển đổi một chuỗi các hành động thành một thói quen tự động, gọi là “chunking”. Đây là cách mọi thói quen được hình thành. Tự động vận hành, bộ não sẽ biến lề thói thường ngày thành thói quen một cách hiệu quả.
Có ba thành phần của vòng lặp thói quen: tín hiệu, lề thói và thành quả. Tín hiệu là bất cứ thứ gì kích hoạt bộ não để nó biết cần khởi chạy khuôn mẫu hoặc lề thói nào. Lề thói được thiết lập bằng cách làm việc tương tự lặp đi lặp lại. Và thành quả đến cuối cùng. Theo thời gian, khi lặp lại vòng lặp ba bước này, bộ não sẽ trở nên tự động hơn. Các tín hiệu và thành quả sau đó liên kết mạnh mẽ với nhau, rồi cảm giác khao khát và rạo rực sẽ phát triển theo.
R. phát hiện ra điều này ngay sau khi anh dường như đã từ bỏ game. Lúc đó, anh đã kết hôn, có công việc với mức lương cao và đã bỏ chơi WoW trong nhiều năm. Sau đó, khi một người bạn cũ đến thăm, R. bị lôi kéo trở lại chơi game. Anh đã chơi một lần, sau đó quyết định rằng mình không thể quay trở lại con đường đó; anh có quá nhiều thứ để mất. Nhưng trong nỗi thất vọng, cảm giác thôi thúc tiếp tục chơi quá mạnh đến nỗi trở thành ám ảnh. Anh nghĩ về game liên tục.
“Tôi không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì trong cuộc sống với cường độ như vậy. Đó là sự ép buộc cực kỳ mạnh mẽ.” R. là người nghiện chơi game.

Xã hội mệt mỏi vì nghiện game

R. không đơn độc trong cuộc đấu tranh với việc chơi game quá mức. Bất cứ ai làm việc với thanh thiếu niên trong trường học sẽ nói rằng: nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi vấn đề này, đặc biệt là nam sinh.

Ảnh bởi Eran Cantrell


“Nam giới đang tụt lại phía sau nữ giới trong nhiều lĩnh vực ngày nay. Có nhiều yếu tố để giải thích thống kê này, trong đó yếu tố rõ ràng nhất là việc lạm dụng game. Theo bài báo Tâm lý học ngày nay, một số vấn đề lớn liên quan đến việc chơi game quá mức là:

  • Hành vi bốc đồng.
  • Xu hướng chấp nhận bạo lực.
  • Kỹ năng xã hội yếu kém.
  • Khó tập trung chú ý.
  • Khó khăn khi đối phó với căng thẳng và các vấn đề thực của cuộc sống.

Một trong những khía cạnh rắc rối nhất của việc chơi game là ngày nay các game phổ biến nhất đều dựa trên yếu tố bạo lực. Các trò chơi như Grand Theft Auto và Call of Duty đặt người chơi đằng sau một khẩu súng để giết hàng trăm “con người” bằng đồ hoạ kỹ thuật số, thêm vào hình ảnh mô tả máu bắn tung toé. Nghiên cứu khoa học xác nhận rằng việc liên tục “tắm” tâm trí bạn trong những hình ảnh bạo lực sẽ dẫn đến vô cảm với bạo lực. Nói cách khác, các game thủ đã mất đi cảm giác trước bạo lực ngoài đời thật.
Năm 2000, một báo cáo về phân tâm học của Mỹ đã cho biết: “Kết luận của cộng đồng y tế công cộng, dựa trên hơn 30 năm nghiên cứu: xem cảnh bạo lực giải trí có thể dẫn đến sự gia tăng thái độ, giá trị và hành vi bạo lực, đặc biệt là ở trẻ em. Hơn nữa, việc xem hình ảnh bạo lực kéo dài có thể dẫn đến vô cảm đối với bạo lực trong đời thực. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy tác động tiêu cực [của các video game bạo lực] có thể nghiêm trọng hơn đáng kể so với tác động của truyền hình, phim ảnh hoặc âm nhạc”.
Năm 2006, tại Mỹ một nghiên cứu đại học đã phát hiện rằng: tiếp xúc với các video game bạo lực “làm tăng những suy nghĩ hung hăng, cảm giác tức giận, kích thích sinh lý cùng với hành vi bạo lực, và giảm các hành vi có ích”.
Mặc dù rõ ràng phần lớn những người chơi game bạo lực không giết người hàng loạt, nhưng nhiều người thực hiện những vụ giết người hàng loạt đã từng chơi game bạo lực (thống kê ở Mỹ), và không thể nào bỏ qua mối tương quan này.

Trò chơi kết thúc

Bài viết này chỉ lướt qua bề nổi của một tảng băng trôi khổng lồ. Đây là vấn đề mà chúng tôi hy vọng độc giả sẽ suy nghĩ sâu sắc.
Nếu bạn đang dành hàng giờ để chơi video game và nhận ra rằng nó đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống mình, thì đã đến lúc hành động. Chúng ta được dạy rằng cách loại bỏ sự tiêu cực khỏi cuộc sống là loại bỏ chúng ngay từ gốc rễ và tránh những cám dỗ. Để khắc phục tình trạng chơi game quá mức, bạn có thể cần dẹp bỏ mọi thiết bị chơi game khỏi nhà bạn, vô hiệu hóa phần mềm game trên máy tính hoặc hủy đăng ký chơi game trên mạng.
Nếu bạn là cha mẹ, hãy nghiêm ngặt theo dõi con cái trong lĩnh vực này. Nếu bạn để các trò chơi điện tử trong nhà, hãy theo dõi chặt chẽ việc con bạn sử dụng chúng và liệu trò chơi đó có phù hợp hay không. Đừng để con bạn lãng phí hàng giờ ngồi lì trước màn hình máy tính hoặc tivi. Ngoài ra, hãy chú ý đến các game trên điện thoại thông minh. Nếu con bạn đang rút lui khỏi xã hội thực cũng như gia đình để chơi game, có lẽ đã đến lúc bạn hành động.
Sau nhiều tuần đấu tranh, R. cuối cùng đã có thể từ bỏ game, nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và kết nối lại với nền tảng giáo dục của Kinh Thánh. Anh nhận thấy rằng game đã trở thành một loại thần tượng, và anh tin rằng mình đã bị tấn công trong tâm linh . Những người khác có thể phải tìm sự giúp đỡ chuyên môn để thoát khỏi cơn nghiện game. Mặc dù chúng ta thường lảng tránh không chịu tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng hãy thử một lần vì lợi ích tương lai.

Chúng tôi hy vọng câu chuyện của R. và các thông tin khác trong bài viết này sẽ giúp mọi người tránh hoặc khắc phục vấn đề nghiêm trọng này.

Nguồn: lifehopeandtruth.com

Hồng Nhạn dịch

Xem thêm